Các bên liên quan phản ứng với nghị quyết của LHQ về khủng hoảng tại Dải Gaza
Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố nghị quyết của Liên hợp quốc là 'bước đi không đủ' để đáp ứng nhu cầu của người dân tại Gaza và cáo buộc Mỹ đã 'nỗ lực loại bỏ bản chất của nghị quyết.'
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về xung đột Israel-Hamas, Chính quyền Palestine ngày 22/12 đã gọi nghị quyết trên là bước đi đúng hướng giúp chấm dứt hành động quân sự của Israel, đảm bảo việc nhận hàng cứu trợ và bảo vệ người dân Palestine.
Ông Riyad Mansour, quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên hợp quốc, tuyên bố: "Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp sau khi hơn 20.000 dân thường Palestine thiệt mạng, trong đó gần một nửa là trẻ em, ngoài ra 60.000 người đã bị thương và 2 triệu người Palestine bị buộc phải di dời."
Ông kêu gọi chấm dứt sự bao vây của Israel tại Gaza và nhấn mạnh ngăn cản hoạt động nhân đạo như một biện pháp chiến tranh cần phải chấm dứt.
Phong trào Hồi giáo Hamas cùng ngày tuyên bố rằng nghị quyết trên của Liên hợp quốc là “bước đi không đủ” để đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực này. Tuyên bố của Hamas cho rằng Mỹ đã "nỗ lực loại bỏ bản chất của nghị quyết."
Điều đó thách thức ý chí của cộng đồng quốc tế và Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn hành động quân sự của Israel chống lại người dân Palestine không có khả năng tự vệ.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan nêu rõ: “Sự chú trọng của Liên hợp quốc vào những cơ chế viện trợ cho Gaza là không cần thiết và xa rời thực tế. Israel đã cho phép chuyển hàng viện trợ ở quy mô cần thiết. Liên hợp quốc nên tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với những con tin.”
Ông Erlan cũng cảm ơn Mỹ về sự ủng hộ mạnh mẽ của nước này đối với Israel trong các cuộc thảo luận về nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà theo ông đã duy trì quyền đảm bảo an ninh của Israel trong việc thẩm định hàng viện trợ vào Gaza.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2720 do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bảo trợ, với 13 phiếu thuận và hai phiếu trắng của Mỹ và Nga.
Nghị quyết kêu gọi các bên tuân thủ các nghĩa vụ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế; tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, an toàn và không bị cản trở một cách trực tiếp cho dân thường Palestine ở Dải Gaza; trả tự do cho các con tin ngay lập tức và vô điều kiện; “nhanh chóng" thiết lập một cơ chế của Liên hợp quốc để đẩy nhanh các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột; đồng thời đảm bảo rằng hàng viện trợ đến được với người dân ở khu vực này.
Hội đồng Bảo an yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bổ nhiệm một Điều phối viên nhân đạo và tái thiết cấp cao, chịu trách nhiệm "tạo điều kiện, điều phối, giám sát và xác minh" các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza.
Tại cuộc bỏ phiếu trên, dù không ủng hộ nghị quyết song Mỹ đã không dùng quyền phủ quyết.
Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng kể từ khi xung đột bùng phát, Mỹ đã cố gắng góp phần giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo, thúc đẩy hàng cứu trợ vào Gaza, đưa con tin ra khỏi khu vực và thúc đẩy việc bảo vệ thường dân vô tội và các nhân viên nhân đạo, cũng như nỗ lực hướng tới một nền hòa bình lâu dài.
Tuy nhiên, bà Linda Thomas một lần nữa lấy làm tiếc khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an không lên án các vụ tấn công ngày 7/10 của Phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel.
Về phần mình, Đại sứ Nga Vasily Nebenzya cho rằng Mỹ đã "vô hiệu hóa nghị quyết," khiến quân đội Israel hoàn toàn có quyền tự do hành động.
Giải thích về việc Moskva chọn bỏ phiếu trắng, Đại sứ Nebenzya nói: “Nếu tài liệu này không được một số quốc gia Arab ủng hộ, tất nhiên chúng tôi sẽ phủ quyết nó”./.