Cà Mau thực hiện nhiều giải pháp để giữ xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD/năm
Nhiều năm liên tục, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn vượt 1 tỷ USD/năm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Năm 2025 nhiều khó khăn thách thức, ngành tôm của tỉnh này phải vượt qua để giữ vũng vị thế dẫn đầu vốn có của mình.
![Nhiều năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm của Cà Mau luôn vượt mức 1 tỷ USD/năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51448576/ba6d2fab1ae5f3bbaaf4.jpg)
Nhiều năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm của Cà Mau luôn vượt mức 1 tỷ USD/năm.
Hết năm 2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Cà Mau đạt 278.600 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 242.000 tấn, đạt 99,59% so với kế hoạch, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 869 kg/ha/năm, tăng 38 kg/ha/năm so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ 120 triệu USD, nằm trong top dẫn đầu của cả nước.
Chủ động chuyển đổi theo hướng bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua, trước tình hình biến đổi khí hậu, tỉnh này đã chủ động thay đổi cơ cấu sản xuất ứng dụng nhiều công nghệ mới vào ngành tôm. Đến nay, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 188.000 ha, năng suất bình quân từ 500-550 kg/ha/năm, có một số hộ nuôi đạt 600-700 kg/ha/năm theo quy trình 2 giai đoạn. Nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.025 ha, năng suất trung bình 20,5 tấn/ha/năm; diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 1.509 ha, năng suất đạt từ 5-8 tấn/ha/năm; trên 84.000 ha nuôi tôm quảng canh kết hợp, với năng suất trung bình từ 300-350 kg/ha/năm. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng phát triển diện tích nuôi tôm chứng nhận để phục vụ xuất khẩu, hiện có 9 chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic và nhiều chứng nhận khác. Tổng diện tích tôm được chứng nhận đạt khoảng 22.590 ha, trong đó chủ yếu là tôm - rừng và tôm - lúa.
Chủ động ngừa dịch bệnh, giữ giá nguyên liệu
Cũng theo Sở NN&PTNT để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra, hằng năm cơ quan chức năng chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong đó có tôm nuôi. Bố trí đủ nguồn lực để chủ động sử dụng, hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh theo đúng mùa vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả.
Một đầm nuôi tôm của người dân
Để chủ động đối phó giá tôm biến động, Cà Mau triển khai rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành tôm, xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bao gồm công nghệ tự động hóa, IoT, công nghệ Nano để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Hợp tác với các địa phương xây dựng các vùng sản xuất tập trung, gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng tôm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Định hướng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, để tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những tỉnh dẫn đầu về sản xuất, xuất khẩu tôm trong nước và quốc tế, tỉnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2025.
Theo đó, sẽ định hướng phát triển nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh ở các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết với các vùng sản xuất lớn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của tôm Cà Mau trên thị trường thế giới.
“Mặt khác, tiếp tục đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng tôm, giảm giá thành, hướng tới không sử dụng hóa chất và kháng sinh trong suốt quá trình nuôi. Phát triển các sản phẩm gia tăng từ phế phụ phẩm trong chế biến tôm, góp phần bảo vệ môi trường và tăng giá trị sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau tại các thị trường trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ ngành tôm phát triển bền vững” – ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh.