Ca sĩ - nhạc sĩ Đông Triều: Gói nhịp sóng, tình yêu Trường Sa vào khúc hát

Nhiều cảm xúc lắng đọng từ những chuyến hải trình đến với Trường Sa, nhà giàn DK1, ca sĩ - nhạc sĩ Đông Triều đã gửi gắm vào các ca khúc tự sáng tác. Trong chuyến hải trình vừa qua cùng Đoàn công tác số 12 - TPHCM, bên cạnh việc gửi lời ca, tiếng hát khích lệ chiến sĩ nơi đảo xa, Đông Triều còn sáng tác bài hát mới 'Hát về anh - người lính đảo Trường Sa' dành tặng biển đảo quê hương.

PHÓNG VIÊN: Lần thứ ba trở lại thăm Trường Sa, thăm nhà giàn DK1, được hát giữa biển đảo quê hương thêm lần nữa, cảm xúc trong anh thế nào?

Ca sĩ - nhạc sĩ ĐÔNG TRIỀU: Cảm xúc vẫn dạt dào như lần đầu được đặt chân đến đây. Nhớ lại lần đầu tiên vẫn không thể nào nói hết được bằng lời cảm xúc lúc nhìn thấy sự vất vả, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn so với đất liền, nhất là tại các đảo Cô Lin, Đá Lát, Tốc Tan C… Với tinh thần chiến sĩ văn hóa, Triều cùng các bạn trong đội văn nghệ dã chiến “Là Lá La” đã hát tặng các anh nhiều ca khúc mang giá trị khích lệ tinh thần, gửi gắm tình cảm từ đất liền.

Hai lần trước thời tiết không tốt, các nghệ sĩ chúng tôi chỉ có thể gửi tiếng hát đến các anh qua máy bộ đàm. Năm nay, may mắn thời tiết thuận lợi, Triều cùng các anh chị em nghệ sĩ đã được đến thăm, hát trực tiếp tặng chiến sĩ ngay trên nhà giàn.

 Ca sĩ - nhạc sĩ Đông Triều và chiến sĩ tại đảo Đá Tây B

Ca sĩ - nhạc sĩ Đông Triều và chiến sĩ tại đảo Đá Tây B

Anh gửi gắm điều gì đặc biệt qua ca khúc "Hát về anh - người lính đảo Trường Sa"?

Ca khúc được khơi nguồn ngay khi đoàn công tác TPHCM đến thăm đảo Núi Le B. Khi đó, Triều và đội văn công, các anh chị phóng viên quây quần vui hát với các chiến sĩ. Và, không biết từ khi nào, Triều ngân nga giai điệu cho bài hát mới “Ngồi nơi chúng tôi hát về Trường Sa/ Ngồi nơi đây lính đảo hòa cùng khúc ca…”. Sau khi có được nét nhạc, Triều ghi âm lại bằng điện thoại. Về tàu, tranh thủ giờ nghỉ trưa, Triều viết tiếp và khi đến điểm cuối là nhà giàn DK1/17, Triều đã hoàn thành bài hát. "Hát về anh - người lính đảo Trường Sa" mang tình cảm của người từ đất liền hướng về biển đảo và người lính kiên cường. Hy vọng đây là món quà tinh thần ý nghĩa với các anh. Trước ca khúc này, Triều từng sáng tác 2 ca khúc 'Đến đảo xa cùng KN-290", "Mưa Trường Sa" trong lần đầu đến Trường Sa năm 2018.

Với anh, Trường Sa là nguồn cảm hứng lớn ra sao? Những hải trình ngàn dặm giúp anh trưởng thành như thế nào?

Trường Sa cho Triều nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Khi đến Trường Sa, Triều cảm thấy tự hào về quê hương mình với biển trời bao la, mênh mông. Được ngắm nhìn những bãi san hô trải dài rộng khắp, không thể tả hết vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất lãnh thổ của đất nước mình.

