Cà Mau: Sôi nổi nhiều sự kiện dịp lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau không chỉ là dịp để tôn vinh lịch sử hào hùng mà còn là cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng, kết nối văn hóa, kinh tế và xã hội. Chuỗi sự kiện bao gồm: Hội chợ thương mại - tiêu dùng, Lễ hội thả diều nghệ thuật, giải đua vỏ lãi mở rộng… đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và du khách.

NƠI HỘI TỤ ĐẶC SẢN

Mới đây, tại bờ Bắc Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Hội chợ thương mại - tiêu dùng chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 150 gian hàng. Hội chợ quy tụ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những sự kiện trọng điểm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc. Sự kiện kéo dài đến hết ngày 26/11.

Đặc biệt, 20 gian hàng đến từ các huyện và thành phố trong tỉnh Cà Mau đã trở thành điểm nhấn khi trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tiêu biểu. Các mặt hàng đa dạng từ nông sản, thủy sản, sản phẩm làng nghề truyền thống đến hàng tiêu dùng, điện tử, may mặc và thực phẩm chế biến đã thu hút đông đảo khách tham quan.

Màn trình diễn thả diều hấp dẫn du khách

Màn trình diễn thả diều hấp dẫn du khách

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, khẳng định: “Hội chợ không chỉ là nơi giao thương, xúc tiến đầu tư mà còn là cơ hội để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đây cũng là cách để hiện thực hóa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa”.

Không chỉ tập trung vào kinh tế, hội chợ còn gắn liền với các hoạt động văn hóa và lịch sử. Gian trưng bày các hiện vật, tư liệu về sự kiện tập kết ra Bắc thu hút nhiều sự quan tâm của người tham dự. Những kỷ vật, câu chuyện lịch sử gắn liền với dấu mốc 70 năm trước trở thành cầu nối nhắc nhở về những giá trị truyền thống và tinh thần đoàn kết dân tộc. Ngoài trưng bày tại các gian hàng, hội chợ còn mang đến nhiều hoạt động văn hóa, giải trí và giao lưu, tạo nên một không gian sự kiện toàn diện cho người dân và du khách. Đây không chỉ là dịp mua sắm mà còn là cơ hội để kết nối cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào về quê hương và thúc đẩy các giá trị văn hóa, kinh tế trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, hội chợ còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Theo thống kê từ ban tổ chức, hàng ngàn lượt khách đã đến tham quan và mua sắm ngay trong ngày đầu tiên, cho thấy sức hút mạnh mẽ của sự kiện.

HẤP DẪN LỄ HỘI THẢ DIỀU, ĐUA VỎ LÃI

Trước đó, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng, Lễ hội thả diều nghệ thuật đã diễn ra tại khu vực thị trấn Sông Đốc. Hơn 50 nghệ nhân từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã mang đến những cánh diều đầy màu sắc và sáng tạo. Mỗi cánh diều mang một câu chuyện riêng, góp phần tạo nên một bức tranh sống động trên bầu trời.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội chợ

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội chợ

Lễ hội còn có sự tham gia của 13 đội thả diều chuyên nghiệp, mỗi đội mang theo một cánh diều mang logo của tỉnh mình. Những cánh diều bay cao không chỉ là biểu tượng của sự đoàn kết giữa các tỉnh ĐBSCL mà còn gửi gắm thông điệp về sự phát triển và gắn kết cộng đồng. Khán giả không chỉ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn đẹp mắt mà còn được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thưởng thức âm nhạc và các chương trình nghệ thuật khác. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan và trở thành một sự kiện đáng nhớ trong chuỗi hoạt động kỷ niệm.

Để tiếp nối không khí náo nhiệt này, Ban Tổ chức còn tổ chức giải đua vỏ lãi mở rộng, diễn ra vào ngày 21/11. Đây là một sự kiện thể thao mang tính truyền thống, thu hút sự tham gia của hàng trăm tay đua từ khắp các tỉnh ĐBSCL. Với cự ly thi đấu 600m, các vận động viên sẽ sử dụng động cơ máy xăng và vỏ composite tạo nên những màn đua gay cấn trên mặt nước. Giải đua không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là dịp để quảng bá các sản phẩm địa phương như động cơ và vỏ lãi, những mặt hàng có thương hiệu tại Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, ngày hội đua vỏ lãi nhằm bảo tồn môn thể thao và phát huy truyền thống đặc trưng vùng sông nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho vận động viên tham gia thi đấu và đam mê, yêu thích phương tiện sinh hoạt đặc trưng sông nước gắn bó với cuộc sống của người dân hàng ngày, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Đồng thời, giải đua nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, các vận động viên tham gia giải phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và nêu cao tinh thần thể thao “Đoàn kết - trung thực - cao thượng”, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong thi đấu. Công tác tổ chức phải đảm bảo trang trọng, an toàn, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Giải đua vỏ lãi composite tỉnh Cà Mau không chỉ là dịp để các vận động viên thi đấu, mà còn là dịp để giao lưu, mở rộng và tăng cường mối quan hệ đoàn kết của các tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị bạn hiểu biết thêm về vùng đất, con người, truyền thống, lịch sử và văn hóa của quê hương Cà Mau. Qua đó góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa các đơn vị bạn trong vùng ĐBSCL.

Nguyễn Nhân - Trọng Nguyễn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ca-mau-soi-noi-nhieu-su-kien-dip-le-ky-niem-70-nam-tap-ket-ra-bac_170334.html