Bạn đọc tranh luận chuyện 'đi sớm, về trễ' và năng suất lao động

Nên quản lý người lao động bằng việc kiểm soát thời gian tới, về hay đánh giá bằng KPI, bạn đọc có nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề này.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Tác phong đi trễ về sớm, đến điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc” thông tin về Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/5.

Ông Mai Thiên, Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, phản ánh rằng còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu… nên khó tăng năng suất lao động.

Thông tin trên nhận về nhiều ý kiến khác nhau giữa bạn đọc.

Năng suất lao động không cao: Không phải do thời gian làm việc

“Thời buổi nào rồi mà còn quản lý người lao động bằng ràng buộc ra vào điểm danh. Cái quan trọng là hiệu quả công việc, các hoạt động nên được đánh giá dựa trên KPI, năng suất… chứ làm quần quật cả năm nhưng hiệu quả năng suất chẳng đâu vào đâu thì cũng như “muối bỏ biển” thôi. Năng suất làm việc không cao là do phương pháp làm việc chưa hiệu quả chứ không thể quy hết là do thời gian làm việc được. Cho nên tôi thấy điều nên lưu tâm là hiệu suất công việc mang lại của một người, chứ không thể đánh giá qua “đúng giờ đi làm, đúng giờ để về” mà kết luận hiệu quả công việc được” - bạn đọc Thanh Hải phân tích.

 Bạn đọc cho rằng quan trọng là hiệu quả công việc, các hoạt động nên được đánh giá dựa trên KPI, năng suất. Ảnh: Internet.

Bạn đọc cho rằng quan trọng là hiệu quả công việc, các hoạt động nên được đánh giá dựa trên KPI, năng suất. Ảnh: Internet.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Thanh Trúc chia sẻ: “Cá nhân tôi cũng nghĩ dù là doanh nghiệp nào thì cũng nên quản lý theo công việc chứ không cần quá khắt khe theo giờ hành chính. Chỉ trừ các bộ phận làm việc theo dây chuyền liên tục, còn lại hãy cứ quản lý bằng KPI và kết quả công việc. Ai có năng lực thì sớm hoàn thành và được nghỉ ngơi nhiều, ai kém thì phải làm lâu và ít thời gian nghỉ hơn. Cái khó là cần người cán bộ quản lý có trình độ, biết tính toán và đưa ra chỉ tiêu sao cho phù hợp năng lực sở trường, vị trí công việc và mức lương tương xứng với từng người lao động”.

Trái ngược với các ý kiến trên, bạn đọc Nam An lại cho rằng: “Tôi thấy mọi người đề xuất xem xét năng suất dựa trên KPI. Nhưng mà đó chỉ dành cho “lao động chất xám”, còn “lao động phổ thông” mà không quản lý giờ giấc thì rõ ràng là đi ngược lại với thực tế. Chẳng có doanh nghiệp nào phát triển tốt mà không có kỷ luật cả. Đã vô kỷ luật thì ai sẽ tin bạn có đủ trách nhiệm để hoàn thành công việc?”.

“Vực dậy” động lực làm việc cho người lao động

“Tôi nghĩ giải pháp nâng cao năng suất lao động hiệu quả mà doanh nghiệp có thể áp dụng là khuyến khích tinh thần cho người lao động. Khuyến khích họ nỗ lực, chủ động và sáng tạo hơn. Khi được doanh nghiệp tôn trọng, người lao động sẽ tự tin, mong muốn được cống hiến và làm việc với hiệu suất cao hơn”- bạn đọc Hương Vũ bày tỏ.

“Một yếu tố quan trọng để người lao động không “nản chí” đó là mức lương phải tương xứng so với công sức bỏ ra. Chúng ta không thể mong chờ các “nhân công giá rẻ” phải cống hiến hết sức lực của họ được. Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, điều này cũng giúp tránh được phần nào tình trạng "nhảy việc" của nhiều người lao động.” - quan điểm của bạn đọc Minh Thi.

THÚY PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc-tranh-luan-chuyen-di-som-ve-tre-va-nang-suat-lao-dong-post792639.html