Cá rô phi kỳ vọng xuất khẩu tỷ đô
Cá rô phi đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi, được kỳ vọng trở thành chân kiềng thứ ba của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bên cạnh tôm và cá tra.

Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng nhanh sản lượng cá tra, phục vụ xuất khẩu.
Ba tháng đầu năm, xuất khẩu cá rô phi đạt 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
Con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2,3 tỷ USD trong quý I/2025. Tuy nhiên, Vasep nhìn nhận, với những điều kiện thuận lợi, xuất khẩu cá rô có thể tăng tốc rất nhanh, trở thành một trong ba chân kiềng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bên cạnh tôm và cá tra.
Theo đó, quy mô thị trường cá rô phi toàn cầu đạt khoảng 10,6 tỷ USD trong năm 2024, dự báo tăng trưởng mạnh, đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2033. Thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất là Mỹ, với dung lượng nhập khẩu gần 180 nghìn tấn năm 2024.
Trung Quốc xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là đối tác xuất khẩu cá rô phi lớn nhất vào Mỹ. Từ năm 2018, Mỹ đánh thuế 25% lên cá rô phi Trung Quốc khiến cho tốc độ tăng trưởng chững lại nhưng Trung Quốc vẫn duy trì vị thế vững mạnh trên thị trường cá rô phi của Mỹ.
Tuy nhiên, với việc thương chiến leo thang, nhiều khả năng xuất khẩu cá rô phi từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ diễn biến theo chiều hướng suy giảm, mở ra cơ hội cho các quốc gia đối thủ khác, bao gồm Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển thủy sản toàn cầu của De Heus, đơn hàng của đối tác Mỹ đặt cá rô phi từ Việt Nam đang tăng đột biến, cho thấy rõ ràng việc doanh nghiệp Mỹ đang chyển hướng sang Việt Nam cũng như một số bạn hàng ở nước khác để giao thương cá rô phi.
Đường dài nâng tầm cá rô phi
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 toàn châu Á về sản lượng cá rô phi, sau Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh và Philippines. Theo Vasep, Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng nhanh sản lượng cá tra, phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, Việt Nam được biết đến là cường quốc hàng đầu về nuôi trồng và xuất khẩu cá tra, loại cá da trơn, thịt trắng, có nhiều điểm tương đồng với cá rô phi. Tuy nhiên, nếu cá tra chỉ phù hợp để nuôi trồng ở khu vực miền Nam, cá rô phi dễ nuôi hơn và có thể phát triển trên cả ba miền.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và môi trường, cho biết, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định cá rô phi là đối tượng tiềm năng để nuôi trồng và khai thác trong các vùng hồ chứa.
Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu mới đạt hơn 41 triệu USD năm 2024, còn một chặng đường dài để đưa cá rô phi trở thành sản xuất thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sánh ngang với tôm, cá tra, cá ngừ.
Trước những điều kiện thuận lợi, ông Luân cho rằng cần phải có những bước chuẩn bị ngay từ sớm, bao gồm liên doanh, liên kết xây dựng thương hiệu cho cá rô phi để cạnh tranh trên thị trường, rút kinh nghiệm từ những sản phẩm nông sản, thủy sản trước đây.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ những thách thức đang đặt ra đối với phát triển cá rô phi, bao gồm việc phụ thuộc vào nhập khẩu con giống khiến giá cá rô phi cao hơn các đối thủ khoảng 30%.
Khắc phục thực trạng này đòi hỏi cần có đầu tư mạnh vào nghiên cứu giống và hình thành chuỗi giá trị cá rô phi khép kín. Song song với đó, các vấn đề về thức ăn chăn nuôi và nhà máy chế biến cũng cần được đảm bảo để tạo sức cạnh tranh cho ngành hàng cá rô phi.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ca-ro-phi-xuat-khau-ky-vong-muc-tieu-ty-do-d40396.html