Các bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật

Một điểm mới trong dự thảo luật lần này, theo Chủ tịch Quốc hội, là cơ quan trình dự án luật phải chịu trách nhiệm đến cùng thay vì trước đây làm 50%-60% rồi đưa qua Quốc hội, khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban 'hết sức vất vả'.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ ĐBQH số 13 sáng 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ ĐBQH số 13 sáng 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC

Cuối buổi sáng 12-2, thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc sửa đổi bám sát định hướng, chỉ đạo. "Quốc hội là cơ quan làm luật thì phải làm đúng luật chứ không sai luật được, báo cáo các đồng chí an tâm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một điểm mới trong dự thảo luật lần này, theo Chủ tịch Quốc hội, là cơ quan trình dự án luật phải chịu trách nhiệm đến cùng thay vì trước đây làm 50%-60% rồi đưa qua Quốc hội, khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban "hết sức vất vả". “Nhiều dự án luật, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội phải ngồi 7-8 cuộc họp như dự án Luật Đất đai 2024 (sửa đổi). Tôi đã nói nhiều lần, các bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo như vậy”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Một điểm mới khác, theo Chủ tịch Quốc hội là tách việc lập chính sách ra khỏi quy trình soạn thảo văn bản pháp luật và hoàn thiện quy chế một luật sửa nhiều luật. Quy trình xây dựng văn bản pháp luật sẽ đổi mới theo hướng các dự án luật chủ yếu được thông qua trong 1 kỳ họp…

 Quang cảnh phiên họp tổ ĐBQH số 13. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên họp tổ ĐBQH số 13. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm còn lại của nhiệm kỳ và nhiệm kỳ tiếp theo. Trong bối cảnh đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8% và giai đoạn 2026-2030 là 2 con số, việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng.

“So với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa bằng. Các đồng chí đừng nhìn đâu xa, kế mình là Singapore thu nhập bình quân 90.000USD, còn mình mới 4.740 USD. Chúng ta muốn phát triển thì phải tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ cho KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Xuất nhập cảnh ở Singapore chỉ mất có 10 giây, còn UAE thủ tục cấp phép đầu tư chỉ có 5 phút, 10 phút", Chủ tịch Quốc hội trăn trở.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét các cơ chế, chính sách cho các dự án lớn như phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hà Nội, TPHCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án điện hạt nhân hay ngay cả chính sách để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội cho hay, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo ngay kỳ họp bất thường phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số "vì nếu đợi tới kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới thì lâu quá".

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cac-bo-truong-truong-nganh-phai-chiu-trach-nhiem-den-cung-trong-xay-dung-luat-post781541.html