Cả Việt Nam chỉ còn khoảng 160 máy bay chở khách
Để giảm áp lực về giá vé máy bay, hiện chỉ có thể tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay đêm. Người dân cũng có thể đặt mua vé sớm để lựa chọn những mức giá vé phù hợp.
Trước phản ánh của người dân về tình trạng giá vé máy bay trong nước tăng cao thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận các hãng thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa đối với hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa.
Theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, giá vé máy bay được cấu thành bởi giá dịch vụ vận chuyển hành khách; thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh gồm: giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm do hãng quyết định.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định giá vé, cân đối vận tải trên các đường bay và giữa thị trường nội địa với quốc tế.
Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh thời gian khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu của máy bay khi chuyển tiếp chặng bay nhằm tối ưu hóa khả năng khai thác tàu bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay đêm.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường giám sát kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định, cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có cơ hội lựa chọn mức giá vé phù hợp.
Được biết, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính do yếu tố cung - cầu thị trường khi sụt giảm quy mô đội tàu bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết… và biến động do tăng giá nhiên liệu bay, tăng tỷ giá.
Ngoài ra, việc đội máy bay của các hãng Pacific Airlines và Bamboo Airways đã giảm mạnh do tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney tác động đến việc giảm đội máy bay của các hãng. Hiện tổng số máy bay được tất cả hãng Việt Nam khai thác chỉ còn khoảng 160 chiếc, thiếu hụt 60-70 chiếc so với trước đại dịch.
"Việc giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao vào các dịp lễ, Tết", Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố trong tháng 7, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng cộng hơn 24.700 chuyến bay nhưng tỉ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ chỉ đạt 63,2%. Con số này của tháng 6 là 69,3% và của tháng 5 là 82,2%. Như vậy, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ đã giảm trong 3 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy số chuyến bay chậm, hủy cũng tăng nhiều hơn.
Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT, chuyến bay bị chậm có thời gian khởi hành muộn trên 15 phút so với thời gian trong lịch bay. Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, các hãng phải cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách và bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại.
Riêng với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, nếu hành khách yêu cầu hoàn trả tiền vé, hãng phải hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách…