Cà Mau thúc đẩy cơ hội phát triển nông nghiệp thông minh
Ngày 28/7/2025, tại Cà Mau, lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với Công ty Hữu cơ Toàn Cầu liên quan đến phát triển nông nghiệp thông minh.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Hữu cơ Toàn Cầu đã trình bày đề án Xây dựng Hệ sinh thái nông nghiệp thông minh và bền vững tại Cà Mau, trong đó đề cập đến việc áp dụng công nghệ nền tảng Glorin và mô hình xanh nhằm giúp nền kinh tế nông nghiệp của Cà Mau có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Một điểm nổi bật trong đề án là nền tảng Glorin hệ thống công nghệ đa chức năng (đang được tiếp nhận để cấp bằng sáng chế) cho phép xác thực nguồn gốc sản phẩm, giám sát môi trường thời gian thực qua cảm biến IoT, phát hành token carbon, và tích hợp bảo hiểm tự động thông qua hợp đồng thông minh trên blockchain.
Glorin còn giúp kết nối tài sản kỹ thuật số như tín chỉ carbon với hệ thống quản lý nhà nước như giấy chứng nhận hữu cơ hay quyền sử dụng đất, từ đó mở ra khả năng tiếp cận vốn chính thức cho nông dân.

Toàn cảnh buổi làm việc
Theo đề án, hệ sinh thái sẽ triển khai đồng thời trên hai trục chính bao gồm: Thứ nhất là phát triển kinh tế rừng ngập mặn mà Cà Mau có thế mạnh với trọng tâm là khai thác tín chỉ Carbon xanh (Blue Carbon), bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và thúc đẩy chuỗi giá trị thủy sản hữu cơ.
Với tiềm năng hấp thụ carbon vượt trội gấp 5-10 lần rừng trên cạn, 4.000 ha rừng ngập mặn ban đầu của dự án có thể tạo ra khoảng 1.5 triệu tấn tín chỉ CO2e/năm. Với mức giá thị trường quốc tế cao hơn cho Blue Carbon (từ 8 đến 100 USD/tấn), dự án ước tính có thể mang lại doanh thu từ 22.5 đến 52.5 triệu USD/năm.
Song song đó, mô hình Tôm - Rừng đạt chuẩn quốc tế (ASC, GlobalGAP) được tối ưu hóa bằng công nghệ IoT, dự kiến tăng giá trị tôm thêm 30-50%. Phụ phẩm từ rừng sẽ được biến thành 50.000 tấn/năm viên nén sinh khối và than sinh học (biochar), tạo thêm 150-200 việc làm và doanh thu 7-10 triệu USD, phục vụ thị trường năng lượng tái tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ hai là nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ, đặc biệt là giống ST25, thông qua áp dụng kỹ thuật canh tác giảm phát thải, quản lý bằng công nghệ số và bao tiêu đầu ra minh bạch. Mô hình này hướng đến mục tiêu phát triển trên 120.000 ha lúa bền vững, góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa của quốc gia và mục tiêu Net Zero 2050.

