Các cấp công đoàn ngành Công Thương: Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó có vai trò của tổ chức công đoàn.

Lợi dụng quy định của pháp luật Việt Nam cho phép thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, các phần tử xấu đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động nhằm tập hợp lực lượng và cho ra đời tổ chức “công đoàn độc lập” hay "nghiệp đoàn độc lập", "nghiệp đoàn tự do" ở Việt Nam. Dưới lớp vỏ bọc này, các thế lực thù địch rêu rao những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước, xúi giục, kích động, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Các cấp công đoàn ngành Công Thương luôn nâng cao ý thức trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các cấp công đoàn ngành Công Thương luôn nâng cao ý thức trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong bối cảnh này, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được các cấp công đoàn ngành Công Thương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chặt chẽ.

Có thể kể đến như: Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành Công văn số 656/KH-CĐCT về Kế hoạch và hướng dẫn việc triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; định hướng tuyên truyền nhằm tăng cường xây dựng đảng bộ, chi bộ, công đoàn cơ sở trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững đoàn kết nội bộ, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong hệ thống công đoàn; phát động các phong trào thi đua yêu nước, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn viên, người lao động trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam: Kể từ khi triển khai Nghị quyết, các cấp công đoàn trong ngành đã chủ động tham gia tích cực, hiệu quả trong bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; định hướng dư luận, đấu tranh ngăn chặn, phản bác từ sớm, từ xa các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn, góp phần phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động

Tổ chức công đoàn cơ sở và cấp ủy Đảng đồng cấp thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tư tưởng kịp thời, định hướng xử lý thông tin, phát hiện và ngăn chặn những thông tin xấu; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công Thương, về đời sống, việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam còn phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương; trong đó tham gia với Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nhất là trong công tác hoạt động kinh tế quốc tế (đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại), công tác phát triển thị trường, các chính sách quản lý nhà nước về năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất...

Hoạt động cảm ơn người lao động luôn được duy trì

Hoạt động cảm ơn người lao động luôn được duy trì

Để nâng cao tính dân chủ, các công đoàn trực thuộc đã tham gia góp ý trong quá trình cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; chế độ chính sách, đào tạo nguồn nhân lực cho người lao động của ngành; tham gia góp ý nhiều văn bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên người lao động, công tác đào tạo...

Đáng chú ý, hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật được triển khai tới các cấp công đoàn; hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức kiểm tra, giám sát, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động như: Giám sát việc ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chế độ tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, xây dựng và thực hiện nội quy lao động… Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các đơn vị đã xây dựng, ban hành quy chế dân chủ tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại định kỳ...

Các cấp công đoàn thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tư tưởng đoàn viên, người lao động

Các cấp công đoàn thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tư tưởng đoàn viên, người lao động

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực song Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một số đơn vị chưa chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ công đoàn để nắm bắt kịp thời sự thay đổi của chính sách pháp luật. Một số cán bộ công đoàn cơ sở còn khó khăn trong hoạt động cũng như thực hiện vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn. Việc nắm bắt diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa thật sâu sát, các vấn đề vướng mắc của công đoàn viên tại một vài đơn vị chưa được giải quyết triệt để...

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu ngành Công Thương phải đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Các cấp công đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, phát hiện kịp thời những vấn đề mới, diễn biến phát sinh ở cơ sở, tham mưu đề xuất giải pháp giải quyết…

Quan trọng là phải giáo dục đoàn viên công đoàn, người lao động nhận thức đúng bản chất chính trị cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tập huấn nâng cao kỹ năng thỏa ước lao động tập thể cho các công đoàn cơ sở

Tập huấn nâng cao kỹ năng thỏa ước lao động tập thể cho các công đoàn cơ sở

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các doanh nghiệp, cơ sở phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Khi người lao động chưa tham gia tổ chức công đoàn mà muốn thành lập tổ chức đại diện của người lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho một nhóm lao động nào đó thì chúng ta hoàn toàn cởi mở, cho phép nhưng phải đúng quy định pháp luật.

Thực tiễn tại nhiều nước trên thế giới cho thấy những bài học đắt giá nếu buông lỏng quản lý đối với phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các tổ chức công đoàn độc lập với Nhà nước. Bài học đắt giá nhất nhiều người làm công tác công đoàn hiện nay vẫn nhắc đến, đó là phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” vào những năm cuối thập niên 80 đã dẫn đến việc Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan mất vai trò lãnh đạo và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào thời điểm đó.

Nhằm giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc của công đoàn viên, tránh những hệ lụy đáng tiếc do mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2028: 80% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-cap-cong-doan-nganh-cong-thuong-dau-tranh-phan-bac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi-319675.html