Cà phê nông lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng
Sau gần 3 năm thực hiện Dự án cà phê nông lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng giữa bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 nhưng cơ bản vẫn đạt được các mục tiêu đề ra trên địa bàn Lâm Đồng.
• 2.541 HỘ CANH TÁC CÀ PHÊ NÔNG LÂM KẾT HỢP BỀN VỮNG
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính đến hết tháng 10/2021, Dự án Cafe-REDD+ đã triển khai đạt được 7 kết quả đầu ra thuộc 4 hợp phần. Cụ thể, hợp phần 1 với đầu ra 1 đã xây dựng báo cáo tích hợp lồng ghép tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho huyện Lạc Dương; lồng ghép giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; hoàn thành các bản đồ số hóa cho các trang trại với 6.406 ha đất; hoàn thiện 10 phương án sử dụng đất cho 10 thôn/ bản. Đầu ra 2, xây dựng cơ chế quản lý hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; hoàn thiện 10 thỏa thuận cộng đồng thôn, bản về quản lý và bảo vệ rừng. Đầu ra 3, thực hiện 6 biên bản ghi nhớ với các bên liên quan về sản xuất cà phê bền vững, không gây mất rừng gồm: ký kết giữa UBND huyện Lạc Dương, Tổ chức IDH với các cơ sở sản xuất cà phê: Công ty ACOM, Chappi Coffee, K’Ho Coffee, The Married Beans, Tám Trình Coffee, Yumonang Coffee…
Tiếp theo, ở đầu ra 4 thuộc hợp phần 2, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cà phê tại 5 công ty cà phê The Married Beans, Tám Trình, K’Ho coffee, Chappi và Yumonang với 70.000 tem QR code; ứng dụng hệ thống Terra-I giám sát biến động tài nguyên rừng và đất rừng bằng phân tích ảnh vệ tinh theo thời gian thực tần suất 16 ngày của Tổ chức CIAT (Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế) để hỗ trợ các nỗ lực tuần tra và bảo vệ rừng.
Ở đầu ra 5 (hợp phần 3), kết quả 2.541 hộ nông dân canh tác mô hình cà phê nông lâm kết hợp bền vững; hỗ trợ 497.205 cây cà phê tái canh cho khoảng 99,5 ha; 50.000 cây giống atisô cho 50 hộ sản xuất trên diện tích 50 ha; trồng xen 71.059 cây hồng ghép (mật độ trồng xen 125 cây/ha) và 71.895 cây mắc ca ghép (mật độ trồng xen 125 cây/ha); thành lập 16 tổ hợp tác và hợp tác xã cà phê bền vững với gần 200 thành viên; xây dựng 4 chuỗi liên kết công tư phát triển cà phê bền vững với sự tham gia của 156 nông hộ tại xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais và thị trấn Lạc Dương; khoanh nuôi, làm giàu rừng thông tự nhiên với diện tích 30 ha tại thị trấn Lạc Dương thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà.
• PHÁT TRIỂN SINH KẾ NÔNG NGHIỆP NGOÀI VIỆC PHỤ THUỘC VÀO RỪNG
Cũng thuộc hợp phần 3, đầu ra 6 của Dự án Cafe-REDD+ “đã tạo ra các cơ hội phát triển sinh kế nông nghiệp ngoài việc phụ thuộc vào rừng cho 100 hộ gia đình để gián tiếp giảm tác động đến rừng và đất rừng. Đồng thời, phù hợp với tri thức bản địa, bản sắc và tập tục người dân đồng bào dân tộc sinh sống; nâng cao ý thức canh tác thân thiện với môi trường và phát huy giá trị quỹ đất thông qua 7 mô hình sinh kế với sự tham gia của hơn 160 hộ gia đình chăn nuôi heo; tạo sản phẩm dầu gội đầu thảo dược; trồng Đẳng sâm; sản xuất rượu cần; dệt thổ cẩm; phát triển Câu lạc bộ Cồng Chiêng; du lịch sinh thái…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm.
Còn lại đầu ra 7 thuộc hợp phần 4 với kết quả phối hợp với Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) và Cục Trồng trọt hoàn thiện Bộ tài liệu quốc gia về sản xuất cà phê Arabica bền vững; tài liệu kỹ thuật về mô hình cà phê nông lâm kết hợp bền vững; hướng dẫn sử dụng GPS (thiết bị định vị toàn cầu) để xác minh trang trại nông nghiệp.
Tuy nhiên, Dự án Cafe - REDD+ vẫn đang nhìn nhận với nhiều tồn tại trong cả 4 hợp phần. Đó là việc ứng dụng hệ thống Terra-I giám sát biến động tài nguyên rừng và đất rừng bằng phân tích ảnh vệ tinh theo thời gian thực tần suất 16 ngày chỉ mới tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kiểm lâm và chủ rừng, chưa đủ thời gian đi khảo sát kiểm chứng ngoài hiện trường để tạo dữ liệu và cập nhật trên trang thông tin điện tử để các cơ quan, đơn vị theo dõi. Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ nông lâm kết hợp bền vững và tăng cường chất lượng rừng với các hộ nông dân quy mô nhỏ, chưa có thời gian để kiểm chứng, bổ sung hoàn thiện. Ngoài ra, Dự án Cafe - REDD+ cần thêm thời gian để chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các mô hình và chính sách đã triển khai... Để hoàn thiện các nội dung tồn tại này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét gia hạn thời gian thực hiện Dự án thêm 6 tháng - tính từ ngày 1/11/2021 đến ngày 30/4/2022.