Ca Nương
Tú bị vợ Chương đánh ghen. Mặt mũi Tú thâm tím, đôi môi rướm máu và toàn thân đau ê ẩm. Tú đau trên người một thì đau trong lòng mười. Tú nằm trong buồng, không dám thò mặt ra ngoài...
Hình như sáng nào bà Tú cũng gội đầu. Hiếm khi lắm Vinh mới không trông thấy bà Tú lúi húi bên bể nước mưa cạnh khóm hoa hồng bạch dưới gốc cây cau trước ngôi nhà mái ngói ba gian. Đầu bà Tú cúi xuống làm cho mái tóc bạc trắng như mây đổ xuống chậu đồng.
Vinh ngó qua cánh cổng sơn xanh biếc thấy mảnh sân lát gạch Bát Tràng đỏ chót. Bao giờ cũng vậy, dù đi học một mình, hay đi cùng bọn thằng Trình, thằng Túc, Vinh đều khum tay gào thật to: "Tú bà làm đĩ chín phương" rồi vội vàng bỏ chạy. Nếu có bọn thằng Trình, thằng Túc cũng gào thì Vinh lấy làm khoái trá hơn sau một tràng cười sằng sặc.
Có lần Vinh không bỏ chạy mà nép sau cánh cổng, Vinh thấy bà Tú ngẩng lên, tóc sũng nước, mặt buồn rười rượi và đôi mắt nhìn ra xa xôi. Tự dưng Vinh thấy lòng buồn ghê gớm. Từ đó Vinh bỏ trò gào thét khi đi học ngang qua nhà bà Tú mỗi sớm mai. Vinh nghe người lớn nói hồi trẻ bà Tú làm nghề bán phấn, buôn hương, về già bị thải hồi về quê, nên giờ bị cả làng gọi là Tú bà. Họ nguýt mắt, bĩu môi làm đĩ chín phương thì cũng phải để một phương lấy chồng chứ. Ấy vậy bà Tú chẳng để một phương nào hết nên phải thế chăng mà suốt đời cô quả.
Bà Tú sống một mình không chồng, không con với bao nhiêu vết nhơ khó rửa và bấy nhiêu điều tiếng từ miệng đời vây bủa. Bà Tú sống mà như chết trong sự khinh bỉ của người làng Hoành Nha. Hiền lành như mẹ Vinh mà cũng có lần nói bà Tú gội đầu hàng ngày để gột rửa những nhơ nhớp, hoen ố trên thân thể. Mỗi khi gội đầu xong, bà Tú cầm vạt tóc quay tít, bụi nước bắn ra tung tóe bảy sắc cầu vồng trong nắng non trong veo như thủy tinh. Rồi bà Tú bắc cái ghế mây ra trước hiên hong tóc. Gió đồng lùa vào từng chân tóc. Bà Tú khẽ ngửa cổ ra sau tựa vào cột lim đã lên nước đen bóng như trầm, lòng chập chờn sống lại những ngày xưa cũ.
Có những hôm Vinh không thấy bà Tú gội đầu. Vinh nhón chân, nghiêng tai lắng nghe. Hình như bà Tú đang hát, đúng rồi bà Tú hát. Một làn điệu ca trù. Bà nội bảo những người làm nghề cô đầu là hát ca trù để mua vui cho khách bằng cung đàn, tiếng hát. Đó là "Kiếp ca nương suốt ngày đàn hát hầu quan khách, đem về buồn bã trong tủi hờn".
Lời ca bay lên như làn mây sang thu, và giọt đàn đổ xuống như một cơn mưa vào hạ. Nước trong bể thôi sóng sánh, tàu cau trên cây ngừng vẫy gió, mắt ngói trên mái nhà ba gian thức dậy sau trăm năm ngủ vùi, hương hồng bạch muốn nén lại trong hoa mà lại càng dâng lên ngàn ngạt. Tất cả không gian tĩnh lặng đều lắng tai nghe. Chỉ còn ca trù thánh thót muôn nghìn hạt châu, hạt ngọc rơi trên vuông chiếu cạp điều. Một vuông chiếu nhỏ là cả trời giông bão.
*
Mẹ Tú làm nghề cô đầu, dan díu với tao nhân, mặc khách nào đó mà sinh ra Tú. Bố Tú là tao nhân, mặc khách mà hóa ra cũng chẳng là ai. Tú là một đứa con hoang mang họ mẹ chứ không hơn. Hồi còn bé, mỗi lần đi học, Tú rất sợ phải qua cầu ông Kinh, vì bọn trẻ con bên thôn Thượng thoáng trông thấy bóng Tú đội mũ nan, đeo túi cói đi ngang là chúng xúm lại hét vào mặt Tú "Gái đĩ thì già mồm" rồi cười ha hả. Tú mím môi cho khỏi khóc thành tiếng, nước mắt tràn mi cong, đẫm má hồng rồi thánh thót rơi xuống sông Sò đang chảy. Dòng sông Sò đầy thêm là có cả một phần nước mắt của Tú thời thơ bé. Những giọt nước mắt vừa tủi hờn, xót xa, vừa mặn chát, cay đắng. Một hôm, có người đã đứng ra bảo vệ Tú, đó là Thiểm nhà ở thôn Trung. Thiểm là con ông thầy Nghinh chuyên làm nghề cúng bái. Thiểm đuổi theo Tú bảo:
- Tú việc gì phải khóc, phải sợ. Càng khóc, càng sợ chúng nó càng trêu đấy. Mai tôi sẽ đi học cùng Tú, đứa nào trêu tôi đấm vỡ mồm nó ra.
Tú ngước đôi nhìn Thiểm như biết ơn:
- Anh Thiểm nói thật chứ. Nếu đi cùng anh Thiểm, em sẽ không sợ, không khóc nữa.
Từ hôm sau, bọn trẻ con thôn Thượng không dám hò nhau trêu Tú nữa. Bọn chúng nép sau hàng rào râm bụt hoa đỏ lén trông ra. Thiểm đi ngang qua giơ quả đấm về phía bọn chúng dứ dứ. Đợi cho Thiểm và Tú bước lên cầu ông Kinh, một thằng răng sún, thò lò mũi xanh trong bọn gân cổ gào lên: "Hai vợ chồng kìa chúng mày ơi". Thiểm định quay lại tóm cổ thằng đó nện một trận cho nó chừa đi thì Tú kịp kéo áo Thiểm ngăn lại "Kệ chúng nó, mình đi thôi anh Thiểm".
Năm Tú mười ba tuổi, cái tuổi gái thập tam mặt sáng như trăng rằm, ngực nhú như chũm cau thì mẹ Thiểm nhờ người đánh tiếng hỏi Tú về làm vợ cho Thiểm. Thiểm mười sáu tuổi, đang học dở dang thì theo bố đi cúng bái.
Thiểm phải thuyết phục mãi thầy mẹ mới miễn cưỡng bằng lòng vì bà Nghinh chê nhà Tú là hạng con hát không phải nhà dòng dõi thế gia, đã thế Tú lại không có cha nên khó mà được dạy dỗ đến nơi, đến chốn, còn ông Nghinh thì thủng thẳng nói với bà Nghinh mà như dằn dỗi "Lấy vợ xem tông, khéo mà rước về phường mèo mả, gà đồng" rồi cắp ô bỏ sang nhà ông giáo Tác chơi tổ tôm.
Lấy chồng được hơn một năm mà cái bụng của Tú cứ phẳng lì như đá tảng, trong khi con dâu nhà người ta mới bén hơi chồng có vài tháng mà cái bụng đã lùm lùm lên như bánh bao. Tú quanh quẩn ở nhà làm hàng xáo với mẹ chồng và tưới vườn cau. Lúc sảy gạo mẹ chồng mát mẻ "Hạt thóc lép này thì hất ra cho gió nó thổi chứ ăn thua gì". Lúc trảy cau đem xuống chợ phiên mẹ chồng nguýt Tú một cái sắc hơn dao bài rồi cạnh khóe khi Thiểm đang chặt buồng cau tít trên ngọn cao "Cái cây cau cỗi góc vườn kia kìa, rõ thứ cây độc không trái, mai mày rảnh chặt phéng nó đi hộ mẹ rồi trồng thế vào đấy cây bưởi ngọt có hơn không, sẽ sai quả lắm con ạ".
Những lời nói của mẹ chồng mặn như muối, cay như tiêu xát vào lòng Tú. Tú là hạt thóc lép, là cây cau cỗi trong những lời nói mặn chát, cay nghiệt của bà Nghinh. Mẹ chồng vẫn đi cắt thuốc bổ âm, sắc lên bắt Tú uống, mấy bát thuốc đen đặc uống lúc còn đang bốc khói khiến Tú nhăn mặt lại vì đắng và giục Thiểm ăn thật nhiều ngọc kê mà người ta biếu thầy sau buổi lễ cúng cho tráng dương.
Rồi bà chuẩn bị phẩm vật để ông Nghinh khấn vái cầu mong thần phật ban phát cho nhà bà một mụn con trai nối dõi. Nhưng bao nhiêu công sức của bà đều đổ xuống sông Sò cả. Tú thấy mình như thanh củi khô, mà củi khô thì có nở hoa bao giờ dù có tưới nước cam lồ. Những đêm Thiểm nằm đè lên người Tú ân ái vợ chồng là đè lên cả nỗi sợ hãi rất bâng quơ mà cũng thật rõ ràng của Tú. Một hôm, nhân lúc ông Nghinh và Thiểm đi cúng nhập trạch cho người làng bên, bà Nghinh gọi Tú vào buồng sau khi Tú vừa rửa bát từ dưới bếp bước lên. Bà Nghinh ra vẻ rầu rĩ cất lời:
- Tú ạ, thầy mẹ chỉ có mình nó, mà con lại…hiếm hoi thế này, thì lấy ai mà hương khói hở con, thầy mẹ không sống mãi được. Con thương thầy mẹ thì con buông tha cho thằng Thiểm, mẹ sẽ cho con lưng vốn mà làm ăn, con nhé.
Tú nghe mẹ chồng nói nước mắt đã đầm đìa khuôn mặt như giọt sương vỡ òa trên cánh hồng, hai bàn tay run rẩy chắp lại thành búp sen:
- Con van mẹ, để chúng con thư thả vài bữa. Chúng con yêu nhau, sao mẹ nỡ chia uyên rẽ thúy.
Bà Nghinh mặt đanh lại như sắt đổi giọng có nanh, có nọc:
- Cả mấy năm trời mà cô vẫn còn thấy ít à. Cô bảo ai chia uyên rẽ thúy. Cô ghê gớm thật đấy.
Bà Nghinh đứng lên bê cái rương mây hồi môn đựng quần áo của Tú để ở cuối giường, bước vội ra thềm rồi vứt mạnh xuống sân gạch. Cái rương mây bật nắp bung ra. Này dải yếm cánh sen, kìa thắt lưng hoa lý, đây áo cánh mỡ gà, kia tứ thân hồ thủy. Tất cả tung tóe, sặc sỡ như người ta vừa hất xuống sân gạch từng chậu phẩm nhiều màu. Tú chạy ùa ra sân. Cay đắng, tủi hờn cũng chạy ùa ra sân. Tú ngồi giữa những gấm vóc, lụa là mà nức nở, lã chã. Tú vơ nỗi nhục nhã, ê chề nhét vào trong cái rương mây, rồi cầm rương mây bước đi, bỏ nước mắt ở lại sau lưng, nỗi buồn cũng ở lại sau lưng. Tiếng bà Nghinh xoe xóe vẫn đuổi theo cô như những mũi tên.
Thiểm sang nhà mẹ vợ tìm Tú. Bà Quản nằm trên giường húng hắng ho nói vọng ra "Con Tú đi làm cô đầu rồi. Nó bảo với tôi nhắn cậu là đừng tìm nó nữa. Cậu về đi". Sau câu nói là một cơn ho không dứt. Thiểm đành ra về, ruột gan như có ai cứa thành từng khúc. Thiểm lên Thành Nam đến ngõ Văn Nhân vào nhà cô đầu Hồng Châu để tìm Tú, nhưng Tú dứt khoát không về. Tú khóc, những giọt nước mắt đoạn tuyệt. Thiểm cầm tay Tú. Giọt lệ tình nóng hổi rơi xuống tay. Những ngón tay thanh mảnh, da mỏng đến nỗi nhìn rõ từng đường gân xanh của Tú lạnh ngắt và lơi lỏng trong tay Thiểm. Tú quay đi, bỏ mặc Thiểm đứng ngây ra như một cây gạo khô chết đứng giữa đồng.
*
Ba năm sau, Tú đã là một ca nương nổi tiếng nhất Thành Nam cả về thanh sắc. Tú có giọng thanh, cao, vang, người trong giới gọi là giọng thổ đồng trời phú, rất hiếm. Khi hát Tú biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt, đổ con kiến rất điệu nghệ. Tú tóc vấn đuôi gà, cổ đeo kiềng bạc, mặc áo dài nhung đen vừa hát, vừa gõ phách , ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang.
