Các cấp công đoàn phải nhận diện rủi ro để người lao động được an toàn
Sáng 13/5, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo 'Công đoàn tham gia nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro và chủ động đề xuất các giải pháp bảo vệ an toàn vệ sinh lao động'. Tham dự có đại diện liên đoàn lao động 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hội thảo lần này là một trong các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Theo ông Hiểu, nhiều năm qua, các cấp Công đoàn đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên thực tế tình hình an toàn vệ sinh lao động ở nhiều nơi vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thông qua hội thảo lần này nhằm giúp các cấp công đoàn nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro và chủ động đề xuất các giải pháp để xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh.
"Tôi mong rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn, với trách nhiệm của tổ chức công đoàn cùng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu chúng ta cùng bàn thảo, tăng cường tính trao đổi, tăng cường tính chủ động để chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất sáng kiến từ những thực tiễn, từ cách làm ở mỗi đơn vị sẽ góp ích cho việc hình thành các giải pháp của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, trong lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh lao động". Ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn thăm, tặng quà và động viên gia đình có người tử vong do tai nạn lao động ở TP Vũng Tàu
Theo số liệu của Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, trong năm 2024, điều kiện lao động đã được cải thiện đáng kể; phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh trong các cấp Công đoàn, có trên 40 ngàn công đoàn cơ sở phát động các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động với gần 1,2 triệu người tham gia và gần 17 ngàn sáng kiến.

Đại diện LĐLĐ các tỉnh thành tham dự hội thảo
Số người bị thương nặng trong tai nạn lao động giảm 1,74%, trong đó tai nạn lao động nặng trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động giảm mạnh.
Tuy có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đứng trước nhiều thách thức. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng. Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.

Ông Phạm Xuân Thành, Cục Phòng bệnh Bộ Y tế thảo luận tại hội nghị
Nguyên nhân là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.