Cá sấu - bơi giữa đôi bờ phàm thiêng!
Theo nhiều nghiên cứu thì biểu tượng rồng (châu Á, rõ hơn ở Việt Nam) là sự tổng hợp từ hình tượng cá sấu và rắn mà thành. Nếu vậy, biểu tượng cá sấu có trước cả biểu tượng rồng. Nhưng trong khi rồng bay lượn trong bầu trời văn hóa thì cá sấu vẫn chịu kiếp sống chui lủi nơi đầm lầy, bến sông… Vì sấu bị con người ghét.
Ngày xưa cá sấu nhiều vô kể, đến mức các cha mẹ cứ dọa con hư là ném xuống ao cho thuồng luồng... Nhiều người tin rằng thuồng luồng, hà bá, giao long… cũng chỉ là cá sấu. Nhiều cổ tích kể có những cô gái đẹp giặt giũ ở bờ sông bị thuồng luồng bắt, chắc là do cá sấu kéo xuống…
Truyền thuyết kể, vua Hùng Vương dạy ngư dân xăm hình thủy tộc lên người để khi xuống nước các loài thủy quái nhìn thấy ngỡ là chung một loài mà không bắt đi. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép: “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như Hàn Dũ tế cá sấu năm 830 ở Triều Châu (Trung Quốc) bèn cho đổi họ là Hàn Thuyên”. Những chi tiết ấy cho thấy ngày xưa cá sấu là nỗi sợ hãi của con người.
Cuối những năm 80 ở thế kỷ trước những người lính chúng tôi tập luyện bơi vượt sông (đồng bằng Nam bộ) bắt buộc phải giỏi kiểu bơi đứng, để tránh bị cá sấu “gắp”. Bơi đứng vừa dễ quan sát, chẳng may cá sấu lao đến táp thì nhanh mà né, nếu táp trúng cũng đỡ nguy hiểm… Nhìn vào văn chương thì thấy Nam bộ ngày trước là “thiên đường” của cá sấu!
Nhà văn Sơn Nam có lẽ là người viết nhiều nhất về đề tài bắt cá sấu. Trong “Hương rừng Cà Mau” ông kể “ở vùng U Minh Hạ sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm...”. Đến mùa nắng hạn rừng khô, chúng kéo vào “lập căn cứ” ở ao, lung trong rừng tràm đến độ “nhiều như trái mù u chín rụng”. Khi ở sông lớn, sấu có thể cản mũi đoàn ghe...
Trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, nhà văn Đoàn Giỏi có một chương “Phường săn cá sấu” kể về “mẹo” bắt sấu ngày xưa. Sấu dữ dằn, thợ săn dùng kế dụ sấu lên bờ cho nó đớp khúc gỗ mớp (loại gỗ mềm, dính) thế là hai hàm răng sấu dính chặt. Người ta bèn cắt gân đuôi sấu rồi trói lại…
Cá sấu còn bò vào nhiều vùng đất mới vừa gây tai họa vừa cung cấp thực phẩm, đồ mỹ nghệ (chủ yếu là da) để rồi nhân dân lấy sấu đặt tên cho nơi (thường là nhiều sấu), như Đìa Sấu (Cai Lậy, Tiền Giang), rạch Đầu Sấu (Vĩnh Hưng, Long An), cầu Đầu Sấu, Cái Răng (Cần Thơ), ấp Đầu Sấu Đông, ấp Đầu Sấu Tây (Hồng Dân, Bạc Liêu), rạch Cái Cá (Thạnh Phú - Bến Tre), rạch Cái Cấm (Mỏ Cày - Bến Tre), rạch Cái Khế (Cần Thơ), bưng Sấu Hì (Đồng Tháp Mười)…
Tất nhiên cách đặt tên cũng dựa vào những câu chuyện về sấu như ở Kiên Giang có Ngã ba Tàu là dựa vào truyền thuyết có một con cá sấu bị người chặt đứt khúc đuôi nên trông như một chiếc tàu. Hay ở Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) có cái hang hàng trăm con sấu trú ngụ liền gọi đấy là Hang Sấu… Với con người thì cái gì yêu quá hay ghét quá cũng thành “thiêng”. Vì sợ nên hình thành tín ngưỡng thờ cá sấu ở các bến sông. Ở thành phố Cần Thơ ngày nay vẫn còn một ngôi chùa cổ có tên Ông Vàm Đầu Sấu. Truyền thuyết về cá sấu của người dân miền Tây thì rất nhiều với “Ông Đình Tây và sấu Năm Chèo”, “Thần Ô Ngư Ngạc”, “Sự tích địa danh Đầu Sấu, Cái Da, Cái Răng”…
Nhiều truyền thuyết gắn liền với sông Vàm Nao, dài chỉ hơn 7km, nhưng sâu gần 20m. Đây là con sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu, rất nhiều sấu. Theo sách “Tân Châu xưa” (Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh biên soạn), Vàm Nao còn gọi là xoáy Hồi Oa vì nước chảy cuộn xoáy rất nguy hiểm, lại có loài sấu dữ rình rập người bơi qua sông, hoặc chẳng may ghe thuyền bị lật là chúng lao đến… Năm 1700, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh phụng mệnh chúa Nguyễn mở cõi về Nam khi đến đây đã đổi Vàm Nao là “Thuận Vàm” với mong muốn mọi việc thuận lợi, hanh thông…
Nổi tiếng nhất là truyền thuyết sấu coi hát bội gắn liền với câu chuyện có một chàng lực điền làm đám cưới với cô thôn nữ ở làng bên. Đoàn rước có hàng chục xuồng, ghe, có dàn nhạc lễ, trống kèn… vui như ngày hội. Khi đi qua khúc sông nọ, bất thần con sấu nổi lên, quật đuôi làm chìm 3-4 chiếc xuồng. Vài người khác và cô dâu mất tích.
