Các cơ chế, chính sách đã thể hiện tính vượt trội
Theo TS. TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Khóa XII, XIII, các cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã vượt trội so với những gì đang có và sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố.
-Việc Quốc hội sẽ xem xét, ban hành cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trong Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị nêu rất rõ vị trí, vai trò của TP. Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ và với cả nước. Riêng Nghị quyết số 31-NQ/TW nêu rõ, cần cơ chế vượt trội tạo động lực để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững.
Trên tinh thần đó, TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trong 7 lĩnh vực với 44 nội dung cụ thể. Nếu Nghị quyết này được thông qua thì lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh có được một hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố và có thể tạo khuôn khổ pháp lý để phát huy sự năng động sáng tạo, huy động nguồn lực cho sự phát triển.
Đây là Nghị quyết không chỉ quan trọng với sự phát triển trước mắt mà còn về lâu dài của TP. Hồ Chí Minh cũng như cho cả đất nước. Ngoài ra còn có ý nghĩa từ thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để mở rộng cho một số địa phương khác.
- Theo ông, các chính sách, cơ chế trong dự thảo Nghị quyết đã thực sự “mang tính đột phá” và “vượt trội” hay chưa?
- Có thể chia các cơ chế chính sách, đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thành 2 nhóm lớn.
Nhóm thứ nhất là về cơ chế là mở rộng phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh trên 5 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; tài nguyên môi trường, đất đai, xây dựng; văn hóa xã hội; và liên quan đến bộ máy tổ chức, đặc biệt là bộ máy tổ chức của TP. Thủ Đức.
Nhóm thứ hai là một số cơ chế, chính sách tạo động lực mà hiện nay chưa có quy định hoặc có nhưng chưa phù hợp. Ví dụ chính sách mở rộng hình thức đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) với lĩnh vực thể thao, văn hóa, sẽ thu hút tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn và đưa hạ tầng trong lĩnh vực này phát triển cân xứng với các hạ tầng kỹ thuật khác.
Hay mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD)là chính sách mới, rất đúng đắn. Đây cũng là bước tiệm cận và vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị. Chính sách này góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông; làm tăng nguồn thu cho ngân sách từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại; góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị. Nếu làm được thì trong tương lai có thể bổ sung vào Luật Đất đai cho phép chính quyền thu hồi quỹ đất hai bên các trục giao thông để phát triển đô thị và dùng ngân sách nhà nước để đền bù.
Nhìn tổng thể, tôi cho rằng, các cơ chế, chính sách này vượt trội hơn so với những gì đang có và có thể tạo động lực phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào quá trình thực thi.
- Vậy theo ông, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, Chính phủ cũng như TP. Hồ Chí Minh cần lưu ý những gì để triển khai hiệu quả, thực sự tạo đột phá cho thành phố?
- Tôi cho rằng, trên tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết quá trình triển khai. Trước đây, với Nghị quyết 54/2017/QH14 không có hướng dẫn như vậy. Ngoài ra, các bộ, ngành và chính TP. Hồ Chí Minh phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát để bảo đảm chính sách thực thi nghiêm túc.
Trong tương lai, chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong phạm vi phân cấp, phân quyền phải minh bạch quy trình triển khai để thấy rõ chính quyền địa phương phải làm gì; không “xin cái nọ, xin cái kia”… Đặc biệt, việc vận hành thực tế phải phát huy vai trò rất quan trọng của HĐND, phải tổ chức lại bộ máy hành chính đủ năng lực đủ vận hành cơ chế đó. Mở rộng phân cấp, phân quyền thì phải tăng trách nhiệm lên. Thành phố cũng đã có kiến nghị ráo riết nội dung này để khi Quốc hội thông qua Nghị quyết là có thể triển khai ngay.
- Xin cảm ơn ông!