Tú biết rành năm khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách chắc như gỗ lim và giòn như lá khô, lời ca và tiếng phách ăn khớp nhịp nhàng với nhau không thể chê vào đâu được khiến cho khách mê đắm cả ca nương lẫn những làn điệu ca trù. Khách sành chơi đều muốn được nghe Tú hát, làm quan viên đánh trống chầu dù chỉ một lần. Chưa nghe Tú hát, chưa đánh trống chầu trong canh hát của Tú thì chưa phải đi cô đầu, chưa phải khách sành chơi ở trấn Sơn Nam Hạ này. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn - khổ phách - tiếng ca phải hợp nhau, hài hòa, nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương - theo lề lối hay hàng hoa - sáng tạo và bay bướm. Nhưng dù theo cách nào thì những kép đàn đáy tài hoa bậc nhất Thành Nam luôn lấy làm vinh hạnh khi được vuốt ve, yêu chiều cho tiếng hát của Tú. Họ nhận là người phục vụ, hầu hạ hết mình cho những duyên nợ, đời đáng chán, hồng hồng tuyết tuyết, chơi xuân kẻo hết xuân đi bay lên như khói trầm đốt lư đồng - náo nức và mê say…
Chương thường đến nghe Tú hát vào tối thứ bảy. Chương hay đi xe tay đến sau tiệc rượu cùng một vài người bạn, rồi thỉnh thoảng đi một mình. Bà chủ nhà cô đầu biết Chương chỉ mê nghe Tú hát nên không bao giờ dám nhường Tú cho khách khác, kể cả khách có đặt trước. Chương chịu chơi, sòng phẳng tiền nong lại rộng rãi trả thêm cho ca nương, kép đàn nên đối với nhà cô đầu, Chương là khách quý. Mỗi lần Chương đến nghe hát, bà chủ chạy ra tận cổng chắp tay đon đả "Bẩm cậu Chương, cậu đã đến ạ". Rồi bà chủ nói vọng lảnh lót vào trong nhà "Sen, sen đâu? Rước cậu lên lầu nghe hát".
Lần đầu tiên gặp nhau trong canh hát, Chương đã chết mê, chết mệt nhan sắc và giọng hát của Tú, còn Tú thì thẹn thùng, ngượng nghịu trước ánh mắt như có men say, nụ cười như có nắng tỏa của người trai dung mạo hào hoa, phong nhã khác thường. Tú biết Chương là người cầm chầu tinh tế và công bằng, tiếng trống chầu của Chương vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương, kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay, thật hay.
Tú cũng biết Chương là một thi sĩ tài hoa, lãng tử được nhiều người đọc biết đến với nhiều truyện ngắn, bài thơ đăng trên tờ nhật trình. Chương hay xưng là cậu và gọi Tú là mợ. Biết là Chương đùa cợt thôi nhưng Tú vẫn thấy thích, thích mà lại ngượng nên má Tú hơi ửng lên như hoa đào. Tú nhìn trộm Chương. Chương ngắm Tú mãi không chán. Hai đôi mắt chạm nhau. Chương đã tương tư về Tú. Tú cũng đã phải lòng Chương rồi. Chương cứ chợp mắt lại mơ thấy Tú mặc áo dài, hát ca trù, gõ phách. Tú trằn trọc khó ngủ dù cả đêm ngồi hát, xoay không biết bao nhiêu vòng. Có lúc bà chủ hay ca nương khác vừa nói câu gì mà Tú không nhớ ra, cứ như bị ai bắt mất hồn vía.
Một đêm khi canh hát đã tàn, Chương rủ Tú đi bộ ra đầu phố Bến Thóc ăn bún ốc. Tú mảnh mai như nhành liễu ven hồ nép bên Chương vâm váp như cây tùng trên núi. Phố đã ngủ im lìm, ánh đèn vàng vọt trong các nhà lọt qua khe cửa chiếu ra mặt đường mấp mô đá cuội. Một tiếng chim đêm mơ hồ trên vòm cây tối sẫm. Vài bác phu kéo xe chở khách là những người đi đánh bạc hoặc đi hát cô đầu về. Sương rơi như mưa. Hơi lạnh lùa vào áo mỏng làm Tú khẽ run lên. Chương cởi áo choàng dạ khoác lên người Tú rồi cứ thế để tay quàng qua vai Tú, còn tay kia cầm ô che. Tú cũng yên lặng bước đi, tiếng guốc mộc khua trên đường vắng. Có cái gì ấm áp giăng tơ ở đâu đây. Cô hàng bún ốc mau mắn đon đả:
- Dạ, mời cậu mợ vào xơi quà cho ấm bụng ạ.
