Các bên nhất trí cần thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân Iran
Các nhà ngoại giao hy vọng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trước khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới.
Ngày 7/5, các bên tham gia đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã nối lại đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo).
Đây là vòng đàm phán thứ 4 được các bên tiến hành kể từ đầu tháng 4 vừa qua nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran và các cường quốc thế giới ký năm 2015.
Các nhà ngoại giao cũng hy vọng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trước khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới.
Theo hãng tin AFP, các bên còn lại trong JCPOA gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga cùng Iran đã tiến hành đàm phán trong khoảng một giờ tại một khách sạn ở thủ đô của Áo.
Kết thúc cuộc đàm phán, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov đã đăng dòng tweet nêu rõ "các bên tham gia đã nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình này." Theo ông, các phái đoàn dường như sẵn sàng lưu lại Vienna chừng nào cần thiết để đạt được mục tiêu trên.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết trong cuộc làm việc, các bên đã nhắc lại cam kết về nỗ lực đạt được thỏa thuận trong tương lai gần và sẽ tiếp tục thảo luận để đạt được điều này. Theo ông, phía Mỹ đã thể hiện sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Iran, nhưng phía Tehran mong muốn nhiều hơn thế.
Trước cuộc đàm phán, một nguồn tin ngoại giao cho rằng mặc dù "không có gì được đảm bảo" tại cuộc thương lượng này, nhưng cuộc đàm phán đang "đi đúng hướng." Nguồn tin bày tỏ hy vọng đây có thể là "vòng đàm phán cuối cùng."
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA - mà Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018 dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna.
Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đã làm hồi sinh hy vọng cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trên khi ông bày tỏ mong muốn tham gia lại JCPOA.
Một quan chức Mỹ cho rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận này trong những tuần tới, trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran, dự kiến diễn ra vào ngày 18/6 tới. Trong khi các bên còn lại tham gia thảo luận trực tiếp ở Vienna, phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp và các nhà ngoại giao EU đóng vai trò trung gian.
Các cuộc đàm phán này nhằm tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với Iran và Tehran cũng phải tuân thủ lại các điều khoản trong JCPOA về hoạt động hạt nhân.
Bên cạnh cuộc bầu cử tổng thống, một áp lực về thời gian khác đang đè nặng lên các cuộc đàm phán này - đó là việc một thỏa thuận giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kéo dài 3 tháng sắp hết hạn.
Thỏa thuận này được công bố hồi tháng 2 vừa qua, cho phép IAEA duy trì mức giám sát đối với các cơ sở hạt nhân của Iran cho dù Tehran đình chỉ một số hoạt động thanh sát của cơ quan này.
Cũng theo thỏa thuận trên, Iran cam kết sẽ báo cáo một số hoạt động và chuyển cho IAEA khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Ngày 6/5, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng đã gặp trưởng đoàn đàm phán của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi tại Vienna.
Trả lời phỏng vấn tuần trước với kênh truyền hình Bloomberg, ông Grossi cho biết nếu không đạt được thỏa thuận, Iran có thể hủy các dữ liệu của máy quay.
Theo quan chức IAEA, nếu thỏa thuận hồi tháng 2 hết hạn và các cuộc đàm phán ngoại giao vẫn bế tắc, ông sẽ trở lại Tehran để dàn xếp một thỏa thuận khác./.