Cà phê mùa... canh trộm
Giá cà phê tăng cao khiến người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên vui mừng. Khắp vùng cao nguyên đang vào vụ hái cà phê. Có điều, mới vào thu hoạch chính vụ nhưng một số vườn cà phê của người dân đã bị kẻ gian đột nhập, hái trộm, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Niềm vui mùa thu hoạch
Khi những cơn mưa dầm dần tắt, gió chướng bắt đầu thổi về cao nguyên mang cái hanh khô, se sắt phủ tràn lên những bạt ngàn cà phê chín đỏ, đó là khi đoàn người thiên di từ khắp các ngả quê đổ về Tây Nguyên. Những ngày này, các bến xe ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông nhộn nhịp người từ miền Trung, miền Tây kéo nhau lên. Những chuyến xe nườm nượp chở theo từng đoàn người đi tìm việc, ba lô kĩu kịt trên lưng.
Những tháng gần đây, giá cà phê liên tục tăng cao, hiện đang ở mức 110.000 đến 120.000 đồng/kg. Sự tăng giá này đã mang lại niềm vui lớn cho nhiều nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Cà phê được mùa, được giá, bà con ai cũng vui mừng. Nhiều người khấp khởi mừng rằng nếu giá cà phê vẫn cứ duy trì và tăng cao trong mấy năm tới nữa, dân trồng cà phê sẽ giàu lên. Trên vườn cà phê của bà Loan (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đang có gần 10 nhân công tích cực thu hái cà phê.
Bà Loan cho biết, với 1,8 ha cà phê, vụ năm nay dự kiến thu 30 tấn quả tươi, tương đương 6,5 tấn nhân. Với giá hiện ở mức 114.000 đồng/kg nhân xô, tiền thu về khoảng 750 triệu, trừ chi phí đầu tư, lãi 400 triệu. “Gia đình rất phấn khởi vì cà phê năm nay được giá. Nếu mấy năm nữa giá cứ duy trì và tăng cao, dân trồng cà phê ở Tây Nguyên sẽ giàu lên trông thấy”, bà Loan nói.
Mỗi rẫy cà phê đến mùa thu hái cần rất nhiều nhân công thu hoạch cho kịp vụ mùa. Tại mỗi vườn, chủ nhà đã dựng sẵn một lán nhỏ để người làm tự túc việc ăn ở. Thù lao hái cà phê được tính khoán với giá 1.000-1.200 đồng/kg cà phê tươi. Cứ hết ngày thì cân lên, ai hái được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Gió chướng mạnh dần lên kéo theo cái hanh khô rét buốt buổi sáng sớm và chiều tối. Những đôi bàn tay dù có đeo găng bảo hộ vẫn cứ nứt toác ra, rớm máu. Những khuôn mặt dù bịt nhiều lớp vải vẫn khô rám và xám đi vì lạnh. Giữa những đợt gió thốc vào vạt cà phê, xô tổ kiến vàng tan tác chạy loạn khắp trên đầu, trên cổ của nhưng chẳng ai quan tâm để bắt chúng. Đôi tay vẫn thoăn thoắt lượm cà phê, chưa từng ngẩng đầu lên nhìn trời, người phụ nữ hái cà phê thuê đến từ Quảng Ngãi nói trong lớp khẩu trang kín, rằng đây là cơ hội cuối trong năm để kiếm tiền, vì mùa cà phê chỉ diễn ra 2 tháng là hết.
Đây cũng là mùa Tết của những người hái cà phê thuê đến từ khắp nơi. Trời có thể mưa, có thể nắng, có thể lạnh nhưng không ngăn nổi ý chí lao động của đoàn người thiên di đi hái cà phê thuê. Trong cái buốt lạnh và nhọc nhằn trên những triền đồi cà phê, họ cuộn mình vào đó, lặng thầm lao động mà không ngừng khao khát về một cuộc sống no đủ cho ngày rộng tháng dài phía trước. Những người có kinh nghiệm hái cà phê sẽ làm việc tận tâm tận lực, vừa hái vừa giữ gìn, bảo tồn cây cà phê cho những vụ sau.
Vào mùa thu hoạch cà phê năm nay, với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm” để bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.
Giữ bình yên cho vụ mùa bội thu
Những năm trước, nhiều rẫy cà phê đã bị kẻ gian lợi dụng thời cơ đột nhập hái trộm; không những thế, chúng còn làm hư hại cây cà phê khiến chủ vườn thiệt đơn thiệt kép. Năm nay, giá cà phê tăng cao, nguy cơ cà phê bị trộm cắp là khó tránh. Khi cà phê bắt đầu chín, nhiều gia đình đã phải phân chia, cắt cử người trực đêm, canh gác vườn thường xuyên. Để giữ tài sản, nhiều nông dân không ngại đầu tư mua tôn, lưới B40 dựng hàng rào xung quanh rẫy cà phê để hạn chế tầm nhìn từ bên ngoài, ngăn chặn kẻ gian xâm nhập. Nhiều gia đình còn xây dựng chòi kiên cố trên rẫy để thuận lợi cho việc canh gác, nhất là vào thời điểm ban đêm vắng người. Hiện đại hơn, nhiều nông dân lắp đặt hệ thống camera an ninh bảo vệ vườn cà phê. Cách làm này giúp người dân quan sát toàn bộ rẫy của gia đình, đặc biệt mùa thu hoạch.
Cùng nông dân bảo vệ mùa màng, ngăn chặn tội phạm trộm cắp trong mùa thu hoạch, nhiều địa phương đã chủ động tăng cường an ninh cho các vùng trọng điểm cà phê, bảo vệ tài sản cho nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở. Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 4/11/2024 về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thu cà phê niên vụ 2024-2025. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai phương án bảo vệ mùa cà phê. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.
Tại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cùng với biện pháp bảo vệ cà phê mùa thu hoạch của các chủ vườn thì chính quyền địa phương cũng phối hợp với lực lượng Công an, dân phòng tổ chức nhiều chốt, điểm trông giữ vụ mùa cà phê cho người dân. Thiếu tá Y Kiêm Mlô, Phó Trưởng Công an xã Ea Tul chia sẻ, những năm trước đây, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp cà phê, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, vì thế, lực lượng công an tại địa phương đã xây dựng mô hình “Chốt bảo vệ vụ mùa cà phê”.
Công an xã Ea Tul đã bố trí 2 chốt lưu động tại các địa bàn xung yếu, nương rẫy của bà con nhân dân hay bị trộm cắp. Lực lượng thực hiện do công an chính quy làm nòng cốt với sự tham gia của quân sự xã, quần chúng. Khi màn đêm buông xuống, sẽ có người “trực nóng” tại chốt, những người còn lại thường xuyên tuần tra lưu động khắp các thôn, buôn thâu đêm, đồng thời cũng tuyên truyền cho người dân phối hợp canh gác các khu vực rẫy cà phê. Người dân địa phương rất ủng hộ mô hình này và thường xuyên đến động viên lực lượng làm nhiệm vụ. “Nhiều người dân mang mì tôm, quả trứng đến các chốt để giúp cho anh em tuần tra ban đêm. Sự tin tưởng của bà con là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thiếu tá Y Kiêm nói.
Cùng với xã Ea Tul thì xã Cư Dliê M’nông, hay xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) cũng triển khai mô hình này. Lãnh đạo Công an huyện Cư M’gar cho hay, nhờ các chốt bảo vệ mà trên địa bàn các xã này không còn xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê. Mô hình được các cấp chính quyền và Công an tỉnh Đắk Lắk ghi nhận, đánh giá cao và đang tiếp tục được nhân rộng ra các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện. Mỗi chốt sẽ có 4 người thay phiên nhau canh gác thâu đêm từ 6h tối đến 5h sáng hôm sau.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân luôn nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, liên kết các hộ dân có vườn, rẫy gần nhau để phân công, bố trí luân phiên tuần tra, bảo vệ. Khi thu hoạch cà phê, chờ vận chuyển, phơi phải bố trí người trông coi, tránh sơ hở để đối tượng lợi dụng, trộm cắp. Qua thời gian triển khai, người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình, xung phong cùng tham gia trực chốt. Lực lượng thực hiện do tổ an ninh, trật tự làm nòng cốt với sự tham gia của lực lượng Công an, dân quân, đoàn thể, thanh niên, quần chúng nhân dân.
Anh Y Hân Niê, trú tại buôn Tu, xã Ea Tul chia sẻ, từ khi những “chốt bảo vệ vụ mùa cà phê” được lập ra, không những giúp bà con yên tâm sản xuất, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thôn được cải thiện rõ rệt, những vụ trộm cắp vặt cũng không xảy ra. Mô hình này khiến nhiều đối tượng tội phạm khác phải e ngại, thậm chí tử bỏ ý định phạm tội.
Không chỉ tại Đắk Lắk, nhiều địa phương khác như Đắk Nông, Lâm Đồng cũng triển khai các mô hình chốt, điểm bảo vệ vụ mùa cà phê ở nhiều nơi. Tại xã Kiến Thành hay xã Nhân Đạo (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) cũng đã xây dựng mô hình “chốt bảo vệ vụ mùa”. Mô hình này được nhân dân tích cực hưởng ứng và đang được chính quyền địa phương xã tuyên truyền, nhân rộng. “Chốt bảo vệ vụ mùa” được xã Kiến Thành lập và hoạt động từ ngày 10/11/2024. Những lều tạm được dựng lên thành chốt lưu động, tuần tra các tuyến đường ra vào thôn.
Đây là mô hình được các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao và sẽ nhân rộng ra các thôn khác trên địa bàn. Tương tự, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cũng đã ban hành kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Công an huyện Bảo Lâm đã triển khai thành lập các tổ công tác liên lực lượng nhằm vào tận vườn rẫy của người dân, tổ chức tuần tra xuyên đêm. Đặc biệt, lực lượng Công an còn lập chốt tuần tra, tổ chức mật phục, thậm chí cài trinh sát ngầm để nắm bắt tình hình, chủ động đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Không chỉ lập các chốt bảo vệ, nhiều chủ vườn cũng đầu tư lắp đặt camera an ninh để quan sát. Việc lắp đặt camera an ninh tại các rẫy cà phê ở Đắk Lắk đã trở thành một giải pháp hiệu quả giúp nông dân trồng cà phê đề phòng nạn trộm cắp, đồng thời còn nhanh chóng xác định những người lạ xâm nhập rẫy mỗi ngày. Nhiều địa phương cũng đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và giải quyết phản ánh của quần chúng nhân dân. Kiên quyết đấu tranh và xử lý các trường hợp có hành vi trộm cắp, phá hoại hoặc gây thiệt hại tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, nhiều xã cũng quản lý chặt chẽ các hoạt động mua bán, tiêu thụ cà phê trong thời điểm thu hoạch. Tập trung quản lý các cá nhân có hoạt động buôn bán lưu động, yêu cầu các cá nhân này phải đăng ký địa điểm mua bán cụ thể, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh để tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản.
Để giúp người dân yên tâm sản xuất, tại hầu hết các địa phương, lực lượng Công an đã và đang chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó chú trọng phát huy vai trò của tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các mô hình phòng, chống tội phạm, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng trộm cắp cà phê.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/ca-phe-mua-canh-trom-i752044/