Cả nước có 8.320 chợ, 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất hạn chế
Tính tới cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chợ nông thôn vẫn chiếm khoảng 73%.
Tính tới cuối năm 2023, cả nước có gần 8.320 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.
Đây là những con số được chia sẻ tại Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, do Bộ Công thương vừa tổ chức.
Để khắc phục các bất cập về đầu tư, quản lý chợ còn nhiều bất cập, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ.
Nghị định gồm 5 Chương, 38 Điều và 2 Phụ lục, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Thông tin chi tiết một số điểm mới của Nghị định, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, Nghị định cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Nghị định mới, cùng với các mô hình chợ hoạt động theo mô hình truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân, chợ tạm, chợ nông thôn, sẽ có các hình thức chợ mới như: Điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng. Mô hình chợ cộng đồng hoạt động theo hình thức là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hàng hóa thông dụng thiết yếu được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.
Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động, tận dụng mọi nguồn lực phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật chợ tương xứng với vị trí và vai trò của chợ, trong đó có nguồn ngân sách địa phương.
Nghị định cũng bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt liên quan đến việc: bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; việc công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại; xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; duy trì chợ tạm...
Nghị định cũng đã làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây. Đồng thời, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính đối với quy định liên quan đến nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ...
Cùng đó là việc bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
"Việc bổ sung nội dung này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương trong quá trình triển khai công tác phát triển chợ là tài sản công do nhà nước đầu tư, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ", bà Nga nói.
Do nội dung điều chỉnh rộng, chịu sự tác động của nhiều văn bản Luật và có liên quan tới nhiều bộ, ngành nên tại Nghị định cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công an….) và UBND cấp tỉnh trong công tác phát triển chợ cho phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Công thương, Trương Thanh Hoài cho rằng: "Với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phát triển chợ, Nghị định khi triển khai sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong đầu tư, phát triển chợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn mà các địa phương đang gặp phải trong công tác phát triển và quản lý chợ".
Bao gồm các vấn đề sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư phát triển chợ; khai thác và quản lý hạ tầng chợ, qua đó các địa phương có khả năng tận dụng mọi nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phát triển và quản lý chợ có hiệu quả.
"Bộ Công thương kỳ vọng Nghị định số 60/2024/NĐ-CP sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo động lực cho phát triển chợ", ông Hoài nhấn mạnh.