Các Big Tech trước sóng gió pháp lý
Nền tảng tìm kiếm trực tuyến Google vừa phải hứng chịu một thất bại pháp lý quan trọng tại Mỹ, liên quan tới vụ kiện chống độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Biểu tượng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Ảnh: AF
Theo tạp chí The Conversation (Australia), vụ kiện của Google gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy của các biện pháp kiểm soát quyền lực thị trường đối với những "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ (Big Tech).
Thất bại này nối tiếp vụ kiện chống độc quyền mà Google đã thua vào năm ngoái. Trong khi đó, Meta, "gã khổng lồ" truyền thông xã hội - công ty mẹ của nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp, cũng đang đối mặt với một trận chiến pháp lý mang tính bước ngoặt tại Mỹ. Vụ kiện này có thể làm thay đổi không chỉ cách thức Meta hoạt động, mà còn ảnh hưởng đến cách hàng triệu người trên thế giới kết nối trực tuyến.
Các phiên điều trần trong vụ kiện Meta đã được khởi động vào đầu tuần qua tại một tòa án ở Washington DC, sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg không đạt được thỏa thuận dàn xếp với số tiền lên đến 450 triệu USD. Vụ kiện, do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi xướng, cáo buộc Meta vi phạm luật chống độc quyền và duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trên thị trường truyền thông xã hội.
Cùng với Google và Meta, Amazon và Apple cũng đang phải đối mặt với các thách thức chống độc quyền đáng kể tại Mỹ. Những hành động pháp lý này vẫn tiếp diễn bất chấp những thay đổi lớn tại FTC và Bộ Tư pháp Mỹ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nhìn chung, các vụ kiện này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ nhằm kiểm soát quyền lực thị trường của các "gã khổng lồ" công nghệ. Vậy các vụ kiện này xoay quanh vấn đề gì? Các bước tiếp theo là gì? Và chúng sẽ tác động ra sao đến người tiêu dùng?
Các vụ kiện chống lại Google
Vụ kiện mà Google vừa thua liên quan đến thị trường quảng cáo trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để độc quyền thị trường công nghệ quảng cáo số phức tạp. Thị trường này bao gồm các nền tảng và công nghệ trung gian, kết nối nhà quảng cáo (những người muốn mua quảng cáo trực tuyến) với nhà xuất bản (có không gian quảng cáo để bán).
Thẩm phán Leonie Brinkema tại Tòa án Quận Đông Virginia đã đồng ý với kết luận rằng Google độc quyền các công cụ lưu trữ không gian quảng cáo được các nhà xuất bản trực tuyến sử dụng và phần mềm hỗ trợ giao dịch giữa nhà xuất bản và nhà quảng cáo. Trong phán quyết, thẩm phán Brinkema khẳng định Google đã “cố ý thực hiện hàng loạt hành vi chống cạnh tranh”, dẫn đến quyền lực độc quyền trong thị trường máy chủ quảng cáo hiển thị trên web mở dành cho nhà xuất bản.
Google tuyên bố sẽ kháng cáo. Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến yêu cầu tòa án buộc Google thoái vốn một phần mảng kinh doanh công nghệ quảng cáo khi giai đoạn khắc phục hậu quả bắt đầu vào cuối tháng 4/2025.
Vụ kiện thứ hai liên quan đến vấn đề tìm kiếm trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng Google sử dụng các thỏa thuận loại trừ, như trả hàng tỷ USD mỗi năm cho Apple để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại thông minh iPhone, nhằm triệt tiêu đối thủ. Tháng 8/2024, một thẩm phán liên bang Mỹ phán quyết Google đã hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế độc quyền tìm kiếm.
Vụ kiện hiện chuyển sang giai đoạn khắc phục hậu quả, với phiên tòa quan trọng dự kiến diễn ra trong vài ngày tới. Tòa án sẽ xem xét các biện pháp khắc phục, có thể bao gồm hạn chế hệ điều hành Android hoặc thậm chí buộc Google bán trình duyệt Chrome. Google cũng tuyên bố kháng cáo phán quyết này.
