Cà Mau: Nỗi lo sạt lở đất ven sông mùa mưa

Mùa mưa cũng là thời kỳ người dân tại nhiều tuyến dân cư ven sông ở Cà Mau sống trong cảnh thấp thỏm, phập phồng, bất an vì nếu không may xảy ra sạt lở sẽ bị đảo lộn cuộc sống.

Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với nhiều nhánh sông thông ra biển. Hằng năm, mỗi khi vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất ven sông luôn có thể xảy ra, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Đã có không ít gia đình bỗng chốc mất nhà, mất tài sản, lâm cảnh khốn cùng do sạt lở.

Hầu hết các vụ sạt lở đều được đổ cho thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra lại từ sự chủ quan của con người. Gần đây, trên tuyến kênh xáng Lương Thế Trân (một bờ thuộc phường Lý Văn Lâm, bờ kia thuộc xã Lương Thế Trân) xuất hiện phương tiện bơm hút đất dưới lòng kênh để lấp mặt bằng cho một hộ dân ở xã Lương Thế Trân. Điều đáng nói, phương tiện này đã bơm hút đất lòng kênh rất nhiều lần.

Phương tiện bơm hút đất từ kênh xáng Lương Thế Trân để lấp nền - Ảnh: Quốc Anh

Phương tiện bơm hút đất từ kênh xáng Lương Thế Trân để lấp nền - Ảnh: Quốc Anh

“Có người mua đất vuông, sau đó họ thuê phương tiện bơm hút để lấp mặt bằng. Phương tiện này xuất hiện ở đây lâu rồi, bơm hút công khai vào ban ngày. Điều này làm gia tăng tình trạng sạt lở đất ven sông quanh khu vực”, một người dân địa phương cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, tại khu vực cống Sáu Lá thuộc ấp Láng Cùng, xã Lương Thế Trân có một phương tiện đang hoạt động bơm hút cát vào ban ngày. Phương tiện kích thước khoảng 35m2, mái che, bên trong có máy công suất lớn và giàn máy dùng để bơm hút đất, cùng loạt ống (dùng để đưa đất sình vào nơi san lấp) dài hàng trăm mét. Trên phương tiện có 2 người thay phiên điều khiển. Đó chính là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng sạt lở đất ven sông quanh khu vực này.

Các vụ sạt lở đất ven sông hầu hết đều tập trung ở nơi đông dân cư sinh sống. Điển hình là vụ sạt lở đất ven sông vào giữa tháng 6 vừa qua ở xã Thanh Tùng đã làm cho 1/3 chiều dài công trình bờ kè vừa hoàn thiện nhưng chưa được nghiệm thu và và khuôn viên sân khu vực khu di tích miếu bà Thủy Long bị cuốn trôi.

Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở ven sông ở Cà Mau rất phức tạp, đe dọa đến đường giao thông

Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở ven sông ở Cà Mau rất phức tạp, đe dọa đến đường giao thông

Được biết công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở khu vực Trung tâm văn hóa và miếu bà Thủy Long dài 90m, tổng đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng do UBND xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (cũ) nay là xã Thanh Tùng (tỉnh Cà Mau) làm chủ đầu đầu tư. Bờ kè đã được nghiệm thu sơ bộ và đang chuẩn bị nghiệm thu chính thức đưa vào sử dụng thì xảy ra sạt lở chỉ sau vài tháng hoàn thành.

Đại diện chính quyền địa phương nhận định bước đầu rằng sạt lở do địa hình thủy văn phức tạp, nền sân yếu và khu vực miếu nằm tại ngã ba sông có nước chảy xiết, lại thêm tác động của mưa nhiều, triều cường.

Chưa dừng lại ở đó, hồi cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân (cũ) nay là xã Tân Tiến (Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở khiến cho 30m lộ giao thông nông thôn và 8 căn nhà bị sụp xuống sông trước sự bàng hoàng của bà con. Rất may, vụ sạt lở đất không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính hơn 2,1 tỉ đồng. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng phản ứng nhanh tiếp cận hiện trường, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời thành lập đoàn thăm hỏi, động viên những hộ bị thiệt hại sớm ổn định lại cuộc sống.

Bờ kè bị sạt lở

Bờ kè bị sạt lở

Là địa phương ven biển của tỉnh Cà Mau, xã Phan Ngọc Hiển luôn đối mặt với vấn đề sạt lở ven sông. Ông Huỳnh Thanh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã cho hay, vào mùa mưa, tại các khu vực vàm Kênh Ba và các tuyến sông như Rạch Gốc, khu vực chợ Nhưng Miên… chịu nhiều áp lực bởi có nguy cơ sạt lở đất rất cao. “Những nơi có nguy cơ sạt lở đều là khu vực đông dân cư sinh sống. Vì vậy, để chủ động từ sớm, từ xa, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân trên hệ thống loa phát thanh cảnh báo mức độ nguy hiểm để bà con chủ động phòng tránh, sơ tán kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường”.

Theo ông Đảm, nguyên nhân xảy ra sạt lở được nhận định do nền đất yếu, cộng với việc người dân thường có tập quán xây dựng nhà ở ven sông rạch khiến bờ sông phải gánh thêm sức nặng. Đồng thời, khu vực ven sông thường có dòng chảy xiết nên tình trạng sạt lở đất càng tăng thêm.

Trồng cây mắm vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng chống sạt lở ven sông - Ảnh: Hiếu Nghĩa

Trồng cây mắm vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng chống sạt lở ven sông - Ảnh: Hiếu Nghĩa

Trước tình trạng sạt lở đất ven sông ngày càng phức tạp, để ứng phó, người dân địa phương đã dùng nhiều cách như xịa cừ tràm tạo bãi sau đó trồng cây mắm. Theo đánh giá của người dân, việc trồng mắm tạo bãi bồi, bảo vệ đất chống sạt lở rất tốt và chi phí đầu tư ban đầu rất thấp.

Ông Trần Văn Hoàng ngụ phường Lý Văn Lâm cho biết cây mắm có tác dụng chống sạt lở rất tốt nhờ vào bộ rễ đặc biệt của nó. “Rễ mắm vừa bám sâu vào lòng đất, vừa mọc ngược lên khỏi mặt bùn, tạo thành một mạng lưới vững chắc giúp giữ đất, hạn chế sạt lở do tác động của thủy triều, sóng biển, hoặc dòng chảy của phương tiện giao thông thủy”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, cây mắm lớn nhanh, trong quá trình phát triển, phần rễ cây đan xen, bám chặt vào đất, tạo thành một lớp "kè" tự nhiên, giúp ngăn chặn quá trình xói mòn đất. Đồng thời, phần rễ có tác dụng làm giảm tốc độ dòng chảy của nước, làm giảm lực tác động lên bờ, từ đó giảm nguy cơ sạt lở và tăng cường khả năng bồi lắng, mở rộng diện tích đất. Việc trồng mắm giúp tạo ra môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, cân bằng hệ sinh thái vùng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ca-mau-noi-lo-sat-lo-dat-ven-song-mua-mua-234677.html