Các biến thể của SARS-CoV-2 không làm ảnh hưởng đến việc phát hiện bệnh

Từ tháng 1/2020 đến 3/2021, Việt Nam ghi nhận 10 dòng SARS-CoV-2. Hiện tại có 3 dòng virus đang lưu hành phổ biến trong đợt dịch thứ 4 ở miền Bắc. Các biến thể này không làm ảnh hưởng tới việc phát hiện bệnh hiện nay.

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ Y tế tổ chức ngày 14/5. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ Y tế tổ chức ngày 14/5. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Thông tin trên được GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 14/5.

Bà Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, tính từ tháng 1/2020 đến 3/2021, trên 225 mẫu phân tích, Việt Nam đã ghi nhận 10 dòng SARS-CoV-2. Tính từ ngày 26/4 đến nay, có 3 dòng virus đang lưu hành phổ biến trong đợt dịch thứ 4 ở miền Bắc.

Dòng thứ nhất là biến thể B.1.617 của Ấn Độ, ghi nhận ở Yên Bái có 4 mẫu của người nhập cảnh tại khu cách ly; Vĩnh Phúc có mẫu liên quan đến chuyên gia Trung Quốc; Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định có mẫu liên quan BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Hải Dương có mẫu liên quan đến chuyên gia Trung Quốc; Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh có mẫu cũng liên quan đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Dòng thứ 2 là biến thể B.1.1.7 của Anh, phát hiện ở Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương. Tất cả các mẫu được phân tích đều có liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về, tại Hà Nam (BN2899).

Dòng thứ 3 phát hiện ở Nam Định, là biến thể B.1.1.316, chỉ ghi nhận ở người nhập cảnh.

“Các biến thể này không làm ảnh hưởng tới việc chẩn đoán, phát hiện bệnh COVID-19 hiện nay ở nước ta. Chúng tôi vẫn phát hiện được bệnh với độ nhạy và độ chính xác rất cao”, GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai nhấn mạnh.

Riêng với biến thể mới của Ấn Độ là B.1.617, theo nghiên cứu mới nhất của thế giới, có một đột biến quan trọng có thể kháng với kháng thể dùng để điều trị bệnh COVID-19, vì vậy, chủng này có khả năng tăng lây nhiễm cao.

Chuyên gia về dịch tễ này cũng chia sẻ, biến thể mới của Ấn Độ, cũng như các biến thể đang lưu hành phổ biến ở miền Bắc của nước ta tương tự với các biến thể đang lưu hành trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam đã ghi nhận một biến thể mới, nhưng không phổ biến, vì theo phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, biến thể này mới chỉ phát hiện trên chồn ở Đan Mạch vào năm 2020. Viện đang tiếp tục nghiên cứu biến thể này.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/cac-bien-the-cua-sarscov2-khong-lam-anh-huong-den-viec-phat-hien-benh/431205.vgp