Cả thế giới chấp chới vì việc áp thuế 'không ngoại lệ' của ông Trump

Động thái tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25%, không ngoại lệ hay miễn trừ của ông Trump tác động mạnh đến thị trường, nguy cơ gia tăng chiến tranh thương mại. Khi được hỏi về mối đe dọa trả đũa của các nước khác đối với mức thuế quan mới, ông Trump trả lời: 'Tôi không bận tâm'.

"Không có ngoại lệ hoặc miễn trừ"

Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng đáng kể thuế nhập khẩu thép và nhôm vào thứ Hai lên mức cố định là 25%, tuyên bố "không có ngoại lệ hoặc miễn trừ". Động thái nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận.

Ông Trump đã ký các tuyên bố tăng thuế suất của Mỹ đối với nhôm lên 25% (trước đó là 10%), xóa bỏ các ngoại lệ quốc gia và các thỏa thuận hạn ngạch cùng hàng trăm nghìn loại miễn trừ thuế quan cụ thể cho từng sản phẩm đối với cả hai loại kim loại. Một quan chức Nhà Trắng cho biết các biện pháp có hiệu lực vào ngày 4/3.

Mức thuế này áp dụng cho hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác đã từng được miễn thuế.

“Động thái này đơn giản hóa thuế quan đối với kim loại để mọi người có thể hiểu chính xác ý nghĩa của nó. 25% không ngoại lệ, miễn trừ bất kỳ quốc gia nào”, ông Trump tuyên bố.

Tổng thống Mỹ sau đó cho biết ông sẽ "cân nhắc kỹ lưỡng" yêu cầu của Australia về việc miễn thuế thép do nước này thâm hụt thương mại với Mỹ.

Các tuyên bố này là phần mở rộng thuế quan mục 232 năm 2018 của ông Trump nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước vì lý do an ninh quốc gia. Một quan chức Nhà Trắng cho biết các chính sách miễn thuế, giảm trừ trước đó làm giảm hiệu quả biện pháp này.

Ông Trump nói "không quan tâm" việc các quốc gia trả đũa.

Ông Trump nói "không quan tâm" việc các quốc gia trả đũa.

Ông Trump cũng áp dụng tiêu chuẩn mới của Bắc Mỹ yêu cầu thép nhập khẩu phải được "nấu chảy và đổ", nhôm phải được "nấu chảy và đúc" trong khu vực để hạn chế nhập khẩu kim loại chế biến tối thiểu từ Trung Quốc và Nga vào Mỹ để né thuế.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay, động thái này mở rộng thuế quan sang các sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép sản xuất ở nước ngoài, bao gồm thép kết cấu chế tạo, nhôm đùn và sợi thép cho bê tông ứng suất trước.

Khi ký lệnh tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông tiếp tục thông báo thuế quan tương hỗ đối với tất cả quốc gia áp thuế lên hàng hóa của Mỹ. Ông cũng xem xét áp thuế đối với ô tô, chip bán dẫn và dược phẩm.

Khi được hỏi về mối đe dọa trả đũa của các nước khác đối với mức thuế quan mới, ông Trump trả lời: "Tôi không bận tâm".

Peter Navarro - cố vấn thương mại của ông Trump - cho biết các biện pháp mới nhất sẽ củng cố an ninh quốc gia bằng cách tăng cường năng lực cho các nhà sản xuất thép và nhôm trong nước.

"Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước, đảm bảo ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta là ngành xương sống, trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ", ông Peter Navarro tuyên bố.

Thị trường đồng loạt phản ứng

Dữ liệu của Mỹ cho thấy các nhà máy luyện nhôm chỉ sản xuất được 670.000 tấn nhôm năm 2024, giảm so với mức 3,7 triệu tấn vào năm 2000. Việc đóng cửa các nhà máy những năm gần đây, bao gồm ở cả Kentucky và Missouri khiến Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Canada - quốc gia có nguồn tài nguyên thủy điện dồi dào hỗ trợ cho sản xuất kim loại - chiếm gần 80% lượng nhôm nhập khẩu nguyên sinh của Mỹ năm 2024.