Đau đớn khôn cùng, chú rể quyết bắt bằng được sấu để trả thù. Biết cá sấu vùng này rất thích nghe hát bội, khi nghe hát sấu lại hiền như người vậy, cũng dỏng tai, cũng hân hoan khi nghệ sĩ buông ra lời hát hay… Anh cho người đào sâu vào bên trong bờ thành hẻm sông hình chữ U, phía trong cùng làm sân khấu thuê ba gánh hát bội hay nhất về diễn. Đàn sấu đến nghe hát, thấy con sấu đã giết vợ mình, đợi nó vào sâu sát bờ… anh ra hiệu dân làng đắp đập ngăn lại.
Chờ đúng dịp, hàng trăm mũi lao găm vào thân sấu… Anh xả thịt sấu, từng phần cơ thể nó trôi đi khắp nơi, chỗ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu, phần da trôi tới thì gọi là Cái Da, phần răng rơi vãi thì gọi là Cái Răng… Bóc cái vỏ huyền thoại thì cái lõi của truyền thuyết có thể là ba lớp nghĩa: hát bội có sức chinh phục lớn nên rất được yêu thích; nạn sấu hoành hành; biểu tượng cá sấu ăn sâu vào tâm thức, tập quán con người.
Sấu có nhiều loại: sấu lửa, sấu cá, sấu bưng, sấu mun, sấu hoa cà… Sấu hoa cà rừng Sác lớn nhất, con trưởng thành dài từ 6-7m, nặng đến hơn 1.000kg, bơi lội rất giỏi, hàm khỏe có từ 64-68 răng. Để bắt được sấu lớn loại này phải dùng mồi vịt hay mồi chó. Mồi được móc vào lưỡi câu to, bén và nối với sợi dây câu chắc, dài. Thợ săn ôm mồi lội xuống nước, nhử cá sấu đến. Khi cá há miệng định táp, thợ câu nhanh tay ném con mồi vào miệng nó… Dân vùng U Minh Hạ còn có sáng kiến đốt lửa để bắt loại sấu cá, sống ở ao giữa rừng.
Tại sao người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long hay khắc hình đầu cá sấu lên chiếc xe bò? Vì loại xe này gần gũi thân thiết với họ như ngư dân gắn bó với con thuyền. Cơ bản hơn, sống, tiếp xúc nhiều với cá sấu, họ đã “thiêng hóa” nó thành một biểu tượng cho sự mạnh mẽ, quyết tâm, thắng lợi, hanh thông trong cuộc sống. Điều này cũng lý giải trong kho tàng truyện cổ dân gian Khmer, nhân vật con cá sấu luôn xuất hiện với tần số cao.
Ở nhiều nền văn hóa cổ Đông Tây, cá sấu là biểu tượng của bóng tối và cái chết, sức mạnh của sấu được ví như sức mạnh của địa ngục, quyền năng, của lửa và nước. Đến nay nhiều thổ dân châu Phi còn giữ được điệu vũ cá sấu trong các lễ hội tế thần đất và mặt trời. Trong thần thoại Ai Cập, sấu được gắn với các biểu trưng mang tính vũ trụ: mắt là mặt trời (đỏ lòm), miệng là vực thẳm chết chóc, đuôi là bóng tối. Thần sấu cai quản các dòng nước, được thờ phụng tử tế, chu đáo. Trong truyền thuyết Ấn Độ và một số nước Nam Á có biểu tượng con Makara huyền thoại là linh vật kết hợp giữa cá sấu và vòi voi. Cá sấu và voi là biểu tượng vật nâng đỡ thế giới (tương tự con rùa trong văn hóa Việt). Hai linh vật này còn có thể “hô mưa gọi gió” giúp đỡ dân lành…
Không phải ở đâu sấu cũng dữ dằn và ăn thịt người. Ở vùng Bazoule - Tây Phi người dân sống gần gũi thân mật với cá sấu như chó, mèo. Trong vùng đầm nước, xung quanh đầy cá sấu nhưng trẻ con vẫn bơi lội, tắm táp, phụ nữ thì thoải mái giặt giũ… Theo các nhà “sấu học” thì sấu ở Bazoule thuộc loài Crocodylus suchus (còn gọi là cá sấu sa mạc) hiền lành là do môi trường sống trong rừng sâu, ở các vùng đầm phá và ngập nước nhiều thức ăn, khí hậu, thời tiết hài hòa. Thế là người ta lại “thiêng hóa” nó bằng cách “cưới” sấu làm vợ.
Tất nhiên chỉ có cánh đàn ông được phép làm việc này và trong ngày “hôn lễ” sấu (cái) bị buộc mõm bằng tấm vải thật đẹp, thật mềm, cũng thật chắc để tránh xảy ra việc “cô dâu” “làm nũng” không đúng lúc. Người ta coi “cưới” sấu là việc làm cung kính thần linh (cũng là cách tăng cường sự hài hòa con người và tự nhiên) nên các đàn ông làm công tác quản lý chính quyền thường “nêu gương” “cưới” trước!
Vì sao người Việt gọi là “sấu”? Có thể bắt nguồn từ âm tiếng Trung Quốc (shou) có nghĩa là “thú”. Gọi vậy vì căn cứ vào đặc trưng, là loài lưỡng cư, sấu sống dưới nước như cá, sống trên cạn như thú và cũng có nanh vuốt như thú!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ca-sau-boi-giua-doi-bo-pham-thieng--i730569/