Các giải pháp cốt lõi phát triển, vận hành thị trường carbon Việt Nam

Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, không để thị trường phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước,…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ vận hành thí điểm từ tháng 6 đến năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029.

Đề án đặt mục tiêu phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

XÂY DỰNG TỔNG HẠN NGẠCH PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH CHO GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ HẰNG NĂM

Để hình thành và phát triển thị trường, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, Đề án nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn về hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường; hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch; tổ chức vận hành thị trường; và tăng cường năng lực.

Cụ thể, về hàng hóa trên thị trường, trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đến năm 2030, trong đó phân kỳ thực hiện đến năm 2025.

Cũng trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến năm 2030 và hằng năm.

Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng đã nêu rõ 2.166 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải.

Cùng với đó nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon; Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy định về quản lý tín chỉ carbon (quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP).

Xây dựng kế hoạch và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính giai đoạn đến năm 2030 và hằng năm trên cơ sở tổng hạn mức phát thải khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho giai đoạn đến năm 2030 và hằng năm. Thời gian thực hiện đến năm 2030 và theo kế hoạch phân bổ hạn ngạch cho từng thời kỳ theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2025-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các Bộ ngành xây dựng quy định và tổ chức đánh giá, công nhận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; Xây dựng quy định và tổ chức đánh giá, công nhận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước; tổ chức xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được giao dịch trên sàn giao dịch carbon của thị trường carbon trong nước.

Về chủ thể tham gia thị trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành liên quan cập nhật và điều chỉnh danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thực hiện định kỳ 2 năm/lần.

Trong năm 2025, Đề án yêu cầu Bộ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quy định về các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP).

Đến năm 2028 sẽ phải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon (điều chỉnh điều kiện tổ chức, cá nhân được tham gia giao dịch trên sàn giao dịch).

XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH VỀ SÀN GIAO DỊCH CARBON TRONG NƯỚC

Đối với hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch carbon, trong năm 2025, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch carbon trong nước trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp có nội dung chưa có quy định tại Luật thì báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính cũng là đơn vị rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon.

Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải chủ trì, phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon

Ngoài ra, xây dựng yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý, vận hành thị trường carbon và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch, hệ thống, lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; tạo cơ sở cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng các quy chế, quy trình và bảo đảm các điều kiện về tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng phục vụ cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước.

Trong 6 tháng kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch, hệ thống, lưu ký và thanh toán, Bộ Tài chính chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện lập phương án chi tiết xây dựng sàn giao dịch carbon theo yêu cầu để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét chấp thuận.

Trong 18-24 tháng kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận phương án chi tiết xây dựng sàn giao dịch carbon, Bộ Tài chính chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam triển khai xây dựng Hệ thống giao dịch, Hệ thống lưu ký và thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.

Trong giai đoạn 2028-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định việc kết nối sàn giao dịch carbon trong nước với thị trường tín chỉ carbon khu vực và thế giới, chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế trong giai đoạn vận hành chính thức thị trường. Điều này dựa trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền về kết quả đánh giá tổng kết quá trình triển khai thí điểm thị trường trong nước, đánh giá tác động về kinh tế- xã hội của thị trường và định hướng phát triển chính thức thị trường carbon.

Để tổ chức vận hành thị trường, trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan cần xây dựng quy định về tổ chức vận hành thị trường carbon. Nghiên cứu, rà soát các chương trình, thỏa thuận hợp tác về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, chuyển nhượng kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính song phương, đa phương và quốc tế đã ký kết theo quy định đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, cam kết giảm phát thải theo NDC và lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó xây dựng quy định về mua bán, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Rà soát quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để đề xuất bổ sung hành vi vi phạm, biện pháp xử lý hành chính liên quan đến thị trường carbon.

Trong giai đoạn 2025-2030, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ có liên quan đến thị trường carbon và hoạt động trao đổi/chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon (nếu có) trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ đấu giá hạn ngạch.

Ngoài ra, trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì xây dựng cổng/trang thông tin điện tử về thị trường carbon trong nước; khảo sát đánh giá nhu cầu, sự sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia thị trường carbon trong nước. Đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đã hoàn thành đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2.

Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường carbon là một thị trường mới và rất phức tạp về kỹ thuật, thiết kế. Để điều hành, thúc đẩy thị trường, cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc điều tiết cung - cầu thị trường; có các biện pháp để các bên tạo lập thị trường tham gia đầu tư…

Hằng Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-giai-phap-cot-loi-phat-trien-van-hanh-thi-truong-carbon-viet-nam.htm