Các công ty chứng khoán nào đang 'gồng lỗ' cổ phiếu FPT?
Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC, mã HCM) duy trì tỷ trọng mã FPT (Tập đoàn FPT) hơn 30% trong danh mục đầu tư tại thời điểm 31/12/2024, với giá gốc ước hơn 670 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán (CTCK), tự doanh đóng vai trò quan trọng, phản ánh hoạt động mua bán chứng khoán thu về lợi nhuận.

Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ đầu năm đến nay.
FPT là một trong những mã cổ phiếu được khối tự doanh CTCK ưa thích bởi tình hình tài chính lành mạnh và tiềm năng tăng trưởng lạc quan trong ‘kỷ nguyên’ công nghệ số. Tuy vậy, trên thị trường, mã này đang là blue-chips kém nhất từ đầu năm đến nay với mức giảm khoảng 21% kể từ đầu năm và 23% kể từ đỉnh hồi tháng 1 do áp lực chốt lời từ nhà đầu tư nước ngoài kéo theo sự tháo chạy của nhà đầu tư trong nước.
Thị giá giảm mạnh đã 'thổi bay' đáng kể vốn hóa của FPT từ vị trí thứ 3 rơi xuống thứ 7 toàn sàn.
Gồng lỗ vì 'ôm' cổ phiếu FPT
HSC là một trong những công ty chứng khoán đặt trọng tâm vào FPT trong danh mục tự doanh. Tại thời điểm 31/12/2024, danh mục FVTPL (Fair Value Through Profit or Loss – Giá trị công bằng thông qua lãi hoặc lỗ hoặc Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ) của HSC cho thấy sự tập trung vào trái phiếu niêm yết (5.000 tỷ đồng) và cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu giao dịch trên UPCOM (hơn 2.200 tỷ đồng).
Trong đó, mã FPT chiếm hơn 30% trong danh mục cổ phiếu niêm yết mà HSC nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2024, với giá gốc khoảng 676 tỷ đồng và giá hợp lý khoảng 691 tỷ đồng, tương ứng tạm lãi khoảng 2,2%. Trong bối cảnh cổ phiếu FPT lao dốc 21% từ đầu năm đến nay, khoản giá hợp lý này đang có sự điều chỉnh lớn.
Theo ước tính với giá hiện tại khoản đầu tư vào FPT của HSC đang tạm lỗ hơn 130 tỷ đồng. Do đó Quý 1 này, khả năng cao HSC sẽ phải trích lập 'kha khá' cho FPT. Được biết, mỗi quý lợi nhuận của HSC chỉ tầm quanh 200 tỷ nên khả năng cao khoản lỗ trích lập dự phòng này sẽ 'cắn' vào lợi nhuận của HSC khá nhiều.
"Điều này có thể tác động tiêu cực đến xu hướng giá của HCM hiện tại", Giám đốc khối Môi giới của công ty Chứng khoán Kafi nhận định.
BCTC 2024 của Chứng khoán Vietcap (VCI) thể hiện cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng đa số trong danh mục tài chính sẵn sàng để bán hơn 5.400 tỷ đồng. FPT là một trong ba mã cổ phiếu trọng tâm, bên cạnh KDH và TDM với giá gốc đầu tư 519 tỷ đồng, tương đương gần 9,6% tổng danh mục AFS (Available For Sale, tạm dịch: Tài sản tài chính sẵn sàng để bán).
Tại thời điểm 31/12/2024, khoản mục này ghi nhận giá trị hợp lý khoảng 695 tỷ đồng, tương đương tạm lãi gần 34%. Với đà giảm của cổ phiếu FPT từ đầu năm đến nay, giá trị hợp lý trên sổ sách của khoản mục này cũng sẽ cần điều chỉnh lại.
Chứng khoán SHS cũng nắm giữ một lượng cổ phiếu FPT trong danh mục FVTPL với giá gốc 136 tỷ đồng và giá hợp lý tại thời điểm 31/12/2024 ước gần 205 tỷ đồng. Đây là một trong bốn mã cổ phiếu nổi bật thuộc danh mục cổ phiếu niêm yết mà SHS nắm giữ tính đến cuối quý IV/2024.
BCTC 2024 của Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng thể hiện việc nắm giữ cổ phiếu FPT trong danh mục cổ phiếu và chứng khoán niêm yết, cùng với VPB, HPG, MWG… Trong đó, giá trị cổ phiếu FPT tại thời điểm 31/12/2024 khoảng 53,3 tỷ đồng, giá hợp lý khoảng 56,4 tỷ đồng.
Một số CTCK khác cũng ghi nhận danh mục FVTPL có xuất hiện cổ phiếu FPT dù tỷ trọng không nhiều, chẳng hạn Chứng khoán KIS hay DSC…
FPT có khả năng trở lại đỉnh tháng 1?
Trong báo cáo triển vọng mới đây, Chứng khoán SSI đã hạ mức giá mục tiêu 12 tháng cho cổ phiếu FPT xuống 156.300 đồng/cổ phiếu (từ 176.400 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá 22%. Mức này nhỉnh hơn đôi chút so với đỉnh giá xác lập hồi tháng 1.
Theo đó, các chuyên gia SSI nhận định lạc quan về triển vọng kinh doanh của FPT, nhưng đồng thời cảnh báo giá trị hợp đồng ký mới đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.
Ước tính 2 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sơ bộ của FPT đạt lần lượt 10,4 nghìn tỷ đồng (+16% svck) và 1,6 nghìn tỷ đồng (+21% svck). Mảng Công nghệ đóng góp hơn 50% doanh thu và 40% lợi nhuận. Đáng chú ý, doanh thu CNTT nước ngoài (+21% svck) thấp hơn dự báo, chủ yếu do khu vực châu Mỹ tăng trưởng chậm (+8% svck, so với ước tính trước đây của SSI là 15%-16% cho năm 2025) trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và điều kiện vĩ mô kém thuận lợi khiến các doanh nghiệp nước này cắt giảm chi tiêu cho CNTT.
Theo đó, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu năm 2025 cho thị trường Châu Mỹ xuống khoảng 8%-9% svck do cho rằng sẽ cần thêm thời gian để chi tiêu CNTT tại Mỹ có thể cải thiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh điều chỉnh này có thể không ảnh hưởng đáng kể đến dự báo lợi nhuận chung cho năm 2025 do các mảng kinh doanh khác vẫn duy trì triển vọng tích cực.
“Mặc dù giá trị hợp đồng ký mới đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ năm 2024, chỉ đạt 13%-14% mỗi năm (so với mức 30%-40% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023), chúng tôi vẫn cho rằng NPATMI sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2025 (+22% svck)”, báo cáo nhận định.
Thận trọng hơn, Chứng khoán KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu FPT là 151.900 đồng/cp, cao hơn khoảng 20% thị giá hiện tại với kỳ vọng đà tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì 17-20%/năm trong vòng 3-4 năm tới.
Các chuyên gia ACBS trong một đánh giá tuần trước cũng đưa ra dự báo giá mục tiêu của cho FPT đến cuối năm 2025 khoảng 145.700 đồng/cp, tương đương tổng tỷ suất lợi nhuận khoảng hơn 16% so với thị giá hiện tại.
Dự phóng dựa trên kỳ vọng doanh thu thuần và LNTT trong 2025 của FPT lần lượt đạt 74.800 tỷ đồng (+19% svck) và 13.245 tỷ đồng (+19,6% svck), với động lực chính là đà tăng trưởng của mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài và đóng góp ổn định của mảng dịch vụ viễn thông.