Quán ăn đông khách trong ngày đầu năm
Trong những ngày đầu năm mới, đa số các hàng quán tại TPHCM đều đóng cửa nghỉ tết. Do đó những hàng quán bán hàng xuyên tết đều có lượng khách tăng vọt. Anh Tùng (chủ một cửa hàng chay trên đường Nguyễn Tri Phương) cho biết, quán tăng giá từ 29 tết đến hết mùng 5. Nguyên nhân là do tăng lương cho nhân viên phục vụ, nguyên liệu đầu vào cũng tăng nhẹ.
"Tôi phải tăng lương 300% cho nhân viên để họ ở lại làm việc xuyên tết. Tuy nhiên, giá thức ăn cũng tăng 20%, khách đến đông nườm nượp nên vẫn lời. Chúng tôi còn phải kê thêm bàn ra vỉa hè để đủ chỗ ngồi cho khách" - bà Minh, chủ quán món Huế cho biết.
Quán hủ tiếu Nam Vang trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) vốn đã đông khách, lễ tết còn đông hơn. Hân (nhân viên quán) cho hay, quán đông khách từ sáng sớm đến tận đêm, nhân viên phục vụ liên tục không ngơi tay.
Môt quán nước mía liên tục ép mía phục vụ khách. Dù chỉ 10.000-15.000 đồng/ly nước mía, nhưng khách 400-500 người/ngày, số tiền chủ quán kiếm được không hề nhỏ.
Một quán chuyên món chay ken kín người.
Chi sẻ về chuyện tăng giá dịp tết, cô Hòa (chủ hàng ăn ở Q.1) tâm sự: "Thật ra khách rất thông cảm khi mình xin phép tăng giá. Bởi họ biết tết thì cái gì cũng tăng giá, không ai phàn nàn gì cả. Dịp tết khách chi tiêu thoáng hơn, thậm chí chấp nhận mọi giá để được phục vụ như VIP".
Quán cà phê phải kê thêm bàn ra bên ngoài để đủ chỗ cho khách.
Kinh doanh xuyên tết, một chủ quán cà phê tiết lộ, doanh thu những ngày này gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày anh thu về khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân viên, mặt bằng, anh còn lãi từ 10-15 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên cũng có những hàng ăn không tăng giá dịp tết. Họ treo bảng niêm yết giá trong suốt năm, lễ tết không thay đổi. "Rau xanh, thịt cá tôi đều mua trước tết và trữ lạnh nên giá vẫn rẻ. Mua sao bán vậy, mình không thể viện lý do nguyên liệu thực phẩm tăng mà làm giá với khách" - chị Tâm bán bún bò ở Q.10 nói.
Ngày đầu năm mới, dân Sài Gòn tìm mua vé số cầu may. Những đại lý lớn ở TPHCM bán đắt như tôm tươi.
Người bán hàng treo đầu lân, mong mua may bán đắt trong năm mới.
Uyên Phương