Cà Mau phản xạ trước 'đòn thuế' mới từ Hoa Kỳ
Đòn thuế bổ sung mới nhất từ Hoa Kỳ một khi có hiệu lực sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Bởi xuất khẩu thủy sản của Cà Mau mỗi năm khoảng một tỷ USD, nhưng thị phần sang Hoa Kỳ chỉ ở mức 6%...

Tôm nuôi theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh chiếm phần lớn sản lượng tôm tại Cà Mau.
Mức thuế mới mà người đứng đầu Nhà trắng tuyên bố áp chung cho Việt Nam với 46% đã ít nhiều tác động đến tâm lý chung của doanh nghiệp và người nuôi tôm Cà Mau và cả nước trong những ngày qua. Nhưng nếu phân tích một cách rành mạch thì mức độ ảnh hưởng chỉ ở phạm vi nhỏ và có thể hóa giải.
Chớ vội thu hoạch tôm khi giá giảm
Những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau có xu hướng giảm trước thông tin Hoa Kỳ áp thuế đến 46% đối với Việt Nam. Một số doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh giá mua tôm nguyên liệu đầu vào từ các ao nuôi. Ghi nhận trong ngày 4-5/4 vừa qua, giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường giảm trên dưới 10.000 đồng/kg ở nhiều kích cỡ.
Lo sợ giá tôm giảm và có thể sẽ giảm thêm nên những ngày qua, không ít hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao tại Cà Mau thu hoạch tôm ồ ạt để bán tháo. “Chưa đầy một tuần trở lại đây, các hộ xã viên đã thu hoạch hơn 30 ao tôm đang nuôi, có ao đã đến lứa bán nhưng cũng có ao tôm chưa đủ tuổi.

Nông dân huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi theo hình thức siêu thâm canh.
Bà con lo giá sẽ giảm sâu hơn bởi hiện tại, mặt bằng giá chung giảm hơn chục nghìn đồng/kg, có kích cỡ giảm hơn 20.000 đồng/kg. Thà thu sớm mong có lời ít đỉnh còn hơn mặc kệ thị trường giá có thể còn xấu hơn”, ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) chia sẻ.
Việc thu tôm ồ ạt đang có xu hướng lan nhanh, vô tình làm quá tải và khiến nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại Cà Mau vượt công suất. Điều này cũng có thể là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải giảm giá thu mua tôm nguyên liệu đầu vào và có thể sẽ còn giảm trong những ngày tới…
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện, toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn, bảo đảm tiêu thụ toàn bộ tôm sản xuất của địa phương.
Trong quý 1/2025, tình hình sản xuất tôm tại Cà Mau khá ổn định, tổng sản lượng thủy sản chung trong quý 1 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng tôm nuôi tháng 2 là hơn 40.000 tấn, và trong tháng 3 vừa qua là hơn 60.000 tấn, đạt 23,3% kế hoạch năm.
Cũng theo đánh giá của ông Thiện, việc Hoa Kỳ tuyên bố áp mức thuế chung cho Việt Nam 46% ít nhiều gây ra một số biến động trong sản xuất, trong đó có hoạt động sản xuất tôm của Cà Mau khi gần đây giá thu mua có chiều hướng đi xuống.
“Với doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng đơn vị như thỏa thuận ban đầu là khách hàng chịu thuế suất hay doanh nghiệp chịu thuế suất”, ông Thiện chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, người nuôi tôm phải hết sức bình tĩnh, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động về mức thuế. Quan trọng nhất là cần ổn định tình hình sản xuất, không nên thu hoạch sớm, thu hoạch vội, không bán tháo dẫn tới xáo trộn thị trường.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với ngành chức năng để có những giải pháp cần thiết, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trước tình hình có nhiều biến động khó lường.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cũng thận trọng và cân nhắc trong việc giảm giá thu mua tôm nguyên liệu, bởi có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn, đơn vị, hội ngành nghề dẫn dắt nông dân vượt qua thời điểm khó khăn.
Chỉ khoảng 6% xuất sang Hoa Kỳ
Trước thông tin về mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, ngày 5/4 vừa qua, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn.

Cà Mau chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước, nhưng thị phần xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ chỉ khoảng 6%, trong khi cả nước khoảng 19%.
Là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, trong nhiều năm liên tục, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt trên dưới một tỷ USD. Con số này trong năm 2024 là hơn 1,1 tỷ USD, vượt kế hoạch và tăng 5,86% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm là chủ yếu, chiếm khoảng 80%.
Thời gian qua, tôm Cà Mau được xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.

Nông dân miệt rừng huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm quảng canh theo hình thức thủ công.
Tuy vậy, thị phần xuất sang Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 6%. Như năm 2023, tôm Cà Mau xuất sang thị trường Hoa Kỳ chỉ ở mức 70,98 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,91% xuất khẩu của tỉnh.
Con số tương tự của cả năm 2024 là 76,78 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,07% xuất khẩu của tỉnh. Còn cả quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ chỉ ở mức 6,84 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,74% xuất khẩu của tỉnh.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau Châu Công Bằng cho rằng nếu có ảnh hưởng trước mức thuế chưa chính thức từ Hoa Kỳ, thì mức độ ảnh hưởng của ngành tôm Cà Mau không phải là con số lớn. Tỉnh còn rất nhiều thị trường tiềm năng khác.
Theo phản hồi từ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Cà Mau tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã chủ động đưa ra giải pháp ứng phó.

Tôm nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau là mặt hàng “đặc thù” giá trị cao khi xuất khẩu.
Trước mắt, đối với hàng hóa đang vận chuyển đến cảng nhưng chưa xuống tàu thì vận chuyển trở lại kho. Các doanh nghiệp cũng không dám chào giá, ký bán hay tạm ngưng xuất hàng cho các đối tác Hoa Kỳ như Mazzetta, Blue Sea, Limson...
“Trở ngại hiện nay là hàng xuất đang trên tàu sang Mỹ chưa biết xử lý thế nào, bởi chưa rõ thời điểm áp thuế tính từ khi hàng hóa xuống tàu vận chuyển đi hay thời điểm hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có cuộc điện đàm khá thành công với Tổng thống Hoa Kỳ, đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng để chủ động hơn nữa mọi tình huống bất lợi có thể xảy ra, việc cần làm hiện nay là người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, theo dõi và thực hiện theo các khuyến cáo của cơ quan chức năng để giữ vững giá trị cũng như chất lượng tôm.
Cùng với đó, chính quyền và các đơn vị chức năng trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự biến động trên, từ đó giúp nông dân nuôi tôm và doanh nghiệp ổn định tâm lý.
Với doanh nghiệp, cần chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hàng hóa đang xuất khẩu, chuẩn bị xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến, chuyển dịch một phần hàng xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng khác và khai thác tối đa thị trường trong nước, bảo đảm đa dạng thị trường, đa dạng đối tác và khách hàng trong và ngoài nước…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mau-phan-xa-truoc-don-thue-moi-tu-hoa-ky-post870716.html