Cà Mau hoàn thành xóa hơn 2.000 nhà tạm, nhà dột nát
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Cà Mau đã khởi công đạt gần 78% trên tổng số nhà, trong đó có 2 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành 100% việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố Cà Mau.
Chiều 14/4, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến hết ngày 11/4 vừa qua, toàn tỉnh Cà Mau đã khởi công 3.421/4.400 căn (xây mới 2.791 căn; sửa chữa 630 căn), đạt 77,8% và đã có 2.068 căn đã hoàn thành (xây mới 1.557 căn; sửa chữa 511 căn).
Trong 9 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có 2 đơn vị là huyện Ngọc Hiển (240 căn) và thành phố Cà Mau (112 căn) đã hoàn thành 100% mục tiêu đề án, trước gần 2 tháng so với mục tiêu đề ra của tỉnh Cà Mau, và trước khoảng 5 tháng so với mục tiêu chung của cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (bìa phải) thị sát chất lượng xây dựng nhà cho người dân trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bên cạnh 2 đơn vị nêu trên, một số huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có tiến độ hoàn thành khá tốt, như: Đầm Dơi (đạt 98,4%), Trần Văn Thời (đạt 95%), Cái Nước (đạt 75,1%), Thới Bình (đạt 73,7%)...

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ (60 triệu đồng/căn xây mới; 30 triệu đồng/căn sửa chữa) theo quy định, qua rà soát trong tổng số 4.400 căn nhà được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có 3.124 căn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh được các địa phương trong tỉnh hỗ trợ thêm mức 5 triệu đồng/căn để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp tích cực trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chương trình đã có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, trên tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “ai có gì góp nấy”, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều...

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (bìa phải) tặng Bằng khen cho các tập thể có đóng góp tích cực trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trong số đó có sự chung tay đóng góp của đội ngũ đảng viên. Chỉ trong 2 tuần gần đây, các đảng viên trong tỉnh Cà Mau đã tự nguyện quyên góp được tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, tiếp thêm nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân địa phương.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh còn vận động được tổng số hơn 2.894 ngày công lao động trong dân, góp phần giúp tháo dỡ nhà, phụ hồ, đắp nền, lợp mái,... để hộ thụ hưởng giảm chi phí xây nhà, nâng cao chất lượng nhà được hỗ trợ.
Hội nghị cũng lắng nghe tham luận của một số lãnh đạo địa phương trong tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong số này có việc vận động hộ dân trong xóm, dòng tộc... hiến đất, cho mượn đất để cất nhà cho đối tượng được hỗ trợ nhà. Nhờ đó mà đến nay, có 255/272 trường hợp hộ không có đất ở đã được giải quyết về chỗ ở.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, để có được những kết quả bước đầu khả quan trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, suốt thời gian qua, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần quyết tâm cao và trách nhiệm, góp phần chung tay cùng cả nước hoàn thành dần mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết xóa nhà tạm, nhà dột nát vào chiều 14/4.
"Người đứng đầu các địa phương trong tỉnh đã chủ động phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng và có sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện, đặc biệt là vận động người thân cho mượn đất cất nhà, huy động nhiều ngày công lao động giúp dân", đồng chí Nguyễn Hồ Hải đánh giá.
Thời gian tới, người đứng đầu cấp ủy tỉnh Cà Mau cũng lưu ý, trên tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, các đồng chí khối Mặt trận và chính quyền tỉnh cũng cần nghiên cứu xem, sau khi xóa xong nhà tạm, nhà nát, giúp bà con an cư rồi thì làm thế nào để giúp bà con “lạc nghiệp”, có cuộc sống ổn định, không để tái nghèo...?