Ca sĩ Phạm Thu Hà: Hát để kể câu chuyện cuộc đời

Chọn dòng nhạc cổ điển giao thoa thay vì đóng khung mình trong tháp ngà của nhạc cổ điển kén người nghe hay chạy theo xu hướng, Phạm Thu Hà đã định hình được con đường của mình. Sau 10 năm, bền bỉ, kiên định trên con đường đó, chị giờ đã là một cái tên, khách mời của những đêm nhạc sang trọng, tinh tế.

10 năm để có một Phạm Thu Hà hôm nay là một chặng đường đầy chông gai bởi chị lựa chọn dòng nhạc kén người nghe - nhạc bán cổ điển. Có lẽ cũng là một mối lương duyên khi từ bé, Phạm Thu Hà đã có một tình yêu đăc biệt với âm nhạc cổ điển. Chị quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia để theo đuổi con đường này. Với chị, đó là một ngôi đền thiêng” bất khả xâm phạm.

Ca sĩ Phạm Thu Hà.

Ca sĩ Phạm Thu Hà.

Dấu mốc và nhân duyên lớn nhất trong sự nghiệp của Phạm Thu Hà là chị gặp nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Nhạc sĩ phát hiện ra giọng hát của Hà và khuyên chị nên theo dòng nhạc bán cổ điển bởi nó còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Nếu kiên định theo đuổi, chị sẽ có một con đường riêng, phát huy được màu sắc của cá nhân. Đó cũng là con đường vắng bóng người, sẽ chông gai hơn nhưng cũng ít bon chen hơn. Từ đó, Phạm Thu Hà quyết tâm theo đuổi con đường hát cổ điển giao thoa.

Giải Cống hiến năm 2012 với album “Classic meets Chillout”- album của năm đã là một cú hích đưa con đường âm nhạc của “Họa mi bán cổ điển” sang một bước ngoặt mới. Tuy nhiên, tin đồn mua giải khiến chị mất một thời gian dài im lặng, để lấy lại niềm tin và bản lĩnh làm nghề. Chị quyết định học thêm 2 năm cao học và tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu tại Áo để đi xa hơn nữa trên con đường của mình.

Với sở trường hát cổ điển giao thoa, Phạm Thu Hà không đóng khung mình mà liên tục tìm tòi, mang đến những sắc màu mới cho âm nhạc. “Tựa như gió phiêu du”, “Hà Nội yêu” kết hợp giữa thính phòng và nhạc jazz, với sự góp mặt của những tên tuổi trên thế giới, đã một lần nữa khẳng định con đường của chị. Phạm Thu Hà trở nên bình thản hơn giữa cuộc sống showbiz bon chen và khắc nghiệt. Liên tục những năm sau đó, chị đều cho ra đời những album mới, hát lại những bản tình ca cũ bằng những bản phối sang trọng, làm cho âm nhạc càng đẹp hơn, bay bổng hơn. Năm 2019 là sự phá cách của Phạm Thu Hà và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với “Classic meet dance”, đi tìm những thanh âm mới cho âm nhạc cổ điển.

Tôi hỏi, điều gì khiến cô gái bé nhỏ, mong manh Phạm Thu Hà đầy nội lực sáng tạo và kiên định trên con đường của mình như thế. Phạm Thu Hà cười: âm nhạc và tình yêu thuần khiết là nguồn năng lượng vô tận của người nghệ sĩ.

Chị lúc nào cũng xuất hiện với những hình ảnh đẹp, sang trọng. Hà chăm chút và kỹ lưỡng khi xuất hiện trước công chúng. Chị quan niệm, nghệ sĩ là phải đẹp. Đó cũng là cách chị tôn trọng khán giả của mình. Cái đẹp ấy không chỉ từ quần áo, trang sức mà từ chính tâm hồn, trí tuệ của người nghệ sĩ.

Vào những ngày đầu năm Quý Mão, Phạm Thu Hà trình làng một dự án mới mang tên “Live Studio Session”. Chị nói, đây là dự án chị được thể hiện mình nhiều nhất, một Phạm Thu Hà đi qua những ngày giông bão đã tìm lại sự bình an, hạnh phúc từ chính mình."Dự án này chất chứa điều tôi luôn tự nhủ với bản thân. Đi qua nhiều thương tổn, khổ đau, gặp những chuyện không mong muốn nhưng tôi vẫn tin vào tình yêu, trân trọng quá khứ. Nhờ chúng, tôi vững vàng và kiên định trên con đường hôm nay", Phạm Thu Hà nói.

“Live Studio Session”của Phạm Thu Hà chia làm bốn phần. Phần một gồm những ca khúc trữ tình, lãng mạn quen thuộc gồm:“Phố mùa đông”(Bảo Chấn),“Biết mãi là bao lâu”(Đỗ Bảo),“Đời có bao nhiêu ngày vui”(Châu Đăng Khoa),“Xin lỗi”(Hồ Tiến Đạt)... Phần hai là màn kết hợp mới mẻ của Phạm Thu Hà với hai giọng ca trẻ Nguyễn Đình Tuấn Dũng và Phạm Anh Duy. Chị dành riêng phần ba cho các sáng tác của Trịnh Công Sơn như:“Ru tình”, “Hoa vàng mấy độ”, “Tiến thoái lưỡng nan”... Phần bốn là không gian để chị vẫy vùng với nhạc cổ điển. Trong năm nay, Phạm Thu Hà sẽ lần lượt tổ chức các buổi biểu diễn, ra mắt 4 MV gồm“Phố mùa đông”, “Biết mãi là bao lâu”, “Xin lỗi”, “Ngày mai không có anh”và phát song song các giai đoạn của dự án trên nền tảng online. Sau cùng, chị sẽ chọn ra 8 ca khúc đặc biệt nhất để phát hành đĩa than.

Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn cùng dàn nhạc.

Ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn cùng dàn nhạc.

Trên hành trình theo đuổi con đường cổ điển giao thoa, dự án lần này một lần nữa khẳng định nỗ lực của chị, khi Pop hóa phong cách hát cổ điển, tạo nên cái chất rất riêng cho mỗi ca khúc, mà không khiến chúng trở nên khiên cưỡng, xa lạ. Đặc biệt với mong muốn vượt qua giới hạn bản thân, Phạm Thu Hà cho thấy bản lĩnh của mình khi là nghệ sĩ đầu tiên “dám” thực hiện công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp, với sự tham gia cùng lúc của 4 bộ phận: Âm thanh, hình ảnh, dàn nhạc và người nghệ sĩ. Ê-kíp sáng tạo bao gồm những cái tên quen thuộc, từng cộng tác với Phạm Thu Hà trong một số chương trình lớn như: Đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam, đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa, đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn, dàn nhạc Namjazznight Chamber Orchestra. Họ tự tin vào khả năng chuyên môn của bản thân, tự tin vào năng lực của đồng nghiệp để đồng hành trong dự án này.

Có thể nói, đó là một hành trình mới của Phạm Thu Hà, người nghệ sĩ không ngừng khai phá những không gian mới trong thế giới âm nhạc đa sắc màu và mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Chị chia sẻ: “Người nghệ sĩ phải biết biến hóa để làm phong phú cho thế giới âm nhạc và tâm hồn mình. Khi nghe những bài hát của tôi, khán giả sẽ hiểu rằng, nhạc cổ điển không quá khó nghe, nó cũng gần gụi với tâm hồn mỗi con người chứ không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Và tôi cũng muốn hình ảnh Phạm Thu Hà đâu chỉ biểu diễn trong thánh đường nhà hát, cô ấy có thể hát ở vườn hoa, ở đường phố với những ca khúc gần gụi, sẻ chia. Tôi nghĩ, mở rộng biên độ khán giả không làm cho mình bình dân, dễ dãi mà là cách để âm nhạc được sống với tất cả ý nghĩa khởi nguyên của nó, mang đến sự an ủi, niềm vui cho mỗi tâm hồn”.

Đêm diễn đầu tiên của Phạm Thu Hà ở Bảo tàng Lịch sử không bán vé, với mong muốn có nhiều khán giả tham dự. Chị muốn khẳng định với khán giả, nhất là những khán giả trẻ rằng, âm nhạc cổ điển không khó nghe như mọi người mặc định. “Mong muốn lớn nhất của ê kíp là sản phẩm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, giúp họ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển”.

Chị đang ở độ chín của cảm xúc và giọng hát. Ai cũng nghĩ rằng, phía sau chị có một đại gia chống lưng để chị thảnh thơi làm nghề, chơi nghề mà không vướng bận cơm áo gạo tiền. Hà chỉ cười, đại gia của chị chính là gia đình. Và sau nhiều năm nỗ lực, giờ chị là một giọng ca cổ điển đắt show, thường được mời đến những sự kiện sang trọng.

Chị đã đi qua những khúc quanh của cuộc sống khi hôn nhân tan vỡ. Chị sống cùng con trai. Hạnh phúc của Hà, sau ánh đèn sân khấu là những bữa cơm do chị nấu, hay tự tay trang trí mái ấm nhỏ của mình. Mỗi sớm mai thức dậy, chị thực hành chánh niệm từ những bài thuyết pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị cân bằng trong cuộc sống, bình thản hơn trước những sóng gió và ước vọng cuộc đời. Thế giới showbiz nhiều thị phi và bon chen nhưng chị đứng ngoài tất cả, bình tĩnh đi con đường của mình. Đó không chỉ là một Phạm Thu Hà xinh đẹp, sang trọng và kỹ lưỡng trong từng hình ảnh, chi tiết khi xuất hiện trước công chúng mà còn là một Phạm Thu Hà hồn hậu, nồng ấm, yêu thương cuộc đời. Chị hát càng ngày càng đằm hơn, sâu lắng hơn.

Chị chia sẻ: “Những tổn thương mát mát trong chuyện tình cảm giúp tôi có thêm những cảm xúc đẹp hơn, thăng hoa hơn. Âm nhạc giúp tôi chữa lành những thương tổn, giờ tôi sống an nhiên, không cưỡng cầu. Tôi tin là mình sống thiện lành và luôn cố gắng chắc chắn sẽ gặp được những nhân duyên lành”. Và âm nhạc là cầu nối để chị kể những câu chuyện cuộc đời ấy.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-pham-thu-ha-hat-de-ke-cau-chuyen-cuoc-doi-i683637/