Tiến sĩ Tống Văn Hải, cố vấn khoa học của Công ty Hữu cơ Toàn cầu
Công ty TNHH Hữu cơ Toàn Cầu cũng đề xuất mô hình hợp tác công - tư linh hoạt, trong đó phía tỉnh Cà Mau đảm bảo hành lang pháp lý, lựa chọn vùng thí điểm và kết nối cộng đồng, còn công ty sẽ đảm nhiệm phần công nghệ, vốn và tiêu thụ sản phẩm.Cụ thể, công ty mong muốn UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt chủ trương triển khai hai đề án trọng điểm gồm: Đề án phát triển rừng ngập mặn bền vững, hướng tới bảo tồn 50.000 ha rừng và phát triển kinh tế từ carbon xanh, du lịch cộng đồng; Đề án nâng tầm chuỗi lúa hữu cơ, quy mô 10.000 ha, tập trung vào giảm phát thải, thích ứng khí hậu và xây dựng thương hiệu gạo “Cà Mau Xanh”.
Theo đó, đối vối phát triển rừng ngập mặn, trong giai đoạn 1 (2025-2027) dự kiến tạo ra 100-200 việc làm trực tiếp, hợp đồng trồng và bảo vệ rừng cho 500 hộ dân, đào tạo 50 hướng dẫn viên du lịch sinh thái và hỗ trợ kỹ thuật cho 300 hộ nuôi tôm. Đặc biệt, 10-15% doanh thu ròng từ bán tín chỉ carbon và du lịch sẽ được trích trực tiếp vào Quỹ Phát triển Cộng đồng do chính người dân quản lý thông qua Tổ chức Tự trị Phi tập trung (DAO) trên nền tảng Glorin, đảm bảo sự công khai, minh bạch tuyệt đối.
Với đề án chuỗi lúa hữu cơ, Công ty cam kết mô hình hợp tác "5 trong 1" đột phá cùng các Hợp tác xã (HTX) như cung cấp giống lúa chịu mặn ST24/ST25 đã được xác thực DNA và phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất tại địa phương; Cung cấp công nghệ nền tảng Glorin và đào tạo miễn phí, trong đó mỗi HTX được trang bị 2-3 trạm IoT để giám sát môi trường; tổ chức ít nhất 4 khóa đào tạo.
Đặc biệt, công ty cam kết thu mua 100% sản lượng đạt chuẩn với giá cao hơn thị trường 10-15% qua hợp đồng thông minh, chi trả tự động trong 24 giờ; Hỗ trợ tài chính bằng cách ứng trước 50% giá trị dự kiến của vụ mùa, tài trợ không hoàn lại 10-20 triệu VNĐ/ha cho các dự án thí điểm công nghệ. Bảo hiểm các rủi ro khi có sự kiện thời tiết bất lợi. Mục tiêu của giai đoạn đầu là tăng năng suất 15-20% và tăng lợi nhuận ròng 25% cho nông dân.
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Tống Văn Hải, Cố vấn khoa học của Công ty, nhấn mạnh: "Chúng tôi không chỉ cải tạo đất mà còn cải tạo tư duy. Nền tảng Glorin và mô hình hợp tác này sẽ trao quyền cho người nông dân, biến họ từ những người sản xuất đơn thuần thành những doanh nhân nông nghiệp số, chủ động quản lý tài sản và tương lai của chính mình.

Bà Nguyễn Việt Chinh, Chủ tịch HĐTV Công ty Hữu Cơ Toàn Cầu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Việt Chinh, Chủ tịch HĐTV Công ty Hữu Cơ Toàn Cầu đã chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành công mô hình lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại An Giang (162 hecta); dự án liên kết trồng rừng, dược liệu kết hợp du lịch sinh thái trên quy mô gần 3.000 ha tại tỉnh Đắk Nông (cũ).
“Với khát khao cháy bỏng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong hơn một thập kỷ, cùng kinh nghiệm thực chiến tại An Giang, chúng tôi đến Cà Mau không chỉ với nguồn lực tài chính, mà với một giải pháp toàn diện và một trái tim chân thành. Chúng tôi cam kết đồng hành lâu dài để cùng biến tầm nhìn 'Cà Mau Xanh' thành một biểu tượng thịnh vượng bền vững trên bản đồ thế giới." - Bà Nguyễn Việt Chinh nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, đánh giá cao và nhất trí với các đề xuất của Công ty TNHH Nông nghiệp Sạch Hữu cơ Toàn Cầu. Trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức khảo sát thực tế cùng với đại diện của công ty và các ban, ngành liên quan để thu thập thông tin tại các địa điểm. Từ đó, hai bên sẽ xem xét, điều chỉnh các đề xuất và trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét, chỉ đạo để làm cơ sở cho công ty triển khai.