'Cả tổ tàu vừa dính F0, năm nay phải đón Tết ở khu cách ly rồi'
Nhân viên đi tàu Tết phải xa gia đình, đối mặt với nhiều nguy cơ lây dịch Covid-19, nhưng vẫn nỗ lực, mong năm mới tàu nhiều, khách đông.
Đón Tết trên tàu là niềm vui, năm nay đành ở nhà lưu trú vậy!
Hôm nay (30/1 - ngày 28 tháng Chạp), chỉ ngày mai thôi, ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, nhà nhà sẽ sum họp, quây quần bên mâm cơm tất niên đầm ấm, người lớn thì thành kính cúng ông bà tổ tiên, trẻ con thì rộn ràng đón giao thừa. Tất cả mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Nhưng vẫn có nhiều nhân viên đi tàu phải đón Tết xa nhà vì đang làm công tác phục vụ hành khách về quê, thăm thân.
“Đón Tết trên tàu cũng là niềm vui trong công việc, được tận hưởng Tết cùng hành khách. Xong một số người không may mắn như vậy. Cả tổ tàu chúng tôi dính F0 phải đón Tết ở khu vực cách ly vì nhiễm dịch Covid-19”, Trưởng tàu khách Đặng Văn Hưng (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Trưởng tàu Hưng cho biết thêm, tổ tàu anh tham gia đợt vận tải Tết Nhâm Dần được 4 chuyến tàu. Trên chuyến trở về từ ga Sài Gòn, có một số nhân viên có biểu hiện nghi nhiễm dịch, được cách ly trên tàu.
Khi tàu về đến ga Hà Nội ngày 28/1, sau khi tác nghiệp tiễn hành khách xong, tất cả nhân viên trên tàu 21 người được đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh. Không ngờ, có đến 11 người dương tính, 2 nhân viên kĩ thuật bên chi nhánh toa xe cũng vậy.
“
Đơn vị đã bố trí được khu cách ly ngay tại nhà lưu trú nên anh em không phải vào khu cách ly tập trung của địa phương. Nhưng do cả đơn vị đang vào chiến dịch vận tải nên không thể chăm lo được nhiều, chỉ cung cấp thuốc men, thực phẩm, anh em tự khắc phục, nấu ăn lấy. Lãnh đạo các cấp, công đoàn cũng quan tâm, động viên kịp thời bằng hiện vật để anh em yên tâm điều trị.
”
May mà tổ tàu đi tàu theo mô hình “bong bóng”, các nhân viên chủ yếu làm việc, sinh hoạt trong tổ, tại nhà lưu trú khu vực ga, hạn chế tiếp xúc người thân, các đồng nghiệp khi xuống ban để đảm bảo an toàn phòng dịch. Vì vậy cũng yên tâm phần nào về việc lây cho người khác.
Anh Hưng cho hay, đáng lẽ sau chuyến tàu từ ga Sài Gòn về, tổ tàu tiếp tục đi chuyến tàu sáng 29/1 (27 Tết) và đón khách từ ga Sài Gòn ra. Chuyến này sẽ đi xuyên Giao thừa, vì phải đến tối ngày 1/2/2022, tức ngày mùng một Tết, tàu mới về đến ga Hà Nội.
“Vẫn là cảnh không đón Giao thừa tại nhà, nhưng lần này anh em buồn hơn. Trước dù có đi tàu đúng Giao thừa cũng chỉ mùng 3, mùng 4 là được về đón Tết muộn với gia đình. Giờ phải ở một chỗ ít nhất 10 ngày, mất hết Tết. Chưa kể, bố mẹ, vợ con lo lắng, gọi điện hỏi thăm liên tục, nên cũng thấy chạnh lòng. Như mẹ tôi gọi điện khóc suốt vì lo...”, Trưởng tàu Hưng nói.
Khi được hỏi, hết bệnh rồi, liệu có “sợ” mà không dám đi tàu không, Trưởng tàu Hưng không do dự: “Vẫn đi chứ. Anh em chỉ buồn vì cảm giác bệnh tật đúng dịp Tết thôi. Chứ ai cũng xác định, nghề phục vụ trên tàu tiếp xúc nhiều nên nguy cơ cao rồi. Quan trọng là phải biết phòng dịch, bảo vệ bản thân, bảo vệ mọi người xung quanh mình thôi”.
Cùng cảnh tổ tàu có nhân viên là F0 trước đây, Trưởng tàu khách Kiều Mạnh Cường chia sẻ trên chuyến tàu từ ga Sài Gòn ra ga Hà Nội, giờ các điều kiện hành khách đi tàu nới lỏng hơn trước, nên nguy cơ nhiễm dịch rất cao. Dẫu vậy, với những nhân viên phục vụ trên tàu như các anh chị, được đi tàu, có việc làm đã là vui rồi.
Còn hơn những tháng giữa năm 2021, tàu khách tạm dừng hàng tháng, nghĩa là các nhân viên đi tàu cũng phải tạm nghỉ việc hàng tháng, không có thu nhập, không được đóng bảo hiểm. Một số anh em ở Hà Nội còn nhúc nhắc làm thêm, những anh em ở quê thì không thể kiếm được việc, đời sống vô cùng khó khăn.
“Sau chuyến này, chúng tôi lại lên tàu SE1 quay lại ga Sài Gòn, đón Giao thừa trên tàu. Dẫu không được đón Tết với gia đình nhưng chúng tôi cũng yên tâm, vì trước Tết đơn vị đã chăm lo Tết cho người lao động đầy đủ. Những tưởng trong năm không có tàu, người lao động không có việc, thì cũng không có tiền Tết.
Không ngờ nhân viên vẫn được trung bình 7-8 triệu, trưởng tàu được trung bình 10-12 triệu tùy theo ngày công thực tế. Chúng tôi ai cũng phấn khởi, tưởng mất Tết rồi mà vẫn có được cái Tết yên vui, an tâm đi tàu, phục vụ hành khách”, Trưởng tàu Cường nói.
Chỉ mong hành khách vẫn nhớ đến đường sắt
Trên chuyến tàu SE9 từ ga Hà Nội trở về ga Sài Gòn, nhân viên toa xe Diệp Minh Tín (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) chia sẻ, anh rất phấn khởi vì đã được đơn vị chi tiền Tết.
Hai năm qua gia đình anh gặp nhiều khó khăn do dịch. Năm 2020, vợ anh sinh con thứ hai trong khi phải vợ chồng anh phải đi thuê nhà, anh thì công việc giảm do tàu ít, nên anh đành đưa vợ và hai con về quê Phú Yên. Mình anh ở lại nhà lưu trú đơn vị, đỡ được khoản thuê nhà, vừa đi tàu vừa đi làm thêm shipper để kiếm tiền chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.
Hồi tháng 7/2021, khi dịch lan rộng các tỉnh miền Nam, anh ở TP.HCM, vợ con ở quê, nhưng cả 4 người đều bị F0, phải cách ly điều trị hơn một tháng. Khỏi bệnh anh cũng không có việc do không có tàu, TP.HCM khi ấy cũng hạn chế shipper, kinh tế vô cùng khó khăn. May mà anh được đơn vị và công đoàn quan tâm, tạo điều kiện.
“Cũng có đôi lúc suy nghĩ ra làm bên ngoài, vì như đi làm shipper trong 4 ngày cũng được hơn 2 triệu đồng. Nhưng tôi vẫn yêu nghề lắm, vẫn muốn gắn bó với con tàu. Vì thế, bản thân xác định phải cố gắng. Mong rằng sang năm mới, ngành Đường sắt bớt khó khăn hơn, nhân viên đi tàu như chúng tôi được yên tâm với nghề”, anh Tín nói.
Trưởng tàu Đinh Quang Sơn phụ trách chuyến tàu SE9 xuất phát ga Hà Nội sáng 28/1 cho biết, khách đi tàu Tết năm nay vắng hơn nhiều so với các tết trước. Chuyến tàu vào lần này có 265 hành khách lên tàu tại ga Hà Nội, chỉ hơn 2/3 phương án chỗ.
Trở lại đi tàu sau hàng tháng không có tàu vì dịch, đến khi vào vận tải Tết thì tàu vẫn vắng khách, nhân viên đi tàu không khỏi buồn lòng, lo lắng cho tương lai nghề nghiệp. Nhưng được phục vụ hành khách đi tàu an toàn lại có những niềm vui riêng.
“Sau chuyến về đến ga Sài Gòn này, tổ tàu sẽ nghỉ đến ra Tết mới đi tiếp. 25 năm công tác trên tàu, đây là năm đầu tiên tôi được “nghỉ”, đón một cái tết trọn vẹn bên gia đình. Những Tết trước, không đi xuyên Giao thừa thì cũng “quay” liên tục, năm thì đón Giao thừa ở Hà Nội, năm thì mùng một, mùng hai đã phải đi tàu. Tôi rất vui.
Nhưng nghĩ đến lý do mình được nghỉ Tết vì khách vắng, tàu ít lại thấy chạnh lòng. Chỉ mong sang năm mới, khi dịch đã được khống chế hơn, hành khách lại đến với đường sắt. Không mong tàu đông như cách đây vài ba năm, chỉ mong được như hồi trước dịch. Để chúng tôi lại được phục vụ hành khách, nhân viên có việc làm, đời sống ổn định hơn...”, Trưởng tàu Sơn bày tỏ.
Cách đây khoảng một tháng, tổ tàu đã phát hiện và trao trả hành khách tài sản bỏ quên trên tàu SE8. Ngoài giấy tờ tùy thân, có 7 triệu đồng tiền mặt, giá trị tuy không lớn nhưng nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc của hành khách khi nhận lại, những lo lắng lại tan biến.