Các biến thể phụ của Delta tấn công Anh và Ấn Độ khác nhau thế nào?
Trong khi Anh ngày càng lo ngại về nguy cơ tái bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng do một biến thể phụ của chủng Delta, tình hình tại Ấn Độ có vẻ lắng dịu hơn.
Ấn Độ đang phải vật lộn ứng phó với các đột biến của biến thể Delta, gọi chung là Delta Plus. Song, chúng hiện chưa cho thấy khả năng lây lan hay gây hại ác liệt hơn chủng bố mẹ, vốn từng đẩy hệ thống y tế của đất nước với 1,3 tỷ dân trên bờ vực sụp đổ hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm ứng phó của Ấn Độ đối với các biến thể phụ của Delta có thể không giúp ích cho Anh. Lí do vì, các đột biến Delta ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới chủ yếu là hai biến thể phụ AY.1 và AY.2. Nước này cũng ghi nhận một số trường hợp mắc biến thể phụ AY.4, nhưng loại biến thể phụ đang gây lo ngại ở Anh là AY.4.2, sản phẩm kết hợp giữa AY.4 với phiên bản tăng đột biến S: Y145H.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Tiến sĩ Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Nghiên cứu gen và sinh học tích hợp CSIR ở New Delhi nói, kết quả giải trình tự gen đã chỉ ra rằng các biến thể Delta Plus không có điểm đặc biệt nào. Chúng có khả năng lây lan rộng và gây nguy hiểm tương đương chủng gốc Delta.
Biển thể Delta Plus đầu tiên của Ấn Độ được nhận diện trong các ca mắc ở bang Maharashtra, nơi tọa lạc của thủ phủ tài chính Mumbai. Vào thời điểm đó, nước này mới chỉ bắt đầu thoát khỏi nỗi kinh hoàng của làn sóng lây nhiễm thứ 2 do biến thể Delta gây ra. Ý kiến nhận định về sự bùng phát của một đột biến nguy hiểm hơn - dễ lây lan hơn và có khả năng né tránh vắc xin ngừa Covid-19 - khiến ai cũng rùng mình sợ hãi.
Tuy nhiên, viễn cảnh đáng sợ đã không xảy ra.
Ban đầu, biến thể phụ Delta được các quan chức y tế Ấn Độ phân loại là "biến thể cần quan tâm", viện dẫn một số nghiên cứu phát hiện, mầm bệnh này có thể lan truyền, bám dính dễ dàng hơn vào các tế bào phổi và có khả năng đề kháng liệu pháp kháng thể đơn dòng. Song, về sau, công chúng không nghe thêm cảnh báo nào khác về virus. Có lẽ, phát biểu chính thức cuối cùng về biến thể phụ này là vào ngày 2/9, khi Balram Bhargava, Tổng giám đốc Hội đồng nghiên cứu y học Ấn Độ trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình đại dịch.
Theo ông Bhargava, nhà chức trách đã phát hiện 300 ca mắc Delta Plus kể từ ngày 11/6 và các vắc xin vẫn tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể này. Ngay cả Kerala và Maharashtra, hai bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng không chứng kiến bất kỳ sự gia tăng khó khăn nào do Delta Plus gây ra.
Trong khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia tiếp tục, các ca nhiễm mới, khoảng 14.000 ca/ngày ở Ấn Độ đạt mức thấp nhất trong 7 tháng. Con số này thấp hơn đáng kể so với ở Anh, quốc gia có dân số thấp hơn nhiều nhưng ghi nhận gần 50.000 ca mắc mới hôm 20/10, mức lây nhiễm trong ngày thuộc dạng cao kỷ lục trên thế giới.
Khoảng 75% dân số Ấn Độ đã được tiêm một liều vắc xin và khoảng 30% được tiêm đủ hai liều. Các chuyên gia từng lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể ập đến nước này vào tháng 10 hoặc tháng 11, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào về một đợt bùng phát mới, dù nhà chức trách đã cho mở cửa các bang và mọi người di chuyển tự do hơn nhiều.
Cảnh báo đáng lo ngại ở Anh
Trái ngược với Ấn Độ, Anh đang đối mặt với việc tăng vọt số ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm ở xứ sở sương mù leo thang bất chấp mức độ bao phủ vắc xin cao, khiến Scott Gottlieb, quan chức thuộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) bày tỏ lo ngại và đề xuất có nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu xem liệu Delta Plus có khả năng lây truyền rộng hơn hay kháng vắc xin hay không.
Chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson cho hay, hiện còn sớm để tuyên bố chắc chắn về việc biến thể phụ AY.4.2 là thủ phạm đứng sau đợt tăng đột biến các ca mắc mới tại Anh lần này. Một bài viết đăng tải trên chuyên trang sức khỏe Mỹ Health.com ngày 18/10 cũng dẫn lời một số chuyên gia có cùng quan điểm này.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Amesh A. Adalja, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins đánh giá, hiện chưa có dấu hiệu đáng kể cho thấy các biến thể phụ đã làm thay đổi hành vi của virus hay chưa. Theo ông Adalja, hiện cũng chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về việc các biến thể phụ nguy hiểm hơn chủng gốc Delta.
Thay vào đó, nhiều chuyên gia tin, dịch diễn biến phức tạp với số ca mắc mới và tử vong đều tăng ở Anh thời gian gần đây, là do nhà chức trách nước này đã dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 từ 19/7. Tiến sĩ Adalja và một số đồng nghiệp cùng quan điểm nhận định, tình hình có thể được cải thiện bằng cách thúc đẩy tiêm mũi vắc xin tăng cường, khuyến khích đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ở nơi công cộng đông người.