Ca sĩ Phương Linh và 12 năm lận đận vì tràn dịch khớp gối

Tiết lộ mới đây của ca sĩ Phương Linh về biến cố sức khỏe tràn dịch khớp gối phải điều trị suốt 12 năm đã khiến nhiều khán giả bất ngờ. Để bạn đọc có thêm thông tin về mối nguy này, chúng tôi ghi nhận ý kiến của bác sĩ.

Tạm ngừng hát để tập trung chữa trị

Phương Linh được khán giả biết đến sau khi đoạt giải nhì dòng nhạc nhẹ cuộc thi Sao Mai 2005. Cô tiếp tục ghi dấu ấn khi tham gia Sao Mai Điểm Hẹn 2006 và cùng Hà Anh Tuấn bước ra từ cuộc thi tạo tiếng vang lớn với album Ngày hát đôi, có nhiều ca khúc được yêu thích: Cơn mưa tình yêu, Thiên đường gọi tên, Đêm tình yêu… Tuy nhiên, thời gian dài sau đó cô gần như vắng bóng trên các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện lặng lẽ ở vài sự kiện và chương trình truyền hình.

Chia sẻ với truyền thông nhân show diễn cùng ca sĩ Kai Đinh tại chương trình “Giao lộ thời gian - Love in the Bay” phát sóng trên FPT Play tối ngày 13.7, Phương Linh tiết lộ năm 2012 cô bị chấn thương gây tràn dịch khớp gối, phải dừng hát và đền tiền nhiều hợp đồng biểu diễn.

“Lúc ấy tôi buồn vì chưa đến 30 tuổi mà đã bị tràn dịch khớp gối. Hành trình chữa trị cũng tốn không ít thời gian và tiền bạc. Ban đầu tôi chữa theo Tây y nhưng không khả quan, sau đó theo phương pháp Đông y. Đến nay tôi hồi phục khoảng 80%. Những năm qua tôi vẫn diễn ở một số sự kiện để kiếm tiền nhưng dừng hẳn đi hát phòng trà để tập trung chữa trị. Tôi là người biết cân bằng công việc và cuộc sống, không chạy show quá nhiều nên không cảm thấy cuộc sống bị đảo lộn khi phải bớt việc”, Phương Linh nói.

Ca sĩ Phương Linh trò chuyện sức khỏe trong chương trình “Giao lộ thời gian - Love in the Bay” phát sóng tối 13.7. Ảnh: CTV

Ca sĩ Phương Linh trò chuyện sức khỏe trong chương trình “Giao lộ thời gian - Love in the Bay” phát sóng tối 13.7. Ảnh: CTV

Biểu diễn thường xuyên trở lại ở thời điểm các phòng trà hoạt động rầm rộ, tạo thêm không gian cho ca sĩ tiếp xúc gần gũi với người nghe, Phương Linh kể có nhiều khán giả đến các show diễn của cô xem và quay lại clip ngắn đăng lên mạng xã hội, nhờ đó cô có thêm nhiều khán giả trẻ hâm mộ.

“Tôi luôn muốn cân bằng giữa việc đi làm kiếm tiền và hưởng thụ cuộc sống. Tôi chưa bao giờ quá khát khao ghi dấu trong sự nghiệp nên thành công cũng chỉ ở mức bình thường. Trước kia, khi có những điều mong muốn nhưng không thực hiện được, tôi sẽ hẫng hụt. Giờ tôi quan niệm nhẹ nhàng hơn, nghĩ đó là do thời điểm chưa chín muồi, cứ tiếp tục cố gắng và chờ đợi. Đó cũng là một niềm hạnh phúc”, Phương Linh tâm sự.

Ai dễ bị tràn dịch khớp gối?

ThS-BS-CK2. Hồ Phạm Thục Lan (Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; nguyên Trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM) cho biết, bình thường giữa hai mặt khớp chỉ có một ít dịch nhầy. Khi xảy ra bệnh lý, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thì màng khớp và màng hoạt dịch sẽ bị tổn thương và có thể tăng tiết dịch viêm, tăng tạo mủ, thậm chí chảy máu.

“Từ đó có một lượng dịch lớn bất thường trong khớp gối, có thể là dịch viêm, mủ, máu... Nếu người bệnh nhìn bên ngoài khớp thì chỉ thấy khớp to lên và có thể có một số triệu chứng, còn bác sĩ khi khám bệnh hay nói có dịch trong khớp gối”, BS. Lan giải thích.

Một số triệu chứng của tràn dịch khớp gối mà người bệnh thường bị: khớp gối sưng phồng, phù nề; đau nhức khớp gối âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói; bên gối tràn dịch có kích thước lớn hơn bên gối còn lại; khó thực hiện các hoạt động như gấp duỗi gối, đi lại, đứng lên ngồi xuống… Để xác định chính xác tràn dịch khớp gối, cần làm một số xét nghiệm và được bác sĩ thăm khám.