Vụ kiện chống lại Meta
FTC cáo buộc Meta duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trên thị trường dịch vụ mạng xã hội cá nhân. Trọng tâm lập luận là chiến lược “mua hoặc phá hủy” của Meta để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, Meta bị cáo buộc mua lại Instagram (2012) và WhatsApp (2014) để vô hiệu hóa các nền tảng này trước khi chúng thách thức sự thống trị của Facebook.
FTC dẫn chứng các trao đổi nội bộ, như phát ngôn của CEO Zuckerberg: “Mua sẽ tốt hơn cạnh tranh”, và một bản ghi nhớ nội bộ cho thấy ông Zuckerberg từng cân nhắc tách rời Instagram vào năm 2018 vì lo ngại giám sát chống độc quyền. FTC cho rằng hành vi của Meta kìm hãm đổi mới, hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng, và yêu cầu tòa án buộc Meta thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp.
Meta kiên quyết bảo vệ mình, lập luận rằng họ không độc quyền và phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng mạng xã hội khác, như TikTok, YouTube, X (trước đây là Twitter). Công ty khẳng định việc mua Instagram và WhatsApp mang lại lợi ích cho người dùng nhờ đầu tư hàng tỷ USD để cải thiện ứng dụng. Meta cũng nhấn mạnh FTC từng phê duyệt cả hai thương vụ này hơn một thập kỷ trước. Phiên tòa dự kiến kéo dài 8 tuần.
Các vụ kiện chống lại Apple và Amazon
Tháng 3/2024, Bộ Tư pháp Mỹ cùng một số chính quyền tiểu bang đã kiện Apple, cáo buộc hãng duy trì thế độc quyền bất hợp pháp trên thị trường điện thoại thông minh. Vụ kiện cho rằng Apple sử dụng quyền kiểm soát hệ sinh thái iPhone để kìm hãm cạnh tranh, như làm giảm chất lượng tin nhắn giữa iPhone và Android, hạn chế chức năng ví kỹ thuật số và đồng hồ thông minh của bên thứ ba. Apple đã yêu cầu bác bỏ vụ kiện vào tháng 8/2024, nhưng vụ việc vẫn ở giai đoạn đầu và có thể kéo dài vài năm.
Trước đó, vào tháng 9/2023, FTC và nhiều chính quyền tiểu bang cũng đã kiện nền tảng thương mại trực tuyến Amazon, cáo buộc hãng duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trên thị trường “siêu thị trực tuyến” (nơi người tiêu dùng mua sắm) và “dịch vụ thị trường trực tuyến” (dành cho người bán bên thứ ba).
FTC cho rằng Amazon sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh, như trừng phạt người bán nếu chào giá thấp hơn ở nơi khác, ép buộc sử dụng dịch vụ của mình, làm giảm chất lượng tìm kiếm bằng quảng cáo, và thu phí cao từ người bán.
Cuối năm 2024, thẩm phán chịu trách nhiệm chính trong vụ kiện đã bác bỏ phần lớn các lý lẽ mà Amazon đưa ra để yêu cầu tòa án bác bỏ những cáo buộc quan trọng nhất từ phía liên bang, cho phép vụ kiện tiếp tục.
Những thay đổi mang tính cấu trúc
Các vụ kiện này đánh dấu nỗ lực thực thi luật chống độc quyền mạnh mẽ nhất chống lại Big Tech tại Mỹ trong nhiều thập kỷ, báo hiệu sự xem xét lại cách luật cạnh tranh áp dụng cho các nền tảng kỹ thuật số. Kết quả có thể dẫn đến những thay đổi cấu trúc lớn, như buộc Meta chia tách hoặc áp đặt các hạn chế hành vi nghiêm ngặt lên các "gã khổng lồ" công nghệ.
Dù kết quả ra sao, các phán quyết sẽ tạo tiền lệ pháp lý quan trọng, định hình bối cảnh cạnh tranh công nghệ tương lai, ảnh hưởng đến quy định toàn cầu, đổi mới và đầu tư trong kinh tế số.
Tuy nhiên, các vụ kiện cũng cho thấy sự phụ thuộc của cơ quan quản lý Mỹ vào chính sách của Nhà Trắng. Kết quả của các vụ kiện sẽ là “phép thử” cho mối quan hệ giữa ông Trump và các Big Tech, vốn đã công khai ủng hộ ông ngay từ giai đoạn tranh cử cho nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-big-tech-truoc-song-gio-phap-ly/370886.html