Các bộ, ngành hoàn tất góp ý Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII trước ngày 24/7
Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành và doanh nghiệp năng lượng lớn góp ý cho nội dung và dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công thương trình hôm 12/7.
Theo yêu cầu này, việc góp ý kiến sẽ phải hoàn tất trước ngày 24/7/2023.
Trước đó, Bộ Công thương đã có tờ trình số 4548/TTr-BCT đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Căn cứ lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo Bộ Công thương là Luật Quy hoạch 2017, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Nghị quyết số 81/2023/QH15; Nghị quyết số 61/2022/QH15, Nghị quyết 90/NQ-CP năm 2023, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Quyết định 500/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII gồm 9 chương, cụ thể hóa các nội dung chủ yếu gồm Dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện; kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện; kế hoạch sử dụng đất cho đầu tư phát triển điện lực và các giải pháp, nguồn lực thực hiện.
Tại Kế hoạch do Bộ Công thương xây dựng có nhắc tới các dự án điện gió ngoài khơi do hiện chưa rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phạm vi dự án nên sẽ được phân bổ theo vùng tới năm 2030. Quy mô công suất các dự án này sẽ được chuẩn xác trong quá trình thực hiện dự án.
Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được các địa phương quyết định căn cứ vào các yếu tố chính gồm chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải và hiệu quả tổng thể về kinh tế xã hội các địa phương.
Các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ tỷ lệ theo quy mô diện tích đất khu công nghiệp năm 2025, 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022. Quy mô của nhóm dự án này là khoảng 2.600 MW vào năm 2030 sẽ được phân bổ dựa trên tìem năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà các KCN, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, khu vực công sở, dân dụng và sẽ thực hiện theo lộ trình phấn đấu độ bao phủ đạt 50% số tòa nhà công sở và nhà dân vào năm 2030.
Các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời tập trung và điện gió theo vùng/tiểu vùng/địa phương sẽ được tính toán, đánh giá giới hạn truyền tải giữa các vùng, tiểu vùng và kiểm tra chế độ vận hành lưới điện.
Bộ Công thương cũng đặt mục tiêu các nguồn điện chạy nền, có vai trò quan trọng tỏng đảm bảo an ninh cung cấp điện (nguồn điện chạy khí LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn…) cần được được rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hàng năm/hàng quý để có đánh giá chính xác về khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm tới 2023 và đề xuất các giải pháp nếu bị chậm tiến độ.
Tại bản Kế hoạch này cũng đưa ra danh sách chi tiết khoảng 100 dự án truyền tải có địa chỉ tương đối cụ thể được ghi chú là “thực hiện theo phương thức xã hội hóa” và tất cả đều là động bộ với nguồn điện.
Bình luận về bản Kế hoạch này của Bộ Công thương, một số chuyên gia đã cho rằng, vẫn còn mơ hồ khi không xác định được nhà đầu tư, tiến độ nguồn vốn đầu tư.
Vẫn theo các chuyên gia, việc giao cho địa phương chọn chủ đầu tư phát triển dự án hiện nay đang khá mờ vì không biết căn cứ trên yếu tố này. “Nếu không căn cứ vào giá điện thì chọn nhà đầu tư như thế nào. Khi chọn xong nhà đầu tư thì sẽ bán điện cho ai và nếu không thỏa thuận được giá bán điện với bên mua điện thì nhà máy đó sẽ ra sao”, Ông Trần Anh Thái, chuyên gia về hệ thống điện nhận xét.
Cũng theo ông Thái, việc quy hoạch nhiều nhà máy điện từ khí LNG với quy mô hơn 20.000 MW như hiện nay sẽ dẫn tới phụ thuộc lớn vào LNG nhập khẩu. Đáng nói là hiện có quy hoạch nhà máy điện khí LNG nhưng lại chưa có quy hoạch cảng LNG, hạ tầng cho phát triển LNG thì việc phát triển các dự án này sẽ có những thách thức lớn”.