Các bước chữa lành sau khi rời bỏ môi trường làm việc 'độc hại'

Bạn thoát khỏi nơi làm việc 'độc hại' nhưng những dư âm gánh nặng tâm lý vẫn còn đó? Sau đây là một vài mẹo nhỏ từ CareerViet giúp bạn có thể giải tỏa sự tiêu cực, lấy lại tự tin và niềm vui để bắt đầu hành trình mới.

Xác định tình trạng của bản thân

Nghỉ việc trước Tết và bạn cảm thấy hoang mang khi chưa tìm thấy công việc mới? Đừng vội vàng, hãy bình tĩnh tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi này.

Thực tế, sau thời gian đại dịch, ai cũng hiểu rõ thời gian cá nhân và đời sống hàng ngày có ý nghĩa như thế nào. Nhiều người quá tham công tiếc việc mà không để ý rằng: một môi trường làm việc tốt phải lành mạnh để phát triển tinh thần và cảm xúc, chứ không chỉ để kiếm tiền.

Không ai dễ dàng vượt qua một môi trường làm việc “độc hại”. Ảnh: Freepik

Không ai dễ dàng vượt qua một môi trường làm việc “độc hại”. Ảnh: Freepik

Văn hóa làm việc “độc hại”, không tôn trọng nhân viên, gây ảnh hưởng đến thời gian cá nhân… hiện là lý do hàng đầu khiến nhiều người rời bỏ công việc của họ.

Rời khỏi khỏi môi trường đầy sự thù địch, tấn công, lạm dụng thời gian làm việc là một điều tốt cho sức khỏe của bạn. Nhưng đôi khi, “dư chấn” của những điều đó khiến bạn cảnh giác cao độ, phản ứng gay gắt, căng thẳng… khi làm quen môi trường mới, có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển trong công việc tương lai. Ví dụ, bạn dò xét sếp mới xem họ phản ứng như thế nào với những người xung quanh, bạn cảm thấy bất an và nói chuyện với các sếp cực kỳ thận trọng vì sợ bị “vặn” lại…

Chấn thương tâm lý vì công việc là một vấn đề có thật nhưng ít được mọi người đầu tư thời gian chữa lành khi gặp phải. Dù là bị quấy rối bằng lời nói, bị cô lập, phân biệt đối xử và mất an toàn trong công việc… những nhân sự bị chấn thương tâm lý thường mất một thời gian dài sau đó để có thể cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.

Nhưng thời điểm này, hãy cứ “tự chúc mừng” bản thân vì đã làm xong phần khó nhất: Dũng cảm từ bỏ chỗ làm việc độc hại. Giờ đây, bạn xứng đáng lấy lại sự tự tin và bỏ lại gánh nặng của nơi làm cũ sau lưng. Nhìn nhận điều này như một thành công, bạn mới có thể tự chữa lành và tiến lên phía trước.

Thương yêu bản thân

Không ai đáng bị đối xử bất công, bị bắt nạt hoặc lợi dụng…; nhưng tự trách bản thân vẫn là một phản ứng phổ biến hậu sang chấn. Bạn tiếc nuối vì không lên tiếng bảo vệ bảo thân kịp thời, hoặc cảm thấy xấu hổ về cách đối xử mà bạn phải chịu. Bạn có thể tiếp tục quá trình hồi tưởng và nhận thức đó (ai cũng cần thời gian để đau buồn), nhưng không nên kéo dài quá lâu nếu muốn chuyển sang một giai đoạn tích cực hơn: chấp nhận bản thân và thực tế.

Yêu thương bản thân sẽ giúp bạn lấy lại sự tự tin cũng như sức mạnh trong quá trình “hồi phục”. Bạn có thể nhận ra rằng, bạn sẽ không bao giờ nhận được lời xin lỗi từ sếp cũ, công ty cũ, đồng nghiệp cũ… tệ hại. Chính sự nhận thức này giúp bạn thấy “thương thân” và cảm kích với bản thân. Cảm kích vì bạn đã làm hết sức mình với những kinh nghiệm, hiểu biết, năng lực tại thời điểm đó. Cảm kích vì bạn đã cố gắng và nhẫn nại. Cảm kích vì bạn đã rời bỏ những người không xứng đáng...

Bạn có thể viết lời tạm biệt cho một giai đoạn đầy khó khăn. Đây là một bài tập phục hồi hiệu quả để chấm dứt thời gian đau buồn.

Sẵn sàng cho giai đoạn mới

Bạn có thể bước sang “giai đoạn lý tính”, lý trí và thực tế hơn sau khi xem xét các chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Giả sử, bạn từng được yêu cầu phải luôn có mặt đáp ứng công việc, bất kể thời gian hay lý do. Điều này phản ánh công ty cũ phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm chế độ lao động theo luật. Những cuộc họp hoặc yêu cầu trả báo cáo vào lúc 3 giờ sáng (trừ khi bạn có cuộc họp với đối tác/ bộ phận khác ở bên kia bán cầu) hoặc yêu cầu đi mua một món đồ cá nhân cho họ vào 9 rưỡi tối… đó là biểu hiện môi trường làm việc độc hại, khó chấp nhận.

Bạn hãy thu thập lại những “tín hiệu” này để tạo thành bộ “cờ đỏ”, đánh giá các tín hiệu xấu cho thấy một môi trường công sở độc hại trong tương lai. Nhờ nó, ở các môi trường làm việc mới, bạn sẽ biết khi nào mình nên lên tiếng, phản ứng hoặc rút lui ngay khi cảm thấy không giải quyết được. Hãy sử dụng kinh nghiệm đau buồn cũ để xác định rõ ràng ranh giới và kỳ vọng mới của bản thân với công việc.

 Ảnh: Freepik

Ảnh: Freepik

Những gợi ý khác

Trong thời gian chữa lành cảm xúc, bạn có thể hồi tưởng về những điều tốt đẹp bạn đã gặp trong ngày: chỉ cần 10 phút để suy ngẫm và tận hưởng cảm xúc về một khoảnh khắc thú vị, tích cực trong ngày. Sau đó, bạn viết ra và suy nghĩ tại sao những điều này có thể xảy ra? Bạn nên chia sẻ những điều tích cực đó với bạn bè, người thân mỗi ngày. Bạn cũng nên tưởng tượng tích cực về ngày hôm sau: Liệu những điều tốt đẹp gì có thể xảy ra?

Cuối cùng, bạn hãy cân nhắc việc cởi mở hơn với người khác, bạn đồng nghiệp mới sau khi tin tưởng và ổn định với công việc mới. Việc có thêm những đồng đội, đồng minh trong công việc sẽ tăng cảm giác hạnh phúc, hài lòng và hiệu quả của bản thân.

Trên hết, hãy chăm sóc bản thân. Hãy kiên nhẫn và thông cảm với bản thân, chú ý những tín hiệu sức khỏe.

Vĩnh Phú

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-buoc-chua-lanh-sau-khi-roi-bo-moi-truong-lam-viec-doc-hai-2285543.html