Các chuyên gia cung cấp thêm thông tin, kiến nghị Quốc hội xem xét chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Ngày 3/11, đại diện các mạng lưới, liên minh và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia trong buổi Tọa đàm 'Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật bảo vệ môi trường sửa đổi'; kiến nghị 'xem xét chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)'.
Từ tháng 12/2019, đại diện các mạng lưới, liên minh và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam (gọi tắt là Nhóm) đã nhiều lần gửi góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để hoàn thiện; đến nay một số nội dung đã được tiếp thu, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.
Ngày 11/11, Quốc hội dự kiến thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Vì vậy, Nhóm mong muốn cung cấp thông tin trên cơ sở khoa học để các đại biểu Quốc hội xem xét, cân nhắc, cụ thể những nội dung sau: Cần có quy định cụ thể về công khai thông tin môi trường; mở rộng đối tượng tham vấn trong đánh giá tác động môi trường bao gồm cả những cộng đồng không nằm trong khu vực dự án nhưng vẫn chịu tác động từ dự án và những tổ chức, cá nhân có quan tâm tới dự án; bổ sung quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân; cần có khung chính sách toàn diện, căn cơ về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Đồng thời, Nhóm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quy định lại chủ thể có trách nhiệm công khai; làm rõ thời hạn, hình thức và phương thức công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường; bỏ Điều 111 khoản 3 về tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc, đo đạc chất lượng môi trường xung quanh và cung cấp thông tin; mở rộng đối tượng có thể đại diện người bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường khởi kiện.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường cho biết: Dự thảo lần này bỏ Điều 131 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về công khai thông tin là bước lùi so với Luật 2014. Chúng ta cần công khai và quy định thời điểm công khai thông tin, tránh trường hợp 10 năm sau mới công khai vẫn không sai. Đặc biệt, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thanh kiểm tra cũng cần được công khai để cộng đồng, xã hội và các chuyên gia có dữ liệu giám sát, phản biện với những dự án tác động lớn về môi trường.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận định: Ô nhiễm môi trường là không có ranh giới, dự án nằm ở một địa phương có thể có tác động tới những khu vực lân cận. Vì vậy, hoạt động tham vấn cộng đồng không chỉ giới hạn đối với cộng đồng nơi có dự án mà cần mở rộng tới các cộng đồng cũng chịu ảnh hưởng bởi dự án và các cá nhân, tổ chức có quan tâm.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam nhấn mạnh "Môi trường là của cộng đồng - cần sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội. Dự thảo Luật này tạm thời chưa thể thông qua được. Chúng ta cần nghĩ kĩ hơn bởi đây là cuộc sống của hơn 100 triệu dân”.
Theo ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững: Sứ mệnh của Luật này là để canh gác bảo vệ môi trường nhưng dường như chưa đạt được. Hiện nay, các điều luật trong Dự thảo Luật này có khoảng cách quá xa so với những cam kết của Việt Nam với quốc tế, với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, không giải quyết được các vấn đề môi trường đang đặt ra trong thực tiễn.
Các đại biểu thống nhất, đề xuất đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc tạm dừng thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 này để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.