Cả năm là ... tháng Bảy

Chăm lo cho người có công (NCC) không chỉ tập trung vào tháng Bảy - tháng cao điểm của đền ơn, đáp nghĩa mà phải là nghĩa cử thường xuyên, liên tục. Đó là đạo lý, lương tâm và trách nhiệm để những NCC, gia đình chính sách có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quảng Sơn chăm lo người có công

Xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong là vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thanh niên xã Quảng Sơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dẫn đường, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng...

Gia đình ông K’Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình ông có hai người đã hy sinh

Gia đình ông K’Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình ông có hai người đã hy sinh

Kháng chiến gian khổ, nhiều thanh niên Quảng Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ quê hương. Những người còn sống trở về bị thương tật, mất sức lao động và chịu nhiều tổn thương do di chứng chiến tranh để lại. Bà Hoàng Thị Thu Thảo, cán bộ văn hóa xã Quảng Sơn cho biết: “Những NCC là người đã có nhiều đóng góp to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó, địa phương xác định việc chăm lo, giúp đỡ, bảo đảm chính sách cho NCC là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Từ đó, xã luôn triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định”.

Xã Quảng Sơn hiện có 47 người có công, trong đó 12 đối tượng là thân nhân liệt sĩ và 35 đối tượng là thương, bệnh binh. Phát huy truyền thống đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trên địa bàn xã luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NCC, gia đình chính sách. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà trị giá khoảng 70 triệu đồng cho bà H'Mbe là em của liệt sĩ K'Bắc, bon Sa Nar. Đồng thời, địa phương hỗ trợ 1 gia đình thương binh tham gia Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số về trồng dâu nuôi tằm tại bon N'Đóh. Vào dịp lễ, tết, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng, tổng giá trị 25 triệu đồng. Hiện nay, địa phương khảo sát để chuẩn bị hỗ trợ hai gia đình bệnh binh người dân tộc thiểu số về nhà ở.

Hiện nay, gia đình ông K'Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang được khảo sát, xem xét các điều kiện để hỗ trợ làm nhà ở trong thời gian tới

Hiện nay, gia đình ông K'Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang được khảo sát, xem xét các điều kiện để hỗ trợ làm nhà ở trong thời gian tới

Ông K’Ngai, bon Sa Nar là một trong hai hộ gia đình đang được khảo sát, xem xét các điều kiện để hỗ trợ làm nhà ở trong thời gian tới. Kháng chiến chống Mỹ, ông K’Ngai tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Đức (cũ) và bị thương. Còn vợ ông K’Ngai là dân công tham gia phục vụ cách mạng. Gia đình ông K’Ngai còn có 2 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến này và được Tổ quốc ghi công.

Ông K’Ngai được Bệnh viện 175 hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa từ năm 2004. Qua nhiều năm, căn nhà đã xuống cấp nên địa phương đang tiến hành khảo sát, nắm bắt thực tế và các điều kiện cần thiết để xem xét hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trong thời gian tới. Ông K’Ngai cho biết: “Cũng may có các cấp, ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ nên chúng tôi có nhà ở nhiều năm nay. Bây giờ nhà cũng hư hỏng nhiều, nếu được chính quyền quan tâm, hỗ trợ để sửa chữa, xây dựng kiên cố, an toàn hơn, chúng tôi không còn gì vui hơn. Đặc biệt, dịp 27/7 năm nay, gia đình tôi còn vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh về thăm, tặng quà nên rất vui. Tôi thường nhắc nhở con cháu, phải cố gắng làm ăn, tránh xa thói hư tật xấu, là những người công dân tốt cho xã hội”.

Còn ông Ngô Hiểu Cân, bon Sa Nar là thương binh với tỷ lệ thương tật 61%. Nhiều năm qua, ông thường xuyên bệnh tật, thường lên cơn động kinh, nhất là thời tiết nóng nực. Vợ ông Cân là giáo viên đã về hưu nhiều năm. Con cái ở xa, nên hai vợ chồng già tự chăm sóc nhau. Nhiều năm nay, chính quyền, địa phương đều kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ trong khả năng phù hợp khi cần. Mỗi dịp tết, lễ, gia đình ông Cân đều được các cấp, ngành thăm hỏi, tặng quà.

