Cả nước sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình cũ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt khi là năm cuối cùng học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. 63/63 tỉnh, thành đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi; đồng thời quan tâm đảm bảo cao nhất quyền lợi của thí sinh.

Quan tâm hỗ trợ thí sinh

Thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GDĐT, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Những suất cơm 0 đồng sẽ tiếp tục được phát đến thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại mùa thi năm nay.

Những suất cơm 0 đồng sẽ tiếp tục được phát đến thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại mùa thi năm nay.

Tại kỳ thi năm nay, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tại 63/63 tỉnh, thành. Thống kê từ các địa phương cho thấy, có tổng 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi trên toàn quốc. Năm nay, số thí sinh tự do là gần 47.000, số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ xấp xỉ 67.000.

Ban chỉ đạo thi quốc gia ghi nhận công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 không chỉ sớm mà còn hết sức chủ động. Không những vậy, các địa phương luôn tích cực hỗ trợ thí sinh về ôn tập, củng cố kiến thức; có phương án hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế.

Tham gia hỗ trợ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, tỉnh Bắc Kạn có 14 đội hình tình nguyện với khoảng 250 thành viên hỗ trợ tại 14 điểm thi trong toàn tỉnh. Ngoài việc bố trí khoảng 150 suất ăn miễn phí, lực lượng đoàn viên cũng sẽ tổ chức các đội "xe ôm xung kích" hỗ trợ đưa đón thí sinh, tìm nơi ở cho thí sinh ở xa... Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện, xã cùng các lực lượng như công an, quân đội, dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên sẵn sàng phương án hỗ trợ thí sinh trong điều kiện mưa dông có thể xảy ra gây lũ quét, sạt lở đất; các đơn vị quản lý giao thông rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét gây tắc đường và có kế hoạch bố trí phương tiện, nhân lực để đảm bảo giao thông thông suốt.

Tại Quảng Nam, bên cạnh phổ biến những thông tin, quy định liên quan đến kỳ thi cho thí sinh, Sở GD&ĐT còn triển khai nhiều phương án hỗ trợ thí sinh trước và trong kỳ thi, nhất là đối với học trò miền núi, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT ở các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú 6 huyện miền núi cao. Các trường được lựa chọn làm điểm thi ở 6 huyện miền núi cao bố trí ăn, ở cho thí sinh tại khu nội trú của trường trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Tại Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội huy động gần 5.000 sinh viên tình nguyện tại các điểm thi tham gia tiếp sức mùa thi. Mỗi điểm thi có nhiều hoạt động hỗ trợ như tặng vật dụng cần thiết, đồ dùng, nước uống, đồ ăn đảm bảo tiêu chuẩn cho thí sinh và người nhà. Cùng với đó, các tình nguyện viên có nhiều hình thức sáng tạo khích lệ tinh thần thí sinh. Trong tình huống bất thường như mưa lớn, thiên tai, ngập úng, tình nguyện viên có các hình thức che ô, phát áo mưa hoặc cõng thí sinh trong trường hợp khó di chuyển… Ngoài ra, đoàn thanh niên triển khai đội hình “xe ôm 0 đồng”, ứng trực, trong tình huống thí sinh quên giờ, quên giấy tờ… sẽ lập tức có đội hình hỗ trợ.

Tuyệt đối không chủ quan

Với một kỳ thi trên diện rộng, vốn phức tạp và nhạy cảm như kỳ thi tốt nghiệp THPT, không lơi là, chủ quan, giải quyết tình huống theo kinh nghiệm là tinh thần được quán triệt rõ. Đồng thời, nguyên tắc “4 đúng - 3 không” cũng được nhắc lại để các địa phương cùng thực hiện. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường và “3 không” là: không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Các lực lượng nhiệt tình hỗ trợ thí sinh.

Các lực lượng nhiệt tình hỗ trợ thí sinh.

Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi, tinh thần tuyệt đối không lơi là, chủ quan trong các khâu tổ chức thi một lần nữa được nêu ra để cùng thực hiện. Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi, bảo mật đề thi; tăng cường thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chống gian lận thi cử, không để thí sinh mang các thiết bị công nghệ để gian lận vào phòng thi; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra trước và trong kỳ thi.

Yêu cầu quan trọng đặt ra trong kỳ thi là các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó những tình huống bất thường có thể xảy ra như diễn biến bất thường của thời tiết. Ngành y tế chú ý triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi có vấn đề về sức khỏe. Bộ Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi...

Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh trượt tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước sẽ được thi lại với đề thi riêng, khác với đề dành cho học sinh tốt nghiệp từ năm 2025. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những học sinh đã học theo chương trình cũ; vì vậy các thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-nuoc-san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-cuoi-cung-theo-chuong-trinh-cu.html