Chương cười to thành tiếng:
- Đấy, tôi nói quả không sai. Người ta cũng gọi chúng ta là cậu mợ đấy thôi.
Tú cúi đầu bẽn lẽn làm bộ đấm vào lưng Chương:
- Cậu này, cứ đùa dai mãi thôi. Tôi ghét cậu.
- Còn tôi thì thương mợ, thương nhiều lắm. Mợ có biết cho lòng tôi không - Chương vẫn chưa chịu buông tha.
Tú ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Chương:
- Cậu thương tôi thì gọi cho tôi bát bún ốc đi nào. Tôi đói mủn cả ruột ra rồi đây.
- Có ngay đây, thưa quý mợ xinh đẹp - Chương nghiêng đầu, xòe tay làm bộ như người bồi bàn lịch thiệp khiến Tú che miệng cười vui vẻ. Cô hàng bún ốc thấy thế cười theo trước khi đặt lên bàn gỗ cũ kĩ, nâu xỉn hai bát bún ốc đang bốc khói nghi ngút. Dấm bỗng chua làm nét mặt phai phấn, nhạt son mệt lả của Tú giãn ra. Tú xuýt xoa cặp môi khô héo vì vừa cắn nhầm phải hạt ớt. Bất chợt, Tú ngẩng lên nhìn Chương, Chương đang húp xì xụp từng thìa nước ốc, mồ hôi vã ra trên trán to như hạt mưa rào, bát bún nóng hổi như mặt hồ sương khói. Một hạt mưa căng mọng vừa rơi xuống mặt hồ canh khuya.
*
Tú bị vợ Chương đánh ghen. Mặt mũi Tú thâm tím, đôi môi rướm máu và toàn thân đau ê ẩm. Tú đau trên người một thì đau trong lòng mười. Tú nằm trong buồng, không dám thò mặt ra ngoài. Mái tóc nham nhở, cũn cỡn như bị cóc gặm. Đến bữa các ca nương bưng lên cho Tú một bát chiết yêu cháo loãng lõng bõng. Tú húp được ít cháo, miệng đắng ngắt như ngậm mật cá. Thiếu Tú nên khách vắng mãi. Chương cũng biệt tích từ đêm hôm đó.
Tú không muốn nhớ nữa nhưng trong đầu lại cứ nhớ. Tú không sai bảo được ý nghĩ trong đầu mình. Nước mắt Tú trào ra chảy thành dòng ướt đầm cả gối thêu. Trăng mọc rồi lại lặn. Sao tỏ rồi lại mờ. Cái gối khô rồi lại ướt. Tú khóc rồi lại nín. Nước mắt ngưng rồi lại chảy. Tú thương mẹ, thương mình, thương những chị em ca nương làm nghề cô đầu này quá - ôi một kiếp cầm ca tai tiếng, tưởng đâu là bán phấn, buôn hương.
Đêm hôm đó vừa xong canh hát, Tú khép cửa buồng lên giường đi ngủ thì Chương lẻn vào. Tú giật mình suýt kêu to thì Chương đã kịp đưa tay ngang miệng ra hiệu im lặng. Rồi Chương ôm chặt lấy Tú, đặt nụ hôn lên môi Tú làm Tú không giãy, cũng không thở được. Vành khăn trên đầu Tú xổ tung như thác lũ. Áo dài trên người Tú bung xòe như mây nõn. Quần lụa trôi qua gót chân Tú trơn nhẫy như mỡ gà. Hai bầu ngực Tú có hai đóa hoa nở căng nhức, còn đôi chân có một dòng suối chảy ướt át. Tất cả săn chắc, vâm váp, hết thảy khỏe mạnh, trai tráng của Chương đều đi qua Tú. Cả hơi rượu nồng nàn như mùi hồng xiêm chín mà Tú đã quen thuộc lắm cũng đang đi qua Tú. Đúng lúc Tú ưỡn cong lên như con tôm luộc thì cánh cửa buồng bật mở.
