Các biện pháp phòng bệnh thời điểm giao mùa

LTS: Hiện nay đang là thời điểm giao mùa từ hè sang thu, cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây các bệnh hô hấp hoạt động mạnh. Đối tượng mắc bệnh nhiều là người cao tuổi và trẻ em. Để thông tin đến bạn đọc những kiến thức liên quan đến việc phòng tránh nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi bác sĩ Nguyễn Thị San, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

PV: Xin bác sĩ cho biết các bệnh thường gặp trong điều kiện thời tiết giao mùa hiện nay?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Thời tiết giao mùa, khí hậu lạnh nhiều về tối và sáng sớm, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý về đường hô hấp, như viêm mũi, họng, viêm phổi, cúm A, B, sởi- rubella,... Đối tượng chủ yếu là người già và trẻ em, nhất là ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu, khả năng đề kháng suy giảm, vi rút gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Hơn nữa, một số trường hợp bệnh cúm chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn, do người bệnh chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn.

PV: Ngành Y tế tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế dịch bệnh trong điều kiện thời tiết giao mùa, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm... Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào các bệnh theo mùa và tình hình dịch tễ tại địa phương, để nhân dân biết và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Về công tác điều trị, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh khi có số ca mắc bệnh tăng đột biến; xây dựng phương án dự phòng cách ly điều trị các ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với hệ dự phòng, tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng và dịch vụ phòng một số bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông người. Tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ em trong độ tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, góp phần hạn chế phát sinh các ca mắc bệnh lao, bạch hầu, ho gà, sởi... Dự trù đầy đủ vật tư hóa chất, đáp ứng tốt khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ động công tác giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và phát hiện sớm các ổ dịch để kịp thời khống chế, không để dịch lan rộng, kéo dài...

Cán bộ Trạm Y tế phường Tô Hiệu, Thành phố, tuyên truyền nhân dân chăm sóc sức khỏe thời điểm giao mùa.Ảnh: Huyền Trăng

Cán bộ Trạm Y tế phường Tô Hiệu, Thành phố, tuyên truyền nhân dân chăm sóc sức khỏe thời điểm giao mùa.Ảnh: Huyền Trăng

PV: Thưa bác sĩ, cần thực hiện những biện pháp gì để phòng tránh dịch bệnh trong điều kiện thời tiết giao mùa? Nhất là đối với trẻ em?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Trước hết, cần tiêm vắc xin phòng bệnh đối với một số bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, như viêm phổi phế cầu, cúm mùa, sởi- rubella, quai bị... được triển khai tại các điểm tiêm chủng của trung tâm y tế các huyện, Thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn... Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống khác, như: Vệ sinh cá nhân, nhất là mũi, họng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh nhà ở; ăn thức ăn nóng, ấm. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao; khi ra ngoài trời vào buổi sáng hoặc buổi tối mặc thêm áo ấm, đeo khẩu trang. Hạn chế tiếp xúc đối với người đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, mọi người cần chú ý giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân để phòng tránh các bệnh đường hô hấp. Đối với trẻ em, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Lúc trưa nóng, không nên cho trẻ mặc quần áo quá dày, vì mồ hôi toát ra thấm ngược vào cơ thể sẽ gây bệnh. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người, nơi có khói thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn đủ chất, nên cho trẻ ăn thêm hoa quả tươi để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng. Đồng thời, cho trẻ uống đủ nước, tạo thói quen vệ sinh cá nhân rửa sạch chân tay, nên ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc vào các đồ vật có nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất là cho trẻ tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch tại các điểm tiêm chủng.

PV:Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Hồng Luận (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/cac-bien-phap-phong-benh-thoi-diem-giao-mua-1MtuCqWSg.html