Các chủ đầu tư đăng ký giải ngân hơn 5.200 tỷ đồng cho cao tốc Bắc-Nam
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), kế hoạch giải ngân tháng 6, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân cho các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam khoảng 5.229 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 1.662 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 3.567 tỷ đồng.
Về kết quả giải ngân từ đầu năm đến nay, báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho hay ước tính hết tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 28.600 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch năm (cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước; tỷ lệ trung bình cả nước khoảng 15,65%); trong đó các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giải ngân đạt 21.075 tỷ đồng, bao gồm các dự án thành phần giai đoạn 1 (2017-2020) giải ngân đạt 5.705 tỷ đồng đạt 33,5% kế hoạch năm; giai đoạn 2 (2021-2025) giải ngân đạt 15.370 tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, việc giải ngân của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 1 giải ngân đạt 110% kế hoạch các ban quản lý dự án đăng ký giải ngân hết tháng 5/2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm so với kế hoạch vốn đăng ký như đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn; đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu; đoạn Cam Lộ-La Sơn; đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt.
Đối với giai đoạn 2, các ban quản lý dự án chỉ giải ngân đạt 87,5% kế hoạch vốn hết tháng 5/2023; trong đó một số dự án chậm so với kế hoạch đăng ký như đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi; đoạn Hàm Nghi-Vũng Áng; đoạn Bùng-Vạn Ninh; đoạn Vân Phong-Nha Trang.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2023, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Theo đó, đối với một số dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) các chủ đầu tư cần tập trung hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đối với các dự án còn đang triển khai thi công cần chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án.
Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, các chủ đầu tư cần phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công và giải ngân nguồn vốn được giao; phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công.
Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, cũng như dự phòng cho trường hợp giá vật liệu tăng cao, chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Cùng với đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lương theo đúng quy định; chủ động rà soát báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo quy định; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân, xác định việc giải ngân dự án là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.
Đánh giá về nhiệm vụ giải ngân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, khối lượng cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn, do vậy đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu bổ sung nhân sự nội nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán để kịp thời giải ngân kế hoạch vốn được giao. Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, tư vấn giám sát đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm giải ngân khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu thi công.
Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng. Đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ Giao thông Vận tải từ trước tới nay. Theo nhìn nhận của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các chuyên gia kinh tế, việc “tiêu” hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, cần có những cách làm, giải pháp đột phá.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, với việc ước tính hết tháng 5 mới giải ngân được khoảng 28.600 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch năm, thì việc giải ngân hết nguồn vốn trong 7 tháng còn lại của năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài nguyên nhân nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực, các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, nhưng vẫn luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án./.