Hòa thanh vào khúc tráng ca về tàu Không số - bến Vũng Rô

Từ hàng trăm tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi đến hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số vào bến, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã tuyển chọn gần 60 tác phẩm thơ, văn xuôi, sân khấu và ca khúc, xuất bản tập sách Tàu Không số - bến Vũng Rô.

Các văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác, chụp ảnh lưu niệm cùng Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số 41 và các nhân chứng sống về bến Vũng Rô - tàu Không số. Ảnh: TRẦN QUỚI

Các văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác, chụp ảnh lưu niệm cùng Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Không số 41 và các nhân chứng sống về bến Vũng Rô - tàu Không số. Ảnh: TRẦN QUỚI

Nhng trang viết đầy p t hào

Trong phần đầu tiên của ấn phẩm đặc biệt này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên giới thiệu 30 tác phẩm thơ, trong đó có bài thơ Gởi Vũng Rô Khóc người bến trưởng Vũng Rô của một tác giả đặc biệt: Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh - người đã 12 lần chỉ huy tàu Không số vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 chuyến cập bến Vũng Rô và đều thành công.

Sáng tác về Vũng Rô - nơi đón những chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Nam Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong bài thơ Cho tôi một vé tàu Không số, tác giả Nguyễn Duy Tâm có những câu đầy tự hào: “Cho tôi một vé tàu Không số/ Lướt sóng trùng dương hẹn ngày về/ Qua bao lưới đạn bao dông tố/ Như chiếc kim khâu mảnh tình quê// Cho tôi một vé tàu Không số/ Đi suốt chiều dài nối Bắc Nam/ Nối mặt trời hồng - đêm trăng tỏ/ Đo tình người một dải quan san”...

Trong những chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô có chuyến tàu đến đúng vào thời khắc giao thừa tết Ất Tỵ, cách đây gần tròn 60 năm. Tàu - bến đón một cái tết đậm đà tình quân dân, ấm áp tình đồng chí tại Vũng Rô, có cành đào được đưa vào từ miền Bắc khoe sắc bên cạnh cành mai vàng được mang từ núi Đá Bia về, như khát vọng Bắc - Nam thống nhất, nhà nhà sum họp trong hòa bình.

Có lẽ tết Ất Tỵ trên bến Vũng Rô năm ấy, qua lời kể của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh, đã tạo cảm xúc để nhà thơ Lê Hào sáng tác bài thơ Mai vàng trên đỉnh núi đá Bia: “...Đêm vuốt bàn chân vừa rớm máu/ gói ghém nụ cười tươi sau vành mũ tai bèo/ ngàn vì sao lấp lánh, bay theo những ánh nhìn/ hỏa châu lóe lên rồi tắt lịm/ chỉ còn những khuôn mặt sáng bừng trong đêm/ bầu trời đầy hoa cỏ// Cành mai thắp lên niềm tin trên đỉnh núi/ nở ra từ ước vọng quê nghèo.../ hoa vẫn xinh dù nhọc nhằn gian khổ/ trăng mọc lên từ mất mát đau thương// Ngày ấy.../ người đi, thành sóng biếc/ mai vàng còn nở trong tim”.

Với bài thơ Biển gọi tên người, tác giả Đặng Văn Thơm tưởng nhớ những người lính hải quân đã anh dũng hy sinh trên hành trình “rạch biển Đông cứu sơn hà”, tưởng nhớ các cán bộ chiến sĩ, dân công đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ bến Vũng Rô: “... Biển gọi tên người/ từ trăm năm trong cõi/ là Vũng Rô, là Đá Bia sừng sững/ Đèo Cả vành đai yên ả đất trời một sáng vầng dương!”...

Bên cạnh những cây bút quen thuộc, phần Thơ có sự góp mặt của tác giả Chung Tiến Lực với bài thơ Con về thăm lại Vũng Rô đầy tự hào: “... Huyền thoại những con tàu Không số/ những trẻ trai chân chất, mình trần/ mang can trường hóa giải hiểm nguy/ sẵn sàng hóa thân thành sóng nước/ sau mình, còn những chuyến đi// Huyền thoại những bà mẹ Phú Yên/ rộng vòng tay che chắn những đứa con miền Bắc/ thuyền ghe hai đáy qua mắt giặc/ lặng thầm mà hiển hách chiến công...”.

Phần Văn xuôi khá dày dặn, gồm 10 truyện ngắn và 4 bút ký, trong đó nhà văn Trần Quốc Cưỡng có 2 truyện ngắn Mộ gió Biển; nhà văn Huỳnh Thạch Thảo có truyện ngắn Dưới chân Thạch Bi Sơn; nhà văn Y Nguyên có truyện ngắn Đảo xa; tác giả Trần Thanh Hưng có bút ký Đêm 30 tết trên bến Vũng Rô - câu chuyện này đã được xây dựng thành phim tài liệu Đêm Vũng Rô huyền thoại, được trao HCV tại Liên hoan Phim toàn quân năm 2009 - và bút ký Vũng Rô hôm nay...

Phần văn xuôi có sự góp mặt của tác giả An Bình Minh (TP Hồ Chí Minh) với truyện ngắn Người Vũng Rô - tác phẩm ra đời tại trại sáng tác văn học ở Khu du lịch biển Sao Mai (TP Tuy Hòa) và tác giả Đặng Lê Cát Tiên (Đồng Nai) với truyện ngắn Người đi trong sương.

Ngun cm xúc t huyn thoi có tht

Hai tác phẩm sân khấu: Dân ca bài chòi Khu 5 Tô thắm non sông của nghệ nhân Bình Thảng và dân ca kịch bài chòi Huyền Thoại Vũng Rô của nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ được giới thiệu ở phần III.

11 ca khúc của các nhạc sĩ, tác giả trong và ngoài tỉnh sáng tác về đường Hồ Chí Minh trên biển, về tàu Không số và bến Vũng Rô được giới thiệu trong phần IV của tập sách. Nếu nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc có Huyền thoại Vũng Rô, Sáng mãi một con đường thì nhạc sĩ Huỳnh Liên (Khánh Hòa) có Hát từ ngọn sóng Vũng Rô, nhạc sĩ Duy Tài và tác giả Tường Quang có Huyền thoại một chuyện tình; nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống có Tự hào tàu - bến Vũng Rô, nhạc sĩ Tấn Phát có Huyền thoại Vũng Rô...

Từ quê hương Hải Dương, tác giả Nguyễn Mạnh Thắng gửi ca khúc Vũng Rô - Bến tàu huyền thoại hưởng ứng cuộc vận động sáng tác. Ca khúc có giai điệu, lời ca đẹp, đầy tự hào: “Anh kể em nghe về đất nước mình/ Chiến tranh liên miên suốt chiều dài lịch sử/ Có những con người, những địa danh bất tử/ Khao khát hòa bình khao khát tự do// Anh kể em nghe về những chuyến tàu/ Phút giây xuất quân là lễ truy điệu sống/ Tàu Không số chọn bão dông rời bến/ Chọn vùng đạn bom làm bến đỗ sau cùng...”.

Theo nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số vào bến (28/11/1964-28/11/2024) đã gặt hái kết quả tốt đẹp.

Chỉ trong vòng gần 5 tháng kể từ khi phát động, hội đã nhận được 139 bức ảnh nghệ thuật, 15 tác phẩm hội họa, 11 ca khúc, 5 tác phẩm sân khấu, 39 bài thơ, 13 truyện ngắn, 9 truyện ký của 126 tác giả trong và ngoài tỉnh. Phần lớn các tác phẩm đã nêu bật truyền thống đấu tranh cách mạng và hiện thực của đất và người Phú Yên, đề cập đến cuộc sống nhiều thời kỳ khác nhau trên quê hương Phú Yên qua kỹ năng viết đậm chất văn chương và xử lý tốt các thủ pháp nghệ thuật của các tác giả...

Không chỉ xuất bản ấn phẩm đặc biệt Tàu Không số - bến Vũng Rô, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã chọn và triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật hưởng ứng cuộc vận động này. Tất cả đã tạo nên bức tranh đa sắc, đã hòa thanh vào khúc tráng ca kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số.

Nhiều tác phẩm như những bản anh hùng ca về Quân chủng Hải quân trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ, dân công đã lãnh đạo, bảo vệ, phục vụ bến Vũng Rô, trực tiếp trung chuyển, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ các chuyến tàu Không số từ Bắc vào Nam cập bến Vũng Rô, góp phần làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/323128/hoa-thanh-vao-khuc-trang-ca-ve-tau-khong-so-ben-vung-ro.html