Cả nước hân hoan ngày thống nhất non sông
Những ngày này, khắp mọi miền Tổ quốc ngập tràn không khí hân hoan, tự hào khi các tầng lớp nhân dân cùng nhau chung vui hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Từ bắc vào nam, nơi đâu cũng rộn ràng những chương trình giàu ý nghĩa - như những thanh âm rực rỡ trong bản hùng ca bất tận về hòa bình, độc lập và khát vọng dựng xây đất nước.

Đoàn diễu binh, diễu hành trên đường phố trong sự chào đón của hàng chục nghìn người dân. (Ảnh: TUẤN HUY)
Từ đêm 29/4 đến sáng 30/4 thật sự là đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi người dân háo hức chờ đón lễ kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nhóm các cựu chiến binh từ tỉnh Quảng Trị cũng đã có mặt từ sáng sớm để cùng chờ đón đại lễ 30/4 chính thức diễn ra lúc 7 giờ ngày 30/4.
Ông Nguyễn Văn Hiền, cựu binh đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xúc động chia sẻ: “50 năm quay lại, thấy thành phố đổi thay quá nhiều. Tôi có niềm tin về sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn của Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tuổi cao, sức yếu, thêm chấn thương của tuổi già đã khiến nhiều cựu chiến binh, thương binh, người có công phải ngồi xe lăn; nhưng mỗi khi từng đoàn diễu binh với sự hùng dũng, khí chất hào hùng trong từng bước chân tiến vào lễ đài là một lần trong ánh mắt của những cựu chiến binh già tái hiện hình ảnh xúc động về một thời binh nghiệp vẻ vang, lẫy lừng.

Điểm bắn pháo hoa tại đầu đường hầm sông Sài Gòn. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Trong không khí hân hoan của kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, người dân cũng dành thời gian để đến thăm Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích Chiến tranh, địa đạo Củ Chi. Các điểm du lịch tại Cần Thơ như Đền thờ Vua Hùng, Khám Lớn Cần Thơ, Chợ Nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều và các khu du lịch sinh thái cũng là những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài thành phố. Trong dịp lễ này, đường phố Cần Thơ được trang hoàng rực rỡ với cờ hoa và khẩu hiệu, tạo không khí lễ hội sôi động.
Tại Hà Nội, sáng 30/4, đông đảo người dân Thủ đô đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để dự lễ chào cờ. Đúng 6 giờ, đội tiêu binh gồm 34 chiến sĩ, đại diện cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cử hành nghi lễ trong tiếng Quốc ca. Hàng nghìn người dân đứng quanh Quảng trường Ba Đình cùng đưa tay chào lá cờ Tổ quốc, hoặc để tay phải lên trái tim và cùng hát Quốc ca. Trong không khí phấn khởi mà trang nghiêm, mọi người cùng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sau lễ chào cờ, hàng nghìn người xếp hàng vào Lăng viếng Bác trong ngày kỷ niệm trọng đại này.
Cũng từ sáng sớm, những đoàn người xếp hàng dài chờ đến lượt vào tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội… Nhiều khách du lịch đi tham quan, trải nghiệm trong chiếc áo in hình cờ đỏ, sao vàng hay trên tay cầm lá cờ đỏ, sao vàng. Đó thật sự là những hình ảnh ấn tượng, ý nghĩa trong kỳ nghỉ đặc biệt này.
Năm nay, khu vực hồ Hoàn Kiếm có thêm một địa chỉ thú vị; đó là không gian Triển lãm tương tác chào mừng Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân tổ chức tại khuôn viên Báo Nhân Dân. Từ 6 giờ, dòng người đã xếp hàng dọc phố Lê Thái Tổ và các tuyến phố lân cận để nhận phụ san đặc biệt chào mừng Ngày Giải phóng miền nam, cũng như trải nghiệm các không gian giới thiệu về những trận đánh quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tham quan, trải nghiệm trình chiếu 3D Mapping về chiến dịch.
Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều chương trình cũng đã được tổ chức trong dịp lễ cao điểm để phục vụ người dân, du khách. Hòa vào dòng người khu vực trước Bảo tàng Đà Nẵng, anh Trương Đình Quang, 27 tuổi, đến từ Hà Nội, xúc động chia sẻ: “Nơi tôi đang đứng đây là Bảo tàng Đà Nẵng, trước đây chính là Tòa Thị chính ghi dấu thời khắc lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng với sự kiện ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hào hứng, xúc động là hai từ mà tôi muốn nói tới bản thân mình, đó là cảm xúc của tôi trong những ngày này, khi tất cả người dân Việt Nam, những người con Việt Nam yêu nước ở xa cũng đều đang hướng lòng về Tổ quốc”.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng nô nức đón chào ngày lễ lớn của đất nước. Ở khắp các buôn làng, các hoạt động mừng Ngày thống nhất non sông diễn ra rộn ràng, sôi nổi với tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang như bản hòa ca nối liền quá khứ hào hùng với cuộc sống hiện tại thanh bình và tương lai tươi sáng.
Ngay ngày đầu nghỉ lễ, tại Bảo tàng Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc hàng loạt hoạt động đặc sắc như: Chương trình âm nhạc đường phố với chủ đề “Ngày hội non sông”; chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Đến với Cao nguyên”; chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tiếng gọi Cao nguyên” và các hoạt động trải nghiệm thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến thưởng thức, vui chơi trong niềm hân hoan, phấn khởi giữa cao nguyên đại ngàn.
Già làng Y Siu Byăh 72 tuổi, Trưởng buôn M’Túc, Chủ tịch Hội đồng già làng phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột đến từng nhà thăm hỏi, động viên bà con buôn làng. Nhìn những con đường trong buôn được láng nhựa, những ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang còn thơm mùi sơn mới, gương mặt già làng Y Siu Byăh thêm rạng rỡ: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhưng chưa bao giờ thấy sự phát triển của Đắk Lắk như hiện nay. Sau ngày giải phóng, Đắk Lắk là vùng đất hoang vu, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chủ yếu là đường đất, dân cư thưa thớt, đời sống gặp nhiều khó khăn… đến nay, Đắk Lắk có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Từ chiến trường ác liệt năm xưa, sau 50 năm giải phóng, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, cần cù lao động, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đắk Lắk đã vươn lên mạnh mẽ giữa đại ngàn cao nguyên.
Sáng 30/4, tại Kỳ đài Hiền Lương phía ở bờ bắc sông Bến Hải, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh, tháng 7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết lập lại hòa bình cho Việt Nam, vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời để hai năm sau sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam; là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất giữa ta và địch.
Trong suốt những năm tháng ấy, lá cờ trên Kỳ đài Hiền Lương nơi đầu cầu giới tuyến luôn kiêu hãnh tung bay, trở thành niềm tin và ý chí thống nhất của đồng bào hai miền nam-bắc.
Trong bầu không khí của tháng Tư lịch sử, các đại biểu và tầng lớp nhân dân Quảng Trị đã cùng nhau chứng kiến lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong tiếng nhạc Tiến Quân ca oai hùng, trong rực rỡ sắc cờ đỏ sao vàng, cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng để thắp sáng niềm tự hào và tiếp nối truyền thống bất diệt của dân tộc.
Sau Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” diễn ra Giải vô địch Đua thuyền truyền thống năm 2025 trên sông Bến Hải quy tụ 250 vận động viên với 18 đội tham gia.
Cùng với các hoạt động vui chơi, giải trí, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại các điểm di tích lịch sử, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; tổ chức Lễ thượng cờ tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú, Hà Giang - nơi địa đầu cực bắc thiêng liêng của Tổ quốc; tại cột cờ trong Di tích Quốc gia đặc biệt-Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh; tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa…
Tối 30/4, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại hai điểm: Hầm vượt sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) và đền Bến Dược (huyện Củ Chi). Ngoài ra, còn có 28 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại nhiều địa bàn các quận, huyện. Bên cạnh đó là phần trình diễn drone được nhiều người dân quan tâm, đón chờ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-nuoc-han-hoan-ngay-thong-nhat-non-song-post876673.html