Cà phê cùng công nhân

6 giờ 30 phút, mấy chục cái bàn nhựa ở quán cà phê Cô Ba không còn một chỗ trống. Từng nhóm công nhân (CN) mặc đồng phục đủ màu sắc đang trò chuyện rôm rả. Quán nằm ngay cổng vào Khu công nghiệp (KCN) Phú An Thạnh (ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nên thu hút rất nhiều CN. Họ không hẹn trước, chỉ cần đến đây là sẽ gặp nhau.

Quán cà phê là nơi ăn sáng, trò chuyện của công nhân trước khi bắt đầu ngày mới

Quán cà phê là nơi ăn sáng, trò chuyện của công nhân trước khi bắt đầu ngày mới

Nhóm anh Danh Quý - CN Công ty (Cty) TNHH Xây dựng IVY, ngày nào cũng uống cà phê tại đây trước khi vào công trường. Rời tỉnh Sóc Trăng đến Long An làm việc, anh Quý nhận thấy nơi này sống được nên đem cả vợ con lên. Mức lương thợ phụ mà anh nhận được hiện tại là 400.000 đồng/ngày.

Nếu làm đủ công, mỗi tháng thu nhập nhiều hơn gần 4 triệu đồng so với làm ở quê. Trừ tiền trọ, điện, nước thì vẫn còn “lời” nên đối với anh, mỗi sáng một ly cà phê là không thành vấn đề. Ngoài ra, cuối tuần anh có thể đưa vợ con đi ăn, đi chơi hoặc giao lưu cùng bè bạn.

Còn ông Nguyễn Hữu Hiệp (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) làm tài xế xe tải. Do thường lái xe ban đêm nên ông uống cà phê để tỉnh táo. Ông Hiệp kể: “Dân lao động ở đây dễ chịu lắm, ban đầu không quen nhưng do thiếu bàn, ngồi chung riết thành quen. Có khi họ còn giới thiệu cho tôi mối làm ăn nữa”. Sắp đến giờ làm, nhiều CN tranh thủ vào quầy mua trà đá. Ly cà phê 10.000 đồng, một phích trà đá to cũng 10.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Toàn - chủ quán cà phê Toàn 66 (khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) nói: “Mấy năm trước, cứ giờ này là tôi pha cà phê mỏi tay, còn nay lượng khách giảm hơn. Dù giá cả tăng nhưng tôi vẫn giữ giá bán như cũ vì toàn mối quen, vả lại CN, lao động tiền cũng đâu "rủng rỉnh", mình lời ít một chút, bán nhờ số lượng".

Lặn lội từ tỉnh Kiên Giang lên Bình Dương, Đồng Nai làm việc rồi "định cư" ở Long An, hiện tại, anh Nguyễn Phúc Đoán làm thời vụ cho Cty TNHH Phát triển Kiến trúc Chu Yu Yi. Sau vài tháng sinh sống và làm việc, nhận thấy khu nhà trọ đang thuê rất an ninh, nhiều CN tại đây có cuộc sống ổn định nên anh dự định xin vào làm chính thức tại một Cty trong KCN Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức). Mấy ngày nay, sáng nào anh cũng đến quán cà phê trò chuyện, tìm hiểu về công việc.

Đối diện KCN Nhựt Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), quán cà phê Tiều Phu do anh Trương Gia Hưng làm chủ khá đông khách, chủ yếu là CN, lao động.

Anh Hưng chia sẻ: “Mở quán cà phê ở đây, tôi xác định khách hàng chủ lực là CN. Quán có tồn tại hay không là nhờ CN. Do đó, tôi tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái nhất. Đến quán, khách vừa được thưởng thức những món thức uống ngon, hợp vệ sinh, vừa thư giãn, bàn công việc, chụp hình check in”. Nhờ sự chỉn chu, xem trọng khách hàng nên quán cà phê của anh Hưng không ngừng phát triển. Từ vài cái bàn tre ban đầu nay đã mở rộng quy mô và chất lượng gấp nhiều lần.

Mỗi sáng chủ nhật, anh Nguyễn Công Tuân - CN Cty Cổ phần IBS (KCN Nhựt Chánh), đều chở vợ con ra đây uống cà phê. Anh Tuân bộc bạch: “Cuối tuần là dịp để gia đình gần gũi, chia sẻ, vui vẻ bên nhau!”.

Những quán cà phê dành cho CN trở thành điểm hẹn để hàn huyên, tâm sự, nạp thêm nguồn năng lượng cho ngày làm việc mới. Và những người chủ của điểm hẹn này khá tâm lý khi tạo ra một "sân chơi" lành mạnh cho CN với giá cả phải chăng, phù hợp với người lao động./.

Lê An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ca-phe-cung-cong-nhan-a176767.html