Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng bình đẳng qua Nghị quyết 68

Nghị quyết 68 đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển, là 'cuộc cách mạng về tư duy và thể chế' và 'bước ngoặt lịch sử' trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá, khẳng định vai trò doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ mới.

Thực tế cho thấy, sự "lép vế" của doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực như vận tải, giáo dục, công nghệ, xây dựng,... vẫn còn khá phổ biến, chủ yếu do những rào cản trong tiếp cận vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng.

Nghị quyết 68 xác lập rõ định hướng phải tháo gỡ những nút thắt này, đảm bảo không để doanh nghiệp tư nhân trở thành “người ngoài cuộc” trong môi trường phát triển kinh tế chung.

Ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty Sách Bách Việt cho biết: “Ở lĩnh vực giáo dục mầm non của chúng tôi, chúng tôi phải đi thuê các mặt bằng nhà, cửa, mặt sàn theo giá thương mại và sự ổn định thì không cao về thời hạn. Chúng tôi rất muốn có được những mặt bằng chuyên dành cho lĩnh vực giáo dục để thuê với giá hợp lý, thời hạn ổn định và tiêu chuẩn đầy đủ. Nhưng phải nói thẳng là cơ hội tiếp cận rất khó, gần như sẽ chỉ có một số thành phần nào đó có được mặt bằng, còn với các doanh nghiệp bình thường như chúng tôi thì gần như không thể tiếp cận”.

Tiếp cận vốn là một trong những điểm nghẽn được Nghị quyết 68 chỉ rõ cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp tư nhân khó phát triển bền vững. Dù chính sách tín dụng đã có cải thiện, song doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản trong thực tế triển khai.

Nghị quyết yêu cầu hệ thống tài chính - ngân hàng cần điều chỉnh phù hợp để doanh nghiệp tư nhân không còn “đứng ngoài cuộc”.

Ông Trần Quốc Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) cho biết: “Doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn so với doanh nghiệp Nhà nước tất nhiên có khoảng cách nhất định. Rõ ràng thực tế, chúng ta phải đồng ý với nhau là như vậy. Gần đây, chính sách tài chính của Nhà nước có rất nhiều điểm mới, đẩy mạnh quan tâm đến việc nâng cao tín dụng. Nhưng yếu tố cơ bản là các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận vốn một cách thuận lợi, dễ dàng, bình đẳng nhất thì chưa đủ”.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ - nơi giá trị nằm ở tài sản vô hình như chất xám, mã nguồn, trí tuệ - thì việc tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn truyền thống là một rào cản lớn. Việc công nhận tài sản số và cơ chế hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực công nghệ là một nội dung được nhiều doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng sớm được thực thi trong thực tế.

Ông Lê Hùng - Tổng giám đốc CTCP ứng dụng phần mềm Mobio Việt Nam cho biết: “Công ty chúng tôi làm về lĩnh vực phần mềm, tài sản lớn nhất của chúng tôi là con người và các dòng code. Chúng tôi không có nhà xưởng, không có xe cộ, không có máy móc để có thể thế chấp vay vốn. Nhưng nếu Nhà nước muốn thúc đẩy sản phẩm số 'Made in Vietnam' và 'Made in Vietnam', thì chính sách cũng cần nhìn nhận lại tài sản số mà doanh nghiệp tạo ra và chấp nhận tài sản số đó được quyền thế chấp để vay vốn hay không”.

Nghị quyết 68 không chỉ là một định hướng, mà còn là lời cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển thực chất, hiệu quả, công bằng. Nhưng nếu không có bước chuyển mạnh từ chính sách sang hành động cụ thể, thì khoảng cách giữa bình đẳng trên giấy và bình đẳng trong thực tiễn vẫn sẽ là một chặng đường dài.

Doanh nghiệp tư nhân đang kỳ vọng Nghị quyết 68 không chỉ khơi thông tư tưởng, mà còn tạo đột phá trong hành động - để họ được đứng trên cùng một “vạch xuất phát” với các thành phần kinh tế khác, trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và công bằng.

Trần Nam

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/doanh-nghiep-tu-nhan-ky-vong-binh-dang-qua-nghi-quyet-68-329371.htm