'Cá tôm sẵn bắt' của vùng Đồng Tháp Mười

Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn

Câu ca dao truyền lại là lời khẳng định về sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất Đồng Tháp Mười. Nơi vùng đất mỗi năm 1 lần ngập nước, nguồn lợi thủy sản là điều không thể nào thiếu được.

Khô cá đồng là một đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười (Ảnh: Phong Nhã)

Khô cá đồng là một đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười (Ảnh: Phong Nhã)

1. Từ những ngày đầu khai phá, Đồng Tháp Mười trong ký ức của các vị cao niên là vùng đất “cò bay thẳng cánh”, “lóng lánh cá, tôm”. Địa chí Long An có đoạn viết về huyện Mộc Hóa (bao gồm thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa ngày nay), thuộc Đồng Tháp Mười như sau: “Cho đến thế kỷ thứ XVIII, vùng đất bao la này vẫn chưa có tên gọi. Đó là những cánh đồng năn và bàng, những rừng tràm bạt ngàn, xứ sở của các loại dã thú, chim, cá, rùa, rắn”.

Nói về đặc sản tôm, cá Đồng Tháp Mười, phải nhắc đến cá lóc, loài cá nhiều nhất ở vùng đất này từ trước tới nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Quốc từng viết về ẩm thực Đồng Tháp Mười như sau: “Đầu tiên phải nói đến cá lóc bởi số lượng đáng kể của nó, là loại dùng làm khô, nấu canh chua,... nhất là nướng trui, hương vị càng khó quên khi cuốn với lá sen non, chấm mắm me, làm thấm đượm tinh thần hiếu khách của người dân xứ này”.

Không chỉ có cá lóc, cá linh cũng là một nét đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Cá linh là đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho Đồng Tháp Mười mỗi mùa nước nổi. Từ khoảng tháng 5 Âm lịch, cá linh non bắt đầu theo con nước đổ về.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thị Lan, cá linh non thường xuất hiện vào khoảng sau Tết Đoan Ngọ, đến khoảng tháng 11 Âm lịch thì cá linh lớn hơn, cũng theo con nước chảy về.

Chính vì những đặc trưng nổi bật đó, trong danh mục ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp Mười không thể nào thiếu các món khô và mắm làm từ cá.

Bà Nguyễn Thị Lên (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) kể: “Hồi tôi còn nhỏ, vùng này còn nhiều thiếu thốn nhưng cá là không bao giờ thiếu. Ra đồng, be bờ tát nước một chút là có đầy giỏ cá mang về. Người ta chỉ ăn cá lớn, cá ngon, các loại cá nhỏ hoặc nhiều xương thường không ai ăn. Cá ăn không hết thì phơi làm khô hoặc làm mắm để ăn dần. Hồi đó, ở vùng này, phụ nữ nhà nào cũng biết làm mắm. Tôi cũng làm được nhưng giờ lớn tuổi rồi nên không làm nữa”.

2. Không biết tự bao giờ, các món khô, mắm cá đồng có mặt và gắn liền với đời sống người dân vùng đất “nửa mùa nắng hạn, nửa mùa nước dâng” của tỉnh. Cho đến hôm nay, những keo mắm, miếng khô không chỉ là thức ăn dự trữ trong nhà mà được nâng tầm thành đặc sản của một miền quê. Trong danh mục các sản phẩm OCOP của tỉnh có 2 sản phẩm là khô và 1 sản phẩm mắm từ Đồng Tháp Mười. Các thương hiệu: Khô Cô Nhàn (huyện Tân Thạnh), khô Khương Gái (huyện Tân Hưng) hay mắm Bà Năm Nô (huyện Thạnh Hóa) dần trở nên quen thuộc với người dân trong tỉnh với đa dạng sản phẩm: Khô cá lóc, khô cá trê, mắm cá lóc, mắm cá sặt,...

Bà Nguyễn Thị Hương (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) giới thiệu về các sản phẩm mắm Bà Năm Nô

Bà Nguyễn Thị Hương (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) giới thiệu về các sản phẩm mắm Bà Năm Nô

Nói về sản phẩm OCOP 3 sao mắm cá lóc Bà Năm Nô (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) - bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Tôi học nghề làm mắm từ mẹ chồng. Ngày mới về làm dâu, tôi được mẹ dạy cách làm mắm để ăn trong nhà. Vùng này cá nhiều lắm, mỗi ngày, ông nhà tôi đi giăng lưới đều có cá đồng mang về. Nhiều khi làm nhiều mắm, ăn không hết, tôi mang biếu người thân, hàng xóm. Về sau, được bà con động viên, tôi bắt đầu làm mắm bán, xây dựng thương hiệu dần dần”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Thẳng cho biết: “Sản phẩm mắm cá lóc của Cơ sở Bà Năm Nô được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương từ năm 2022.

Nguyên liệu đầu vào của cơ sở hầu hết là cá đồng, một số là cá nuôi bằng vèo trên sông do người dân địa phương cung cấp nên góp phần vào việc tiêu thụ nguồn lợi thủy sản, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân xung quanh”.

Vào khoảng năm 2018, mỗi năm, gia đình bà Hương có khi bán đến hàng tấn mắm. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, lượng tiêu thụ có phần chậm hơn so với trước do sức mua trên thị trường sụt giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Thẳng, sản phẩm mắm cá lóc Bà Năm Nô có chất lượng tốt, nếu đưa được lên sàn thương mại điện tử có thể góp phần giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lóng lánh cá, tôm

Câu ca dao ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/-ca-tom-s-n-bat-cua-vung-dong-thap-muoi-a179243.html