Những người dễ bị tràn dịch khớp gối là: người lớn tuổi (bị một số bệnh khớp làm tăng tiết dịch khớp); người chơi thể thao (trong lúc chơi dễ bị sang chấn và gây chảy máu trong khớp gối); người mắc các bệnh lý viêm (gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng…, khi đó khớp gối bị ảnh hưởng và dễ tăng tiết dịch viêm).

Tràn dịch khớp gối có rất nhiều nguyên nhân, ngay cả những trường hợp hoạt động quá sức như leo núi nhiều giờ hoặc đi bộ quá lâu, sử dụng khớp gối quá nhiều thì khớp gối cũng có thể bị tràn dịch nhẹ. Nói chung, nguyên nhân quan trọng gây tràn dịch khớp gối là do: chấn thương (bất kỳ cấu trúc nào của khớp gối khi bị tổn thương hoặc có kích thích tạo dịch tăng tiết từ màng hoạt dịch, chảy máu thì đều dễ gây ra tràn dịch khớp gối); các bệnh lý khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm thoái hóa khớp, viêm khớp phản ứng… đều có thể khiến dịch khớp tiết ra một lượng lớn dịch trong những đợt viêm cấp); các bệnh lý nhiễm trùng (Việt Nam có tình trạng dễ bị lao khớp, ngoài ra còn có thể gặp ở những người mắc các bệnh xã hội như bệnh lậu; một số trường hợp mắc các vi trùng sinh mủ…).

“Có những trường hợp bệnh lý khá phức tạp chưa thể biết được do nguyên nhân nào hoặc tình trạng bệnh nhân có những dấu hiệu báo động như khớp gối sưng quá to, sờ thấy nóng, đỏ, đau nhiều, cử động khớp nặng nề thì cần chọc dịch khớp gối, nhằm đạt hai mục đích: tháo bớt dịch và xác định chẩn đoán. Bằng những xét nghiệm phù hợp, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân của bất thường trong khớp gối...”, BS. Lan nói.

Điều trị tận gốc phụ thuộc nguyên nhân

Tràn dịch khớp gối ở giai đoạn sớm có thể điều trị dứt điểm mà không gây nhiều biến chứng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người bệnh do chủ quan đã khiến triệu chứng thêm trầm trọng. Khi đó ngoài việc gây hạn chế vận động khớp gối do tình trạng sưng viêm, bệnh nhân còn gặp phải các biến chứng nặng nề: thoái hóa khớp, biến dạng xương, lệch trục chân; cứng và dính khớp; loãng xương quanh khớp, nhiễm trùng khớp…

BS. Lan cho biết khi lượng dịch bất thường xuất hiện trong khớp gối sẽ làm tăng áp lực và căng bao khớp. Chính tình trạng này khiến bệnh nhân có triệu chứng đau, cứng khớp, giới hạn vận động ở khớp... Trong trường hợp lượng dịch nhiều và đưa đến những triệu chứng như trên thì một trong những biện pháp đơn giản để giảm bớt đau khớp gối là chọc rút tháo lượng dịch nhiều ở trong khớp ra. Để không bị tái tràn dịch trở lại sau chọc rút thì có thể sử dụng các biện pháp như chườm lạnh và giảm hoạt động trong vòng một ngày.

“Một số bệnh nhân sau khi chọc rút dịch thì kiêng cữ tắm, không đụng nước hay chạm vào vết chích, điều này hoàn toàn không đúng. Chích khớp gối cũng tương tự như chích tĩnh mạch hoặc chích bắp chân. Sau khi đã rút kim ra thì chỗ này cũng sẽ liền lại trong vòng vài chục giây đến vài phút…”, BS. Lan giải thích.

Tràn dịch khớp gối là triệu chứng của một loại bệnh lý hay chấn thương nào đó. Vậy nên để có thể điều trị tận gốc thì cần điều trị nguyên nhân chính gây ra từ bệnh lý hay chấn thương đó. Trong những trường hợp chấn thương nhẹ, bệnh nhân chỉ cần giảm hoạt động hoặc bất động, chườm đá (chườm lạnh có tác dụng giảm tăng tiết dịch hơn chườm nóng), băng ép lại và nâng chân cao lên… thì triệu chứng có thể tự hồi phục. Trong những trường hợp chấn thương nặng như rách toàn phần dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc rách nặng nề tổn thương của sụn trên..., thì cần có can thiệp phẫu thuật để điều trị tận gốc.

“Thời gian điều trị tràn dịch khớp gối hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu chỉ là sử dụng khớp gối quá mức như sau khi đi lại quá nhiều, đạp xe nhiều hoặc leo núi trong thời gian dài thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi một hoặc hai ngày là đã có thể giải quyết được tình trạng tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên đối với những bệnh lý mãn tính như viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp thì tình trạng khớp bị tràn dịch này sẽ tái đi tái lại tùy theo diễn tiến của bệnh”, BS. Lan lưu ý.

Tấn Khải - Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ca-si-phuong-linh-va-12-nam-lan-dan-vi-tran-dich-khop-goi-44654.html