Cà Mau: Triển vọng mô hình nuôi cua VietGAP

Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP ở tỉnh Cà Mau đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần cải thiện môi trường.

Nuôi cua VietGAP - hướng đi mới cho nông dân

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến việc thiếu nước ngọt vào mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm. Cùng với đó, hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân vùng ĐBSCL. Để thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, gia tăng hiệu quả sản xuất.

Tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 5.000ha, sản lượng nuôi trồng đạt 7.150 tấn/năm, đã thay đổi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, ở các vùng nuôi vẫn còn xảy ra sự lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất độc hại, gây suy giảm môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu cua theo hướng VietGAP, với quy mô 30ha/15 hộ tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Mô hình nuôi cua theo hướng VietGap được đưa ra để lựa chọn các hộ tham gia.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, vùng nguyên liệu nuôi cua này nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương, hộ nuôi tập trung và yêu cầu phải có quyền sử dụng đất, hồ sơ theo quy định VietGAP.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, gồm các tiêu chuẩn, quy phạm do Bộ NN-PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tiêu chuẩn này bao hàm các quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp, cụ thể là những trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo tính an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người dân, người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản shẩm.

Nuôi cua theo mô hình VietGAP mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân

Nuôi cua theo mô hình VietGAP mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân

Điều kiện triển khai phương là án có hạ tầng đáp ứng theo yêu cầu, thuận lợi về giao thông, thủy lợi để đảm bảo triển khai tốt và thuận tiện tham quan, nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, chuyên môn và địa phương để tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả.

Để dự án thành công và đi vào chiều sâu, xã Phú Tân đã phân công cán bộ triển khai phương án, chọn những hộ có đủ điều kiện và năng lực thực hiện; chọn vùng triển khai phương án có đầy đủ các điều kiện phát triển trong những năm tiếp theo; hộ dân tham gia phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, có đủ điều kiện đối ứng.

Giúp bảo vệ môi trường, tăng thu nhập

Sau hơn 7 tháng thực hiện thí điểm, mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã cho kết quả rất khả quan. Các hộ dân tham gia mô hình thí điểm đều cho rằng việc áp dụng VietGAP đã cải thiện rõ rệt năng suất cua nuôi so với trước kia. Tham gia mô hình này, các hộ dân được Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết yếu; được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất cua theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân bón, vi sinh.

Ông Võ Văn Phương, một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Phú Tân, cho biết, sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGap cho các vụ tiếp theo, đồng thời vận động bà con tham gia và áp dụng kỹ thuật đã được chuyển giao.

Theo đó, tại vuông nuôi theo hướng VietGAP của gia đình ông Võ Văn Phương có sử dụng vi sinh, định kỳ 2 tuần/lần cua được bắt lên để cân đo, ghi chép cẩn thận các thông số. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cua so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng cho phù hợp với từng giai đoạn, các yếu tố môi trường nước như: pH, độ trong, nhiệt độ, độ kiềm và các loại địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hằng ngày.

Ông Nguyễn Văn Khởi, nông dân tham gia mô hình này chia sẻ, với 3ha mặt nước nuôi cua theo phương pháp truyền thống, những năm trước đây, gia đình ông thu hoạch được khoảng 90 triệu đồng, tương ứng 300kg/năm.

“Từ năm 2023, được Trung tâm khuyến nông Cà Mau lựa chọn tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP, cua lớn nhanh và đạt đầu con chỉ sau hơn 7 tháng thả nuôi. Tuy chưa hết một vụ nuôi, gia đình đã thu tỉa được hơn 350kg, tăng khoảng 50kg so với các vụ nuôi truyền thống trước đây. Với trọng lượng khoảng 3 con/kg, giá bán 400.000 đồng, tổng thu từ đầu năm đến nay là 140 triệu đồng”, ông Khởi cho hay.

Mô hình VietGAP đã tạo được sự đồng thuận cao của người nuôi

Mô hình VietGAP đã tạo được sự đồng thuận cao của người nuôi

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Nhận cho biết, từ nhiều năm nay, do không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cua nuôi không đạt, cua thường bị mềm, khó quản lý dịch bệnh dẫn đến năng suất không cao. Khi tham gia mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP tôi thấy có nhiều ưu điểm như: xử lý môi trường, phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và đặc biệt có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Việc xử lý môi trường nước định kỳ nhằm phân hủy các chất cặn bã, thức ăn dư thừa và chất thải cua, tránh hiện tượng tăng khí độc đột ngột do quá trình phân hủy chất hữu cơ gây ra làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cua nuôi.

Dù thời tiết nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cua nuôi, tuy nhiên các hộ đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kịp thời cách chăm sóc cũng như phòng bệnh trên cua.

Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh trong quá trình nuôi bằng các chế phẩm sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo vùng nuôi bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Giang Em, Trưởng trạm khuyến nông huyện Phú Tân – người trực tiếp chỉ đạo mô hình, cho biết việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men định kỳ suốt thời gian nuôi đã giúp cho các chỉ tiêu môi trường ổn định, giúp cho cua lớn nhanh và hạn chế được mầm bệnh. Điều này đã làm thay đổi sự nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Theo ông Giang Em, ngoài việc nuôi cua thì những hộ dân thực hiện dự án còn tận dụng sân vườn, bờ bao vuông để trồng thêm rau, cây ăn trái để phục vụ cho bữa ăn gia đình và tăng thêm thu nhập.

Có thể đánh giá mô hình “Nuôi cua theo hướng VietGAP” đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian tới, Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ca-mau-trien-vong-mo-hinh-nuoi-cua-vietgap-219665.html