Hành khách gây phẫn nộ vì nhốt trẻ đang khóc vào nhà vệ sinh máy bay
Hai hành khách trên chuyến bay nội địa Trung Quốc cho biết họ chỉ muốn giúp ông bà của đứa trẻ 'đặt ra một số quy tắc'.
Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 24-25/8, sau khi một trong những người phụ nữ, Gou Tingting, đăng đoạn video ghi lại cảnh cô và một hành khách khác đang trừng phạt đứa trẻ bên trong nhà vệ sinh đã khóa.
"Nếu cháu còn gây tiếng động nữa, bọn cô sẽ để cháu ở đây một mình", một trong những người phụ nữ nói với bé gái đang khóc trong đoạn clip.
Trong bài đăng của mình, Gou đã giải thích rằng cô hành động như vậy để bảo vệ những hành khách khác khỏi một đứa trẻ hư. Nhưng video nhanh chóng gây ra một làn sóng lên án, với những người dùng cáo buộc cô là vô tâm, và thậm chí cố gắng báo cáo cảnh sát.
"Trẻ gấu" ở Trung Quốc
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay từ thành phố Quý Dương, Tây Nam Trung Quốc đến Thượng Hải vào ngày 24/8. Theo Gou, đứa trẻ bay cùng bà ngoại và bà đã không thể dỗ được cháu gái.
"Nhiều hành khách đã dùng khăn giấy để bịt tai", cô viết trong bài đăng trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc. "Một số người đã di chuyển ra phía sau máy bay để tránh tiếng ồn".
Càng lúc càng bực bội, Gou và một hành khách khác ở gần đó quyết định tự mình giải quyết vấn đề. Với sự cho phép của bà, họ đưa đứa trẻ vào nhà vệ sinh và dọa sẽ không cho cô bé ra ngoài cho đến khi đứa trẻ này ngừng quấy khóc.
Vấn đề về cách xử lý trẻ em hư ở nơi công cộng đã trở nên ngày càng gây tranh cãi tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều lời phàn nàn về việc cha mẹ cho phép những đứa trẻ hư hỏng - hay còn gọi là "bear children" (tạm dịch: trẻ gấu) - chạy lung tung, với các đoạn clip trẻ em la hét, chạy nhảy và đá vào ghế thường xuyên lan truyền trên mạng xã hội.
Điều đó đã dẫn đến sự gia tăng các bài đăng từ người dùng cho rằng họ nên được phép can thiệp và kỷ luật những đứa trẻ hư của người khác. Một số thậm chí đã đăng "hướng dẫn" - đôi khi rất có vấn đề - thuần hóa một đứa trẻ gấu. Các gợi ý bao gồm giả vờ không ổn định về mặt tinh thần để dọa đứa trẻ im lặng hoặc đe dọa sẽ báo cáo đứa trẻ với trường học.
Với việc đăng clip của mình, Gou có thể đang tìm cách khai thác thể loại này. Khi bị chỉ trích, cô đã đáp trả. "Tôi thích hành động hơn là đứng ngoài cuộc. Tôi chỉ muốn trấn an đứa trẻ và để mọi người nghỉ ngơi", cô trả lời bình luận.
Nhưng phản ứng dữ dội đối với bài đăng của Gou nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Các hashtag liên quan đã đạt hàng trăm triệu lượt xem trên mạng xã hội khi người dùng đổ xô vào cáo buộc Gou là thiếu sự đồng cảm.
Một số người dùng thậm chí còn báo cáo Gou với cảnh sát vì cho rằng hành vi của cô có khả năng là lạm dụng, sau đó đăng ảnh chụp màn hình các báo cáo của cảnh sát trong phần bình luận dưới bài đăng gốc của Gou. Cuối cùng, Gou đã xóa bài đăng khỏi trang cá nhân của mình.
Tiếng khóc của trẻ em nơi công cộng
Cục An ninh Sân bay Quý Châu đã từ chối buộc tội Gou hoặc người phụ nữ khác có liên quan đến bất kỳ hành vi phạm tội nào, nói với truyền thông địa phương rằng ông bà của đứa trẻ đã đồng ý cho hai người phụ nữ giúp chăm sóc đứa trẻ.
Juneyao Airlines, hãng hàng không khai thác chuyến bay xảy ra sự cố, xác nhận rằng bà của đứa trẻ đã đi cùng đứa trẻ và hai người phụ nữ đến nhà vệ sinh, đợi bên ngoài trong khi những người phụ nữ nói chuyện với cô bé bên trong nhà vệ sinh. Bố mẹ của cô bé cho biết họ hiểu hành động của những người phụ nữ.
Wang Xin, mẹ có con 3 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, chia sẻ với Sixth Tone rằng cô cảm thấy vụ việc phản ánh sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng đối với trẻ nhỏ trong công chúng. "Ngày nay, mọi người không còn dễ chịu với tiếng khóc của trẻ con nữa. Để tránh vấn đề này, tôi luôn cố gắng lái xe thay vì đi phương tiện công cộng khi con tôi còn nhỏ", cô nói.
Nhưng Jiang Anyi, 26 tuổi đến từ Thượng Hải, cho biết hành động của hai người phụ nữ này là chính đáng vì ông bà của đứa trẻ đã đồng ý.
Cuộc tranh luận về cách ứng xử với trẻ em ở nơi công cộng có vẻ sẽ tiếp tục ở Trung Quốc. Một số tàu cao tốc đã bắt đầu vận hành các "khoang chăm sóc trẻ em" đặc biệt để giảm xung đột giữa các hành khách, nhưng những khoang này vẫn còn khá ít.
Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, những lời phàn nàn về trẻ em ngỗ ngược và cha mẹ không thể tự quản lý con mình ở nơi công cộng cũng gia tăng trong vài năm qua. Một số nhà hàng, quán cà phê đã treo biển "no kids zone" (khu vực không dành cho trẻ em). Nhiều đám cưới cũng hạn chế khách mời đưa theo con nhỏ.