Các 'binh chủng' luôn sẵn sàng chiến đấu
'Chống dịch như chống giặc', tại tỉnh Lào Cai, mỗi ngành, đơn vị, địa phương là một 'binh chủng' sẵn sàng chiến đấu, chủ động tiến công đẩy lùi dịch Covid -19.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống Covid-19
>> Bài 1: Hạt nhân tích cực của cơ sở
Những ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi có mặt tại Sa Pa khi thị xã vừa trải qua ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Tại thời điểm đó, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lúc nào cũng dồn dập, khẩn trương, căng thẳng cao độ và được ví như cuộc diễn tập trên thực địa với quy mô lớn. Đỉnh điểm của sự kiện là ngày 5/5/2021, bệnh nhân Đ.T.M.H. (mã BN 2998) được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, người trước đó đã du lịch tại Sa Pa. Rồi sự kiện liên quan đến ca nhiễm là chuyên gia người Trung Quốc đi qua địa bàn hoặc đối tượng F1, F2 về địa phương từ một đám cưới ở Yên Bái có trường hợp F0 tham dự; một số công dân liên quan dịch tễ với ca nhiễm tại tỉnh Hà Nam… Thị xã Sa Pa đã phải điều tra, truy vết, quản lý, cách ly tập trung và cách ly tại nhà 1.751 công dân, lớn hơn con số của cả năm 2020. Kinh nghiệm của Sa Pa trong việc giữ được danh hiệu “điểm đến an toàn” giữa mùa bệnh dịch là sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho rằng, thành công lớn nhất trong chỉ đạo, điều hành của thị xã là đã kịp thời kích hoạt các kịch bản, có sự vào cuộc của các tổ tự quản, tổ phản ứng nhanh tại cơ sở.
Chúng tôi tới phường Sa Pa, nơi mà trong tháng 5/2021, cả hệ thống chính trị đã phải gồng mình, ngày đêm chống dịch với các hoạt động như nắm tình hình, điều tra, truy vết, quản lý công dân, phun khử khuẩn, tuyên truyền… Ông Đỗ Trọng Nguyên, Chủ tịch UBND phường Sa Pa thông tin, ngoài các trường hợp phải cách ly tập trung tại khách sạn Pao’s, tòa nhà Sun Home, Bệnh viện Đa khoa thị xã, Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa và Trung đoàn 254 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), UBND phường còn phải cách ly y tế tại nhà 325 trường hợp F2 do tiếp xúc gần với bệnh nhân H., 50 trường hợp F3 cách ly tự theo dõi tại nhà. Công tác quản lý cũng được tăng cường ở mức cao nhất khi thị xã quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách lưu trú, tham quan, đón khách tại các điểm du lịch, di tích, danh thắng và quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi, massage, trò chơi điện tử…
Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, tùy từng thời điểm mà công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành, đơn vị có giải pháp, mức độ ứng phó khác nhau. Riêng lực lượng của Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn đảm bảo ổn định chế độ trực “sẵn sàng chiến đấu” ở mức cao, trong đó có việc duy trì hoạt động 54 tổ, chốt chặn cố định, 30 tổ tuần tra cơ động trên toàn tuyến biên giới với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia trực tiếp và có sự phối hợp của cán bộ, chiến sĩ công an địa phương, dân quân, nhân viên y tế. Nhờ công tác tuần tra, kiểm soát biên giới được tăng cường mà các đơn vị đã bàn giao 7.480 trường hợp cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh và ban chỉ đạo 4 huyện, thành phố để tổ chức cách ly, theo dõi y tế. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng linh hoạt sử dụng hạ tầng của Đồn Biên phòng Mường Khương, Đồn Biên phòng Si Ma Cai cũ làm điểm cách ly y tế cho hàng trăm lượt trường hợp sau khi nhập cảnh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Việc quản lý chặt chẽ biên giới đã tạo nên lá chắn vững chắc trong phòng, chống sự lây lan của bệnh dịch từ bên ngoài và tăng cường công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Song song với nhiệm vụ quản lý biên giới, các đơn vị còn tích cực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tổ chức xuất - nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng bộ đội biên phòng đã khám phá thành công 5 chuyên án tổ chức đưa người xuất - nhập cảnh trái phép, xử lý 10 đối tượng vi phạm, hiện đang tiếp tục điều tra, xác minh 2 chuyên án khác. Các đơn vị bộ đội biên phòng còn xử lý 302 vụ việc với 2.695 đối tượng liên quan đến các quy định về quản lý biên giới, phạt hành chính những người vi phạm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, các đơn vị bộ đội biên phòng còn tham mưu tích cực cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện “mục tiêu kép”. Điển hình như xây dựng các phương án, kế hoạch điều hành quản lý hoạt động xuất - nhập cảnh đối với người và phương tiện trong điều kiện tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Gần đây nhất là việc tham gia phương án xuất khẩu vải thiều và hàng nông sản sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành mà vẫn đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh.
Trong các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, việc sớm thành lập và kích hoạt các khu cách ly tập trung là một trong những điều kiện tiên quyết để đẩy nguy cơ lây lan bệnh tật. Trung đoàn 254 là đơn vị đầu tiên của tỉnh được giao nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này, trở thành điểm cách ly đối tượng diện F1 từ đầu năm 2020 đến nay. Thời điểm đông công dân cách ly nhất (cuối năm 2020), tại đây có tới 700 người được cách ly y tế. Đại tá Nguyễn Văn Đô, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Ngay khi nhận nhiệm vụ tiếp nhận công dân cách ly tập trung, chúng tôi đã khảo sát và lên phương án sắp xếp, bố trí chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt cho công dân, đảm bảo đủ giường, chăn màn, trang - thiết bị thiết yếu để công dân có điều kiện cách ly tốt nhất. Lúc nào chúng tôi cũng sẵn sàng cho mọi tình huống, dốc sức phối hợp với các lực lượng để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đồng thời giữ gìn an ninh, trật tự tại đơn vị.
Tính đến nay, Trung đoàn 254 đã thực hiện cách ly y tế an toàn cho gần 8.000 lượt công dân.
Sẵn sàng chiến đấu với “giặc Covid-19” không chỉ có ở thị xã Sa Pa, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh, Trung đoàn 254 mà hầu hết các địa phương, các ngành, đơn vị trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19 đầy gian khó.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213080-cac-binh-chung-luon-san-sang-chien-dau