Theo Viện sắt và thép Mỹ, lượng thép nhập khẩu chiếm khoảng 23% lượng tiêu thụ thép của Mỹ năm 2023, trong đó Canada, Brazil và Mexico là những nhà cung cấp lớn nhất.

Francois-Philippe Champagne - Bộ trưởng Công nghiệp Canada - cho biết mức thuế quan của Mỹ là "hoàn toàn vô lý", khi thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ bao gồm quốc phòng, đóng tàu, năng lượng và ô tô.

Trong một tuyên bố, ông Francois-Philippe Champagne nói rằng Canada đang tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế khi, xem xét các chi tiết để đưa ra phản ứng rõ ràng.

Năm 2018, ông Trump lần đầu nhắm mục tiêu áp thuế vào thép và nhôm theo luật an ninh quốc gia thời Chiến tranh Lạnh. Sau đó, ông cấp miễn trừ cho một số quốc gia, bao gồm Canada, Mexico và Australia, đạt được các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế cho Brazil, Hàn Quốc và Argentina dựa trên khối lượng trước thuế.

Hình ảnh nhà máy luyện nhôm ở Canada.

Hình ảnh nhà máy luyện nhôm ở Canada.

Người kế nhiệm ông Trump - cựu Tổng thống Joe Biden - sau đó đàm phán hạn ngạch miễn thuế cho Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Với lần áp thuế trở lại của Tổng thống Mỹ, ông Philip Bell - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép - cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh tổng thống vì đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và xóa bỏ các loại trừ, miễn trừ và hạn ngạch dựa trên dữ liệu lỗi thời".

Bell cho biết những con số này dựa trên mức nhập khẩu năm 2015-2017 và không còn phản ánh được động thái hiện tại của thị trường.

Trước khi có tuyên bố này, cổ phiếu của các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ tăng vọt, trong khi cổ phiếu của các nhà sản xuất thép châu Âu và châu Á giảm.

Ủy ban châu Âu cho biết họ không thấy lý do chính đáng nào để áp dụng thuế quan. Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Paris, Pháp vào hôm nay (11/2) trong hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Hàn Quốc , Bộ Công nghiệp đã triệu tập các nhà sản xuất thép để thảo luận về cách giảm thiểu tác động của thuế quan.

Ông Trump hứa cung cấp thông tin chi tiết muộn nhất ngày 12/2 về kế hoạch thuế quan. Ông từ lâu phàn nàn về mức thuế 10% của EU đối với ô tô nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức thuế ô tô của Mỹ là 2,5%. Tuy nhiên, Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với xe bán tải, một nguồn lợi nhuận quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô Detroit như General Motors (GM.N).

Theo dữ liệu của Tổ chức thương mại thế giới, mức thuế quan trung bình theo trọng số thương mại của Mỹ là khoảng 2,2%, so với 12% của Ấn Độ, 6,7% của Brazil, 5,1% của Việt Nam và 2,7% của EU.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang chuẩn bị cắt giảm thuế quan trước cuộc họp với ông Trump vào thứ Tư, động thái có thể thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.

Trước đây, ông Trump gọi Ấn Độ là "kẻ lạm dụng rất lớn" về thương mại. Kevin Hassett - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump - chỉ trích quốc gia này là có mức thuế quan "cực kỳ cao" trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

Chính sách áp thuế lên thép và nhôm thúc đẩy căng thẳng thương mại do trước đó Trump đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada và Mexico.

Ông Trump yêu cầu các chính phủ phải hành động để ngăn chặn dòng chảy ma túy và người di cư qua biên giới Mỹ. Sau một số nhượng bộ về an ninh biên giới, ông Trump đã tạm dừng thuế quan cho đến ngày 1/3.

Trọng Huy

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-the-gioi-chap-choi-vi-viec-ap-thue-khong-ngoai-le-cua-ong-trump-post1716063.tpo