Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia đề án

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Đối với thiết chế công đoàn, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.

Ngân hàng chính sách xã hội đã được phân bố 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được 3.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở. Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.400.000 căn, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.160.000 căn. Có 162.000 hộ cần hỗ trợ về nhà ở thuộc các đối tượng chính sách, 230.000 hộ nghèo khu vực nông thôn cần hỗ trợ nhà ở.

Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia đề án. Bộ Xây dựng phối hợp bộ, ngành Trung ương nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi); tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan nhà ở xã hội. Các bộ, ngành Trung ương phối hợp các địa phương tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong triển khai thực hiện đề án. Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư. Các tỉnh, thành phố đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm và giai đoạn. Các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng. Các địa phương cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/cac-bo-nganh-dia-phuong-doanh-nghiep-tich-cuc-tham-gia-de-an-65170.html