Gia đình ông K'Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh về thăm, tặng quà nhân dịp 27/7/2024

Gia đình ông K'Ngai, bon Sa Nar, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vinh dự được Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh về thăm, tặng quà nhân dịp 27/7/2024

Cùng với xã Quảng Sơn, việc chăm lo, giúp đỡ người có công, gia đình chính sách luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, thực hiện thường xuyên. Tùy vào thực tiễn, mỗi địa phương, tổ chức có những cách làm phù hợp, thiết thực khác nhau nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

"Trao cần câu" để vươn lên

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều thương, bệnh binh dù sức khỏe yếu nhưng khi được “trao cần câu” đều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của xã hội.

Ông Trần Quang Bình, bon N'Đóh, xã Quảng Sơn là thương binh hạng ¾ đồng thời là nạn nhân chất độc da cam. Năm 1970, ông Bình quê Hưng Yên vào Nam chiến đấu trên các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Sau đó, ông bị thương ở chiến trường Phước Long, Bình Phước.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Trần Quang Bình, bon N'Đóh, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (thứ 2 từ trái qua) đã từng bước vươn lên thoát nghèo

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Trần Quang Bình, bon N'Đóh, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (thứ 2 từ trái qua) đã từng bước vươn lên thoát nghèo

Năm 1976, giải phóng đất nước, ông Bình tiếp tục về địa phương học tập, làm việc. Năm 1993, ông vào Lâm Đồng theo diện kinh tế mới. Sau đó, gia đình ông chuyển đến xã Quảng Sơn sinh sống vào năm 2012. Do bị thương ở nhiều bộ phận cơ thể, lại nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe của ông Bình yếu, nằm viện nhiều hơn ở nhà. Ông Bình cho biết: “Cũng may được Nhà nước quan tâm, có bảo hiểm y tế nên việc khám, điều trị bệnh không phải lo. Khi khỏe, tôi lại về tiếp tục lao động, có làm mới có ăn”.

Năm 2022, ông Bình được tham gia Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trồng dâu nuôi tằm với số vốn 20 triệu đồng. Có “cần câu cơm”, ông Bình và gia đình luôn cố gắng làm lụng, tích cực trồng dâu, trồng hoa màu phục vụ cuộc sống. Hiện gia đình ông có 8 sào đất để trồng cà phê, tiêu, trong đó có 4 sào cà phê, tiêu đã cho thu hoạch.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó học hỏi nên gia đình đã có nguồn thu ổn định từ trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, gia đình ông Bình đã thoát khỏi hộ nghèo. Ông Bình cho biết: “Bác Hồ nói thương binh tàn nhưng không được phế. Do đó, sức đến đâu, tôi làm đến đó, để làm sao sau này mình làm chủ cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chúng tôi đi chiến đấu giải phóng dân tộc dựa trên tinh thần tự nguyện, chấp nhận hy sinh, do đó, dù thương tật, tôi vẫn không đòi hỏi chính quyền phải chăm lo cho mình. Tuy nhiên, khi được sự hỗ trợ, quan tâm của địa phương, chúng tôi cảm thấy có động lực hơn, phải trách nhiệm hơn trong mặt trận xóa nghèo”.

Những lúc không đau ốm do di chứng từ chiến tranh để lại, ông Trần Quang Bình, bon N'Đóh, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại tranh thủ lao động để tăng thu nhập

Những lúc không đau ốm do di chứng từ chiến tranh để lại, ông Trần Quang Bình, bon N'Đóh, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại tranh thủ lao động để tăng thu nhập

Theo bà Châu Thị Đào, Phó Giám đốc Sở LĐTB - XH tỉnh Đắk Nông, ông Bình là một trong số nhiều gia đình chính sách, NCC trên địa bàn tỉnh luôn được ưu tiên, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án do các cấp, ngành triển khai để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, những NCC đều kinh qua gian khổ, hy sinh, ác liệt của chiến tranh, nên khi về cuộc sống đời thường họ luôn gương mẫu, quyết tâm lớn trên mặt trận xóa nghèo.

Đa số NCC với cách mạng đều cố gắng vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ làm giàu chính đáng. Bà Đào cho biết: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, địa phương mà đời sống của NCC ngày một nâng cao, có thu nhập thường xuyên ổn định, bảo đảm có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân. Từ đó, NCC với cách mạng và gia đình luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương”.

Để người có công sống vui, sống khỏe

“Mong lắm. Còn sức khỏe, đi được là đi!”, bà Vũ Thị Hằng, sinh năm 1955, thương binh 31%, thôn 6, xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp chia sẻ. Đối với bà, những lần được đi điều dưỡng theo chính sách cho người có công đều rất vui. Bị thương trên chiến trường, nay tuổi đã cao, bà luôn hy vọng có thể được đi đây đó, gặp đồng đội xưa, thăm chiến trường cũ… Vì vậy, những chuyến đi điều dưỡng cho NCC do tỉnh tổ chức, bà rất hào hứng tham gia.