Sau những hải trình dài, Triều ngày càng trưởng thành hơn, nhìn nhận cuộc sống tích cực hơn. Từ những trải nghiệm thực tế khi thấy các chiến sĩ hy sinh cho công cuộc bám biển, giữ đảo, ngày đêm chông gai và đầy gian khó hiểm nguy, mình nhận ra cần phải phấn đấu hơn để cùng xây dựng đất nước, đồng lòng lan tỏa về Trường Sa. Triều cũng có sự chín chắn hơn trong cách hát, xử lý ca khúc có chiều sâu và sự lan tỏa mạnh mẽ hơn khi hát các ca khúc về biển đảo.

Từ trước đến nay đã có không ít tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa... viết về Trường Sa. Anh sẽ làm gì để những tác phẩm chủ đề này của mình đến với nhiều khán giả?

Thời công nghệ số có các kênh mở rộng như Facebook, YouTube, TikTok, các kênh nhạc số… giúp khán giả, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận các ca khúc nhanh hơn. Trước mắt, Triều sẽ hoàn thành những bản hòa âm, phối khí và thu âm, đăng tải lên các trang nhạc số, các kênh thông tin. Triều đang ấp ủ thực hiện một album những ca khúc sáng tác về biển đảo và Trường Sa. Hy vọng hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Đông Triều là nghệ sĩ đa năng, nhưng so với các nghệ sĩ khác dường như đi chậm hơn một chút. Điều này là do anh lựa chọn chậm mà chắc với dòng nhạc truyền thống hay bởi thị trường showbiz Việt có những cách vận hành khác?

Hiện tại, nhiều ca sĩ trẻ đều có lối đi riêng. Dòng nhạc nhẹ, trẻ và xu hướng bắt tai các bạn trẻ bây giờ làm rất tốt. Riêng Triều vẫn trung thành với dòng nhạc mình chọn: truyền thống cách mạng và dân gian đương đại. Thường những dòng nhạc truyền thống kén người nghe hơn nên để đi nhanh - tiến xa thật không dễ. Thế nhưng, Triều biết cách khai thác điểm mạnh dòng nhạc truyền thống. Triều chọn con đường đi chậm nhưng chắc và bền hơn với thời gian qua những ca khúc bất hủ từ thế hệ đi trước.

Triều nhận thấy rằng, âm nhạc là sự lan tỏa, món ăn tinh thần cho từng người nghe khác nhau nên bản thân nỗ lực làm tốt nhất, hát tốt nhất, cũng giống như nấu món ăn ngon phù hợp với thực khách muốn ăn. Triều rất vui khi được các cơ quan, đơn vị mời biểu diễn các ca khúc truyền thống trong nhiều chương trình nghệ thuật. Triều được khán giả ủng hộ, yêu thương và đó luôn là động lực giúp mình vững tin con đường đã chọn.

Gần đây, anh tham gia cuộc thi “Dấu ấn Việt” mùa đầu tiên. Anh muốn mang đến hình ảnh ra sao sau cuộc thi?

Cuộc thi mới bắt đầu, và dù Triều đi diễn khá nhiều năm trên các sân khấu lớn nhỏ nhưng khi là thí sinh mình vẫn hồi hộp. Triều hy vọng sẽ được phát triển bản thân hơn nữa sau cuộc thi và khẳng định hình ảnh mình luôn là một ca sĩ hát dòng nhạc truyền thống cách mạng.

Đông Triều là ca sĩ - nhạc sĩ trẻ có những sáng tác đa dạng, hát có chất riêng, máu lửa, ngoại hình thu hút. Anh có những sáng tác nổi bật dành cho Trường Sa, tuổi trẻ, được ghi nhận “Nghệ sĩ vì cộng đồng”. Anh từng đoạt Huy chương vàng toàn quốc Liên hoan Ca khúc cách mạng 2015; Giải nhất Liên hoan Nhóm ca khúc cách mạng TPHCM 2015; Giải ba sáng tác về thanh niên Cần Thơ. Các ca khúc anh sáng tác đã phát hành: Đến đảo xa cùng KN-290, Sáng tên người Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ thanh niên một lòng, Khúc ca tàu 632, Tình yêu ngang qua, Tình yêu cần phải nói.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ca-si-nhac-si-dong-trieu-goi-nhip-song-tinh-yeu-truong-sa-vao-khuc-hat-post742590.html