Thôi chết, khi Chương vào thì Tú quên chưa cài then cửa. Một người đàn bà to lớn xấn xổ lao đến như con hổ cái bị bỏ đói lâu ngày. Đó là vợ Chương. Chương vơ lấy quần áo nhanh chóng mặc lên người rồi tranh thủ lúc vợ không để ý, Chương xô ngã một người khác đi cùng rồi lẻn ra ngoài. Tú cầm tấm chăn chiên đắp lên thân thể lõa lồ. Người đàn bà trợn mắt khiến con ngươi sắp rơi ra khỏi tròng, giọng thị rít lên qua kẽ răng sin sít:
- Đồ chốn chúa lộn chồng. Đồ mèo mả gà đồng. Đồ đĩ rạc đĩ dài. Mày dám cướp chồng bà. Bà cho mày biết tay, nghe chưa?
Mỗi một câu chửi rủa vang lên là thêm một lần Tú hứng chịu những miếng đòn oan nghiệt. Hai con hổ đói đang ăn tươi nuốt sống một con thỏ non. Tú chắp tay van nài trong lúc trận đòn vẫn giáng xuống đầu Tú:
- Em van chị. Em lạy chị. Em trót dại. Chị tha cho em. Từ nay em chừa.
Vợ Chương quay ngoắt sang bảo người đàn bà đi cùng:
- Mày đưa cái kéo đây cho chị.
Người đàn bà kia đưa kéo vào tay, thị liền túm luôn mớ tóc xõa xượi của Tú cặt xoẹt một cái ngọt xớt đến sát tận gáy. Từng sợi tóc trút xuống nền nhà như một cơn mưa đen nhánh. Bà chủ và các ca nương nhà cô đầu nghe thấy ồn ào chạy lên thì Tú đã sắp ngất đi rồi. Tú là một bông hoa tả tơi, một nhành liễu xơ xác sau trận bão kinh hoàng. Tú mở mắt ra thấy mình đã mặc váy áo nằm trên giường. Tú nhắm mắt vào. Tú tưởng mình đang trong giấc mơ. Tú lại mở mắt ra. Tú khóc. Giữa những thức ngủ, tỉnh mơ. Nước mắt có rửa trôi bao nhiêu tủi hờn…
Tú biết Chương là một thi sĩ, nhưng Tú lại không biết Chương đã có vợ. Vợ Chương con nhà làm nghề kim hoàn nức tiếng ở phố Hàng Vàng danh giá. Chương chấp nhận lấy vợ xấu vì tham giàu, ở rể cũng chẳng sung sướng gì khi ngậm ngùi mang phận chó chui gầm chạn.
*
Một sớm mùa đông bên thềm nhà, Vinh ngồi cạnh bà nội. Bà nội tóc trắng làn mây, răng đen hạt na, môi đỏ hoa gạo, áo nâu đất đồng. Bà hãm hoa hòe bằng nước mưa trong ấm giỏ. Nước hoa hòe óng ánh nắng non và sóng sánh mật mía. Bà rót cho Vinh một chén. Vinh đỡ lấy đưa chén chè lên nhấp một ngụm, ngọt và thơm quá, khói bay lên làm Vinh tỉnh cả người. Bà nội trông ra khu vườn trồng đầy hoa cải cúc còn ướt đẫm sương giá đang rung rinh trong gió lạnh, cũng vào một buổi sớm mùa đông thế này, mấy hôm liền người đi chợ qua không thấy bà Tú gội đầu. Họ gọi chẳng thấy bà thưa vội phá cửa vào nhà. Bà Tú đã chết. Bà Tú tự tử bằng một dải thắt lưng xanh. Bà Tú vẫn vấn tóc đuôi gà, đeo kiềng bạc trắng, mặc áo dài nhung đen, xỏ hài thêu chim phượng. Bộ phách trên chiếu cạp điều và cây đàn đáy trên tường vôi trắng như lưu luyến làn điệu ca trù đã thành thiên cổ. Đàn đáy đứt ngang dây cho những giọt đàn rỉ máu.
Mỗi chiều tan sở, Vinh lái xe đi ngang qua nhà cô đầu Hồng Châu ngày xưa nơi bà Tú hành nghề, giờ đã mọc lên một siêu thị hiện đại, Vinh vẫn nghe lời ngân rung, đổ hột của ca nương, tiếng lia, tiếng vẫy trầm đục, ấm áp của kép đàn, thanh âm giòn sắc của sênh phách và tiếng tán dương tom chát của trống chầu như vẫn còn vang bóng đâu đây…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ca-nuong-592052/