Cà Mau thành lập khu bảo tồn biển 27.000ha

Cà Mau thành lập khu bảo tồn biển tổng diện tích 27.000ha, tập trung chủ yếu ở 3 cụm đảo gồm: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.

Cụm đảo Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Cụm đảo Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành quyết định phê duyệt thành lập khu bảo tồn biển.

Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau có tổng diện tích 27.000ha (diện tích các phân khu chức năng 18.000ha; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000ha; phân khu phục hồi sinh thái 11.230ha; phân khu dịch vụ - hành chính 3.970ha và vùng đệm 9.000ha).

Phạm vi khu bảo tồn biển tập trung chủ yếu ở 3 cụm đảo gồm: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.

Đối tượng bảo tồn là hệ sinh thái san hô, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực bảo tồn; đặc biệt là các loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và khoa học.

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc phạm vi khu bảo tồn biển Cà Mau.

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc phạm vi khu bảo tồn biển Cà Mau.

Mục tiêu cụ thể là bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như: Rạn san hô đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng; bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo của cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng.

Phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực bị suy thoái xung quanh đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng. Bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài di cư; Bảo vệ các loài thủy sản.

Giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển, thích ứng với những biến động tự nhiên và biến đổi khí hậu.

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-mau-thanh-lap-khu-bao-ton-bien-27000ha-post688275.html