Cà phê tăng giá: Đừng để 'ngày vui ngắn chẳng tày gang'
Sau khi đạt mức cao nhất 40 ngàn đồng/kg những năm 1995-1996, giá cà phê ở Tây Nguyên liên tục sụt giảm và cứ lúc lên lúc xuống mà không hề lập đỉnh trở lại. Thậm chí có những năm, giá cà phê xuống tới mức người ta còn hài hước khi so sánh 'một ký cà phê không mua nổi một ký cà pháo'. Cây cà phê vì thế mà phát triển èo uột, giẫm chân tại chỗ trong việc xác lập vị thế trong cơ cấu cây trồng, thu nhập của người dân trên vùng đất cao nguyên trù phú này.
Vì thế, khi giá cà phê tăng dần từ cuối năm ngoái với mức 45 ngàn đồng rồi 50 ngàn đồng/kg đã mang lại niềm vui lớn cho người trồng cà phê. Đặc biệt, từ tháng 2 đến nay, thị trường cà phê thế giới biến động mạnh do Indonesia mất mùa, Brazil siết nguồn cung và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng tìm đến với cà phê Robusta có giá mềm hơn. Điều này đẩy giá cà phê Robusta lên cao, liên tục lập đỉnh giá mới trong tháng 7. Hiện giá cà phê đang dao động quanh mức 66-68 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thiếu nguồn cung do phần lớn nông dân đã bán sản phẩm từ lúc 50 ngàn đồng/kg để trả chi phí đầu tư.
Không thể so sánh giá trị thực của mức giá 66-68 ngàn đồng/kg ở thời điểm hiện tại với mức giá 40 ngàn đồng/kg của gần 30 năm trước vì thời điểm đó, bán vài tấn cà phê đã có thể xây được 1 ngôi nhà. Nhưng nhớ lại bao năm phải cầm cự trong mức giá từ rất thấp đến trung bình và không thể đảm bảo cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào cây cà phê thì mức giá ở thời điểm này đối với người trồng cà phê quả là như trong mơ. Điều đó củng cố thêm niềm tin cho sự phát triển bền vững loại cây trồng truyền thống này ở các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, cà phê không đơn giản là một mặt hàng nông sản xuất khẩu. Là loại cây cho ra sản phẩm đặc biệt có giá trị toàn cầu về văn hóa, ẩm thực, cà phê còn là một công cụ tài chính. Vậy nên, chuyện giá cả nay lên mai xuống không phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của nông dân hay các doanh nghiệp mua bán, chế biến, xuất khẩu cà phê trong nước.
Nếu đúng như số liệu mà website giacaphe.com công bố, dù giá cà phê thế giới có giảm 60-80 USD/tấn thì cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn giao tháng 9-2023 vẫn ở mức 2.588 USD/tấn, giao tháng 11-2023 ở mức 2.437 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 9-2023 còn 3.480 USD/tấn và giao tháng 12-2023 là 3.490 USD/tấn. Tức là, giá cà phê thế giới vẫn ở mức xấp xỉ 60 triệu đồng/tấn (cà phê Robusta) đến 80 triệu đồng/tấn (cà phê Arabica).
Điều đó cho thấy có thể hy vọng vào một vụ mùa được giá của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc quá tin tưởng vào một mức giá cụ thể nào đó có thể tái diễn tình trạng doanh nghiệp cố tình ghim hàng chờ giá, nông dân tăng ký gửi hàng chờ chốt giá. Tình trạng này từng diễn ra từ nhiều năm trước và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ vỡ nợ lớn ở Tây Nguyên.
Giá cà phê lên cao thì vui thật nhưng đừng vui quá. Để niềm vui không “ngắn chẳng tày gang”, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Qua đó, nâng cao giá trị, cải thiện giá bán cho cà phê Việt Nam.
Dù còn nhiều vướng mắc nhưng diện tích cà phê ở Tây Nguyên sản xuất theo các chứng nhận quốc tế có liên kết với doanh nghiệp đã đạt gần 200 ngàn ha (chiếm khoảng 27% tổng diện tích cả nước). Giá cà phê có chứng nhận luôn cao hơn giá thị trường từ 50 USD đến 300 USD/tấn.
Tỉnh Gia Lai có gần 99 ngàn ha cà phê, sản lượng đạt hơn 267 ngàn tấn/năm. Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chính với kim ngạch năm ngoái đạt 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích mà duy trì ổn định khoảng 98-100 ngàn ha cà phê. Tỉnh chủ trương minh bạch vùng nguyên liệu, bảo vệ nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho cà phê nhân xuất khẩu. Cùng với đó là chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập vào các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu, chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…