Các bệnh viện chủ động phòng, chống dịch nCoV

Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Thế nhưng, trong những ngày Tết vừa qua, các bệnh viện không chỉ lo đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân mà còn phải 'căng mình' chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút mới corona (nCoV).

Quyết tâm không để dịch nCoV lây lan ra cộng đồng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng. Hiện tất cả các cửa khẩu đã thực hiện giám sát tất cả hành khách đến từ vùng có dịch bằng máy đo thân nhiệt từ xa, thực hiện phát tờ rơi truyền thông, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng phòng cách ly, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị các trang thiết bị, thuốc, hóa chất khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra khu cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra khu cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, Bộ Y tế đã cập nhật, ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, kế hoạch phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến cho cán bộ y tế các tuyến, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành.

Theo báo cáo của Bộ Y tế dẫn nguồn từ Hệ thống Giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) - Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế ở Việt Nam, đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận 2.797 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong số này, đã có 80 trường hợp tử vong (đều tại thành phố Vũ Hán, tình Hồ Bắc, Trung Quốc và có 1 trường hợp là cán bộ y tế). Riêng tại Trung Quốc, đã ghi nhận 2.747 trường hợp tại 30 tỉnh, thành phố. Trung Quốc đã khởi động cơ chế ứng phó cấp 1 đối với dịch bệnh. Tại các nước khác, đã ghi nhận 50 trường hợp bệnh xâm nhập tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng ổn định).

Các bệnh viện chủ động phòng, chống dịch bệnh nCoV

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để chủ động đối phó với dịch bệnh nCoV xâm nhập, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác về tiếp nhận và điều trị bệnh viêm phổi cấp.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo nội dung của ghi nhớ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân khi có bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm virus corona từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển sang với nguyên tắc luôn đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết, vì sự an toàn và hài lòng của người bệnh, mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho người bệnh... Bên cạnh đó, cử cán bộ có đủ năng lực chuyên môn để thực hiện chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm virus corona. Bên cạnh đó, bệnh viện tổ chức công tác thường trực 4 cấp 24/24, huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên của bệnh viện sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi được điều động.

Bệnh viện Bạch Mai tiến hành sàng lọc bệnh nhân kỹ lưỡng ngay từ khi tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu A9. Ảnh: nhandan.com.vn

Bệnh viện Bạch Mai tiến hành sàng lọc bệnh nhân kỹ lưỡng ngay từ khi tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu A9. Ảnh: nhandan.com.vn

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, bệnh viện đã chủ động sẵn sàng các phương án phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - hai đơn vị đầu mối để triển khai quy trình sàng lọc, cách ly, xác định chẩn đoán và điều trị cho người bệnh (nếu có) theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona. Theo đó, bệnh viện quán triệt tuân thủ việc tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp. Đồng thời chuẩn bị sẵn khu cách ly và cơ số giường trong khu vực cách ly, bố trí một phân luồng bệnh nhân một chiều... đồng thời phân công cán bộ trực dịch để chủ động bám sát tình hình dịch và báo cáo kịp thời lãnh đạo bệnh viện về những diễn biến bất thường.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, các bảng biểu, băng rôn khuyến cáo về dịch bệnh nCoV bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) được đặt tại các khu vực hành khách dễ nhận thấy nhất. Tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 115-120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh. Riêng các chuyến bay từ Trung Quốc dao động từ 10-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến.

Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng, chống dịch bệnh. Do đó, ngay kể cả những ngày nghỉ Tết, trung tâm vẫn phải tăng cường nhân lực phòng, chống dịch bệnh, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24h. Tại đây, mỗi ca trực kéo dài 10 tiếng, có 8 nhân viên, bắt đầu từ 5-15h; ca tiếp theo từ 15h cho đến khi hết chuyến bay. “Ngày Tết, ai cũng muốn được quây quần, đoàn tụ bên gia đình, nhưng đây lại là thời điểm chúng tôi bận nhất. Nếu không căng người ra trực kiểm dịch, nếu chủ quan, lơ là, các ca bệnh xâm nhập không kiểm soát được thì hậu quả sẽ khôn lường”, bác sĩ Nguyễn Hải Nam cho biết.

Theo ông Đào Hữu Thân, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, toàn thành phố có 65 đội chống dịch cơ động, trong đó tuyến thành phố có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.

Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay, những ngày đầu năm mới 2020, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca viêm đường hô hấp cấp do vi rút mới corona cũng như không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh được triển khai nghiêm túc, bảo đảm theo quy định…“Trong những ngày nghỉ Tết tiếp theo, tất cả bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trực, không để rơi vào tình thế bị động trước mọi tình huống phát sinh, bảo đảm cho nhân dân đón Tết an vui", ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

THÁI SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/cac-benh-vien-chu-dong-phong-chong-dich-ncov-608684