Đoàn NCC tỉnh Đắk Nông chụp hình lưu niệm tại Nhà Tưởng niệm và Tượng đài Võ Thị Sáu trong chuyến điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu năm 2024

Đoàn NCC tỉnh Đắk Nông chụp hình lưu niệm tại Nhà Tưởng niệm và Tượng đài Võ Thị Sáu trong chuyến điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu năm 2024

Bà kể, năm 1973, khi mới 17 tuổi, từ quê hương Nam Định, bà xung phong lên đường vào miền Nam. Trong quá trình chiến đấu, bản thân bà bị thương nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt vết thương ở đầu. Sau thời gian chữa trị tận tình của đồng đội, bà tiếp tục tham gia công tác hậu cần.

Đến năm 1979, do sức khỏe suy yếu, bà phục viên và trở về đời thường lập gia đình. Lúc bấy giờ điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên bà quyết định rời quê hương đến thôn 6, xã Kiến Thành. Tại vùng đất mới, bà xem việc xây dựng và phát triển kinh tế gia đình là một nhiệm vụ mới. Mặc dù sức khỏe suy giảm nhiều nhưng bà luôn nỗ lực phấn đấu làm kinh tế, cùng chồng nuôi dạy các con trưởng thành, sống có ích cho xã hội.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hiện nay bà vẫn luôn cố gắng sống vui, sống khỏe mỗi ngày, làm tấm gương cho con cháu học tập và noi theo. “Sống trong thời bình, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khi thường xuyên được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm. Cứ 2 năm một lần, tôi lại cùng đoàn NCC của tỉnh được đưa đến các trung tâm điều dưỡng ở TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… để khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc”, bà Hằng tâm sự.

Đoàn NCC tỉnh Đắk Nông tham gia điều dưỡng tập trung đợt II năm 2024 tại Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định

Đoàn NCC tỉnh Đắk Nông tham gia điều dưỡng tập trung đợt II năm 2024 tại Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định

Tháng 6/2024, ông Trần Thái Học, tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil cùng Đoàn NCC của tỉnh Đắk Nông ra thăm Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Ông Học chia sẻ: “Được các vị lãnh đạo tiếp đón ân cần, thăm hỏi, chúc sức khỏe, ghi nhận công lao cống hiến của đại biểu NCC đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước… Tại buổi gặp mặt, tôi được thay mặt những NCC của tỉnh Đắk Nông bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đối với NCC nói riêng, người dân Đắk Nông nói chung. Qua chuyến đi này, tôi luôn nhắc nhở mình phải luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Cũng theo bà Châu Thị Đào, công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC với cách mạng là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Sở LĐTB - XH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác điều dưỡng đối với NCC. Mỗi đợt đi điều dưỡng, ngoài việc nâng cao sức khỏe còn là dịp để NCC có điều kiện được giao lưu, gặp gỡ đồng đội, thăm chiến trường xưa, được tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, các căn cứ kháng chiến cũ... Từ đó, NCC tiếp tục sống vui, sống khỏe, tiếp lửa và truyền lửa cách mạng, yêu nước cho thế hệ trẻ. Kết thúc các đợt điều dưỡng, 100% đối tượng NCC bảo đảm an toàn tuyệt đối, sức khỏe ổn định, tinh thần vui tươi phấn khởi. Những việc làm ý nghĩa thiết thực này đã góp phần nâng cao, cải thiện sức khỏe cho các đối tượng NCC.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Đắk Nông thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 2.550 NCC với cách mạng kịp thời, đúng quy định. Trong đó, 2.143 lượt NCC với cách mạng và thân nhân được điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; tổ chức đoàn NCC đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng NCC cho 407 người, với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Nguồn Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Ngoài ra, tỉnh đã kịp thời giải quyết, trang cấp phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng cho 130 NCC với cách mạng và thân nhân theo quy định với tổng số tiền trên 296 triệu đồng.

Đến thăm, tặng quà NCC, gia đình chính sách huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa nhân dịp 27/7/2024, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh khẳng định, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông luôn ghi nhớ, biết ơn những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình NCC với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, thường xuyên chăm lo cả về vật chất và tinh thần để các gia đình thân nhân liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Hoàng Trọng - Nguyễn Nam

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ca-nam-la-thang